+
Aa
-
like
comment

Công bố hình ảnh đầu tiên của siêu biến chủng Omicron dưới kính hiển vi

08/12/2021 20:31

Hình ảnh đầu tiên về Omicron dưới kính hiển vi điện tử đã được các nhà khoa học đã công bố trong bối cảnh siêu biến chủng này đã lan ra hơn 50 quốc gia. 

Đại học Hong Kong hôm nay 8/12 đã công bố hình ảnh về biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2, thu được bằng kính hiển vi điện tử.

Các chuyên gia y tế, bao gồm các nhà nghiên cứu bệnh lý học và virus học, đã chụp lại hình ảnh hiển vi điện tử của một tế bào thận khỉ (Vero E6) sau khi bị nhiễm biến chủng Omicron. Đại học Hong Kong sau đó đã công bố các hình ảnh về biến chủng mới ở độ phóng đại thấp và cao.

Các nhà nghiên cứu giải thích, ở độ phóng đại thấp, hình ảnh cho thấy các tế bào bị tổn thương với các nang nước sưng lên chứa các hạt virus nhỏ màu đen. Ở độ phóng đại cao, hình ảnh cho thấy tập hợp các hạt virus có gai trên bề mặt của chúng.

Các nhà khoa học đã công bố hình ảnh đầu tiên của siêu biến chủng Omicron dưới kính hiển vi. Ảnh minh họa.

Các nhà nghiên cứu tại Khoa Vi sinh học thuộc Đại học Hong Kong đã tìm cách phân lập Omicron từ các mẫu bệnh lâm sàng, từ đó cho phép phát triển và sản xuất vaccine chống lại chủng virus mới.

Omicron là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi hồi tháng 11. Kết quả giải trình tự gen cho thấy nó chứa tới hơn 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến gắn trên protein gai – cấu trúc có thể tác động đến khả năng lây lan, né miễn dịch của virus. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại”.

Các dữ liệu ban đầu cho thấy, Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước kia của SARS-CoV-2, nhưng vẫn có những lo ngại rằng các đột biến có thể khiến Omicron né miễn dịch tạo ra nhờ vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19.

Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện một phiên bản “tàng hình” của biến chủng Omicron trong các mẫu xét nghiệm tại Nam Phi, Australia và Canada, nhưng cũng có thể đã lây lan rộng hơn mà chưa được phát hiện. Phiên bản “tàng hình” có nhiều đột biến giống của Omicron, nhưng không có sự thay đổi gen cụ thể cho phép phát hiện virus bằng xét nghiệm PCR, mặc dù vẫn có thể phát hiện bằng giải trình tự gen.

Hình ảnh biến chủng Omicron dưới kính hiển vi điện tử ở độ phóng đại thấp (trái) và cao (phải) (Ảnh: Đại học Hong Kong).

Các nhà khoa học cho rằng, còn quá sớm để khẳng định phiên bản mới của Omicron có cơ chế lây lan giống như Omicron, nhưng nó có sự khác biệt về mặt cấu trúc gen và do đó có thể có cơ chế hoạt động khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm nay 8/12 cho biết biến chủng Omicron cho đến nay đã được ghi nhận ở 57 quốc gia, với số ca nhiễm gia tăng ở phía nam châu Phi và số ca nhập viện có thể tăng lên.

WHO cho biết cần thêm dữ liệu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh do biến chủng Omicron gây ra và liệu các đột biến của nó có thể làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine hay không.

“Ngay cả khi mức độ nghiêm trọng (của Omicron) tương đương hoặc thậm chí thấp hơn so với biến chủng Delta, dự kiến số ca nhập viện vẫn sẽ tăng lên nếu nhiều người bị nhiễm bệnh hơn”, WHO cảnh báo.

Một số chuyên gia y tế cho rằng Omicron dễ lây lan hơn nhưng có thể không nghiêm trọng bằng Delta. Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, nói rằng dữ liệu sơ bộ cho thấy biến chủng Omicron không gây ra các triệu chứng nặng hơn cho người bệnh khi nhiễm, so với biến chủng Delta hay các chủng virus trước.

(Theo Sputnik)

Bài mới
Đọc nhiều