+
Aa
-
like
comment

Cổng chào ai?

04/10/2020 08:36

Một sự việc, hiện tượng hay một nhân vật, phát ngôn… chúng ta gặp trong đời, trong văn chương nghệ thuật, thậm chí trong một công trình khoa học đều có khả năng khiến chúng ta ngẫm ngợi mãi không thôi. Vì chúng chính là những lăng kính giúp ta tái khám phá hiện thực từ một góc nhìn mới lạ.

Kim Sơn – Một huyện nhỏ nhưng xây cổng chào lên đến 6 tỷ đồng

Cuối tháng 9, một vị giáo sư đặt vấn đề tại một hội thảo ở Hà Nội: Vì sao Thủ đô vẫn chưa có Khải hoàn môn. Tôi bèn nhớ lại xem gần đây Hà Nội có chiến thắng gì không, chứ chẳng lẽ lại ăn theo lịch sử, hay ăn theo nước khác? Chiến thắng nghèo đói thì bình thường quá. Chiến thắng đại dịch thì cũng chưa biết bao giờ mới cầm chắc… Mà sao cứ phải chiến (rồi) thắng một cái gì đó nhỉ. Nó có thể hiện tinh thần “vì hòa bình”, “phi chiến địa” của Hà Nội không? Và quy hoạch của Hà Nội có dành đất cho một công trình hoành tráng muôn đời kiểu như thế? Chứ còn những câu hỏi vì sao vốn rất nhiều. Như sao nước sông Tô không đục tựa sông Seine, hay bụi Paris chẳng mịn như Hà Nội…

1. Ninh Bình, vùng đất nhiều cảnh quan, giàu truyền thống văn hóa và cũng thừa cả đá núi để tha hồ xây vô số cổng chào hoành tráng. Trong số những cổng xây mới có thể kể đến cổng vào khu di sản Tràng An, cổng vào khu di tích cố đô Hoa Lư, cổng chào huyện Hoa Lư, cổng làng đá mỹ nghệ Ninh Vân vẫn ở Hoa Lư… Tất cả đều ở dạng tam quan với nhiều nét kiến trúc cổ.

Có lẽ vì thế mà huyện Kim Sơn cũng thấy cần phải phát huy truyền thống địa phương bằng cách xây một chiếc cổng chào hoành tráng ngay trên… quốc lộ 10. Tháng 9/2019, huyện khởi công xây cổng chi phí 6 tỷ từ nguồn xã hội hóa, nhưng mãi tới tháng 1/2020, công trình mới được cấp phép sau khi bị xử phạt vì vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Và nó có thể bị phá bất cứ lúc nào khi quốc lộ cần mở rộng. Nhưng đương nhiên điều đó không hề khiến huyện nản chí.

Nhân dịp này nhiều người đưa ảnh những biển báo đơn sơ của các địa danh nổi tiếng giàu có, văn minh nước ngoài để so sánh. Nhưng nào ích gì, truyền thống mỗi nơi mỗi khác. Khi người ta chưa có được một nội dung hay ho, chả lẽ cấm người ta chăm lo cho một hình thức bắt mắt?! Nhìn rộng ra ngay nhà riêng xứ người cũng ít ngăn cách bằng tường bằng cổng như ở ta…

Chiếc cổng chơ vơ kia chẳng biết có níu được chân du khách, đối tác?! Chơ vơ không phải vì không kèm theo tường bao hay cờ quạt, lính canh; mà là nó không liên quan nhiều tới đời sống hiện tại và cả tương lai. Vì rõ ràng nó là không khác là bao những cổng thành từ thời phong kiến với phần tường (bọc) đá dày hàng mét và một vài mái ngói cong cũng nặng nề không kém úp chụp lên trên. Nó thể hiện một tinh thần nệ cổ và thủ thế như kiểu đe dọa hoặc sẵn sàng nghênh đón… quân giặc tấn công. Mà xin thưa nếu là giặc thời nay thì cổng, tường có bề thế nữa cũng không còn là một chướng ngại đáng kể nữa.

2. Bức ảnh đăng báo đã được làm mờ vẫn đủ để thấy ba thân hình bé nhỏ bị đè dí dưới cánh cổng sắt. Cột cổng bật gốc (mà người ta bảo tại mấy ngày mưa đất mềm đi?!) đã cướp đi tính mạng của 3 em nhỏ. Sự việc xảy ra tại trường mầm non Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cai đầu tháng 9 vừa qua làm tôi nhớ đến một tai nạn của gia đình.

Hồi 5 tuổi, em gái tôi cũng bị một cánh cổng sắt còn to hơn đè lên, chân gẫy làm 3 đoạn. Nó là loại cổng chạy trên ray, cũng cũ rồi, nên chỉ cần bánh xe chệch khỏi ray cái là đổ. Nhưng cũng còn may đó chính là cổng bệnh viện nơi mẹ tôi làm việc, em tôi được cấp cứu ngay nên hầu như không để lại di chứng gì. Mọi người vẫn nhắc khi được đưa đi cấp cứu nó hét toáng lên “Đánh chết cái bà X đi”! Bà X tức mẹ tôi, người hay phải mang con theo đến chỗ làm. Trong cơn đau quá sức chịu đựng, đứa trẻ nghĩ ngay đến người mà nó cho là thủ phạm gây ra nỗi đau đó. Tôi tự hỏi những em bé Bản Phung đang chơi đùa bên cánh cổng trường, chúng sẽ nghĩ đến và có kịp nghĩ ra ai là thủ phạm. Điều mà những người lớn đang sống có khi cũng chẳng “nghĩ ra” nổi?!

Và vụ việc có vẻ như lại dần chìm vào quên lãng, những cánh cổng oan nghiệt lại tiếp tục được dựng lên ở một điểm trường hẻo lánh nào đó ở độ cao ngàn mét so với mặt biển. Nơi mà hẳn ít có đoàn kiểm tra nào léo hánh để giám sát chất lượng.

Ai từng đến những điểm trường miền núi Tây Bắc sẽ thấy nói chung chúng chẳng có và chẳng cần tường bao. Nên cái cổng tất nhiên chỉ có ý nghĩa hình thức. Người ta hoàn toàn có thể dựng nó bằng gỗ hoặc tốt nhất bằng tre – những nguyên liệu địa phương sẵn có, dễ thay thế và quan trọng là ít có khả năng gây tai nạn. Hoặc chỉ cần một tấm biển ghi tên trường. Vì quan trọng vẫn là trong trường có gì chứ không phải cổng vào, tường bao hoành tráng.

Các loại cổng hình như vẫn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ người Việt. Làng hay khu phố, thành phố… quy mô, tính chất khác xa nhau nhưng đều cần cổng để định vị, như một loại ranh giới. Đi trong đô thị thỉnh thoảng lại gặp cánh cổng đề “khu phố văn hóa” thể hiện đẳng cấp cho đến khi các cộng đồng “kém văn hóa” dần được xóa sạch. Lúc đó chắc phải nghĩ ra một cánh cổng khác?

NGUYỄN MẠNH HÀ/TP

Bài mới
Đọc nhiều