+
Aa
-
like
comment

Công điện số 1988: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam là rất lớn

Hạnh Nhân - 07/12/2021 12:30

Trước nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, Bộ Y tế có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận biến chủng này.

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có Công điện số 1988/CĐ-BYT (Công điện 1988) ngày 6/12 gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.

Tại Công điện 1988, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; tiếp tục phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique…) và một số quốc gia khu vực châu Âu.

Thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19.

Các địa phương cần chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bổ vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1.12.2021 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương sẵn sàng các điều kiện y tế cho điều trị toàn diện; phân tầng điều trị và giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ ô xy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị Covid-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe…

TP.HCM sẽ điều trị riêng ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron.

Ngày 25/12/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, là Omicron (B.1.1.529), ghi nhận lần đầu tại Nam Phi.

Một số báo cáo mới đây ở Nam Phi đã cung cấp những thông tin ban đầu về biến thể mới này. Hồ sơ bệnh nhân được các nhà nghiên cứu ở Tshwane, Nam Phi – “tâm chấn” của đợt bùng phát biến thể Omicron, xem xét cho thấy biến thể mới này có thể gây bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy Omicron làm tăng tỉ lệ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) đã tiến hành nghiên cứu các bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện ở Tshwane trong 2 tuần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron. Các chuyên gia quan sát thấy phần lớn bệnh nhân không cần hỗ trợ thở máy. Có rất ít bệnh nhân cần bổ sung oxy và đây là điểm khác biệt rõ rệt so với những gì được ghi nhận ở bệnh viện trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đây. Đáng chú ý là hầu hết bệnh nhân này ban đầu nhập viện vì các lý do sức khỏe khác và xét nghiệm định kỳ đã phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2. Báo cáo viết: “Đây là điều chưa từng thấy trong các đợt dịch trước”. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh thực tế rằng hầu hết các ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Tshwane là những người trẻ tuổi. Theo đó, 80% số ca mắc COVID-19 phải nhập viện trong 2 tuần qua là người dưới 50 tuổi. Bác sĩ Fareed Abdullah, tác giả báo cáo, suy đoán tỉ lệ dương tính cao hơn ở những người trẻ tuổi có thể là một dấu hiệu cho thấy vaccine đang phát huy hiệu quả chống lại Omicron.

Tuy số ca nhiễm biến thể mới là chưa nhiều nhưng sự xuất hiện của vi rút gây đe dọa cho nỗ lực hồi phục của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt tại Đông Nam Á, khi nhiều nước chỉ vừa bước ra khỏi một năm khó khăn. Trước nguy cơ đó, nhiều nước đã khẩn trương áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, tăng cường xét nghiệm.

Hạnh Nhân

 

Bài mới
Đọc nhiều