+
Aa
-
like
comment

Công cuộc chống tham nhũng: Vẫn còn bỏ lọt những “thanh củi” tại địa phương!

26/07/2019 16:17

Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực. Với phương châm “Lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”, hàng loạt các cán bộ cấp cao đều bị xử lý mà “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, cần phải đặt câu hỏi còn hay không những cành củi sâu , củi nhỏ chưa được phát hiện?

Công cuộc chống tham nhũng: Vẫn còn bỏ lọt những "thanh củi" tại địa phương!
Công cuộc chống tham nhũng: Vẫn còn bỏ lọt những “thanh củi” tại địa phương!

Một trong những điều khó lý giải nhất ở Việt Nam đó là việc cán bộ, công chức dù hưởng mức lương Nhà nước thuộc dạng không cao, nhưng không ít trường hợp vẫn có được một cuộc sống “xa hoa”. Tại nhiều địa phương, các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo, được dư luận cho biết là thường đi xe sang, ở nhà nguy nga, lộng lẫy và có đời sống khá xa xỉ. Thực tế này chẳng còn lạ lẫm gì khi hàng loạt những căn “biệt phủ” với đất vườn rộng thênh thang đều được các cơ quan báo chí, truyền thông cho “lên sóng”.

Vấn đề ở chỗ, sau mỗi vụ việc gây ồn ào dư luận, những căn “biệt phủ” vẫn tiếp diễn, tồn tại; những cán bộ có đời sống xa hoa vẫn tiếp tục xa hoa… Những cán bộ này làm gì mà giàu đến thế?

Bài toán khó!

Tính theo bảng lương mới nhất của năm 2019, lương dành cho Chủ tịch nước cũng chỉ ở mức gần 20 triệu. Những cán bộ, công chức địa phương sẽ hưởng lương thấp hơn. Cứ tính cả phần phụ cấp về chức vụ, phụ vùng khó khăn thì mức lương cũng không thể vượt quá 30 triệu.

Vậy, làm sao để một người công tác hơn chục năm, thậm chí chỉ vài năm có thể xây nên những căn nhà chục tỷ, mua những khu đất vàng, mua những chiếc xe sang hàng tỷ đồng? Một đặc điểm phổ biến cũng được chỉ ra là tài sản “sang, xịn” mà các cán bộ sử dụng thường xuyên này lại được đứng tên vợ, tên con, hoặc cả tên của những người cháu, người họ hàng ở xa… Càng lạ hơn nữa khi những người đứng tên ấy lại chỉ làm công việc “làm công ăn lương” với thu nhập ít ỏi. Có lạ kỳ quá hay không?

“Biệt phủ” ở Yên Bái, Thanh Hoá, Kon Tum, Phú Thọ… “Biệt thự siêu sang” ở Hà Nam, Đắk Lắk,… hay “Nhà toàn bằng gỗ” ở Quảng trị… Tất cả khi được phản ánh thì đều được giải trình là tài sản đứng tên họ hàng, người thân. Dư luận xôn xao một hồi rồi cũng “chìm dần, chìm dần” vì chẳng ai xử lý. Tự hỏi, cứ tiếp diễn thì đến bao giờ “giọt nước tràn ly”? Có khi nào thì lòng tin của người dân chẳng còn nữa?

Cũng mới đây thôi, một vị Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng được báo chí phản ánh là tổ chức tiệc tùng phô trương 3 lần, 4 lượt cho con trai. Mạng xã hội lập tức cũng có những thông tin về việc cán bộ này có đời sống xa hoa…

Lương không cao nhưng đời sống chẳng hề thua ai. Những cán bộ kia đã làm gì để có thể hưởng cuộc sống vượt lên trên mức lương khiêm tốn của khối cơ quan Nhà nước?

Đám cưới đầy xe biển xanh của một vị cán bộ tỉnh Sóc Trăng

Kỳ vọng!

Trước nay, dư luận chỉ nghĩ chống tham nhũng là xử lý kẻ tham ô, tham nhũng, tiêu cực; là đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi của Nhân dân; là ổn định tổ chức bộ máy Nhà nước. Nhưng, trước thực trạng của những “bài toán biệt phủ”, công cuộc chống tham nhũng phải thực hiện hơn nữa về vai trò tạo ra sự công khai, minh bạch để củng cố niềm tin với Nhân dân.

Khi xã hội đang nhìn thấy sự vô lý về việc cán bộ, công chức hưởng lương thấp mà sống xa hoa thì việc chống tham nhũng phải giải đáp được sự vô lý ấy. Chỉ có duy nhất hai câu trả lời có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu cán bộ sống xa hoa bằng tiền tham nhũng, tiêu cực; bằng những nguồn lợi không phải do công sức lao động chính đáng của họ làm ra thì phải phát hiện được và xử lý được. Dù là “được cho, được tặng, hay tham nhũng chính sách” mà thành, dù là ít hay nhiểu, nhỏ hay lớn; tất cả đều phải nhận những hình phạt tương xứng. Thứ hai, nếu cán bộ giàu có mà nhờ làm ăn chính đáng, là do năng lực tài giỏi thì cũng cần giải đáp cho người dân được biết. Họ đã làm gì để vượt qua những tầng lớp lao động khổ cực khác mà trở nên giàu có. Họ đã thu nhập tăng thêm bên cạnh công việc chính trong cơ quan Nhà nước như thế nào? Quá trình làm việc tăng thêm ấy có hợp pháp không, có ảnh hưởng gì đến trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ trong cơ quan, tổ chức mình không? Giải đáp rồi thì không những người dân chẳng còn ngờ vực mà họ sẽ tôn vinh. Bất cứ người tài giỏi nào đều xứng đáng được công nhận!

chong-tham-nhung

Kết lại, công cuộc chống tham nhũng còn rất nhiều thách thức và khó khăn, Đặc biệt là trong quá trình truyền đưa “sức nóng” từ “trên” xuống “dưới”, từ cấp Trung ương về các địa phương. Mọi ngờ vực của dư luận đều xuất phát từ những dấu hỏi, từ những điểm mập mờ không rõ ràng. Vậy, hãy chống tham nhũng làm sao để xoá bỏ được hết những bài toán không lời đáp; gạt bỏ hết những câu chuyện hoang đường…

(Theo Bút Danh)

Bài mới
Đọc nhiều