Công bố dữ liệu đáng ngại tại ‘điểm nóng’ Omicron
Hôm qua (8/12), Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới ở Nam Phi đã tăng hơn gấp đôi so với tuần trước trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan và trở thành biến thể chiếm ưu thế ở nước này.
Trong tuần từ 29 tháng 11 đến 5 tháng 12, số ca bệnh ở Nam Phi đã tăng 111% so với tuần trước đó, WHO cho biết trong một bản báo cáo. Khoảng 62.000 ca mắc mới đã được báo cáo tại Nam Phi chỉ trong tuần từ 29 tháng 11 đến 5 tháng 12.
Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 dương tính cũng tăng vọt. Trong tuần đầu tiên của tháng 11, chỉ 1,2% các xét nghiệm cho kết quả dương tính. Nhưng vào đầu tuần trước, tỷ lệ dương tính là 22,4%, WHO cho biết thêm.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của sự gia tăng này. Nhưng WHO nghi ngờ lý do có thể là sự lan rộng của Omicron, sự thu hẹp các biện pháp y tế công cộng và phạm vi tiêm chủng “dưới mức tối ưu”. Đến nay, chỉ mới 25,2% dân số Nam Phi được tiêm chủng đầy đủ, theo WHO.
Dữ liệu được đưa ra khi biến thể Omicron lan rộng khắp thế giới với các ca bệnh được xác nhận ở 57 quốc gia. Nam Phi và Botswana, hai nước đều phát hiện biến thể này vào đầu tháng trước, chiếm 62% số ca nhiễm biến thể Omicron được báo cáo tính đến ngày 2/12, theo một báo cáo khác của WHO.
Trong khi đó, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang cố gắng trả lời các câu hỏi về khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới.
Omicron có số lượng đột biến cao chưa từng thấy ở protein gai của virus. Theo WHO, một số đột biến ảnh hưởng đến độc lực của biến thể và cho thấy nó có thể lây nhiễm nhiều hơn các biến thể trước đó.
Thay đổi tiến trình của đại dịch
Cùng ngày 8/12, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo biến thể Omicron có thể thay đổi tiến trình của đại dịch.
Ông Tedros nói trong một cuộc họp báo tại trụ sở chính của WHO: “Một số đặc điểm nhất định của Omicron, bao gồm sự lây lan toàn cầu và số lượng lớn các đột biến, cho thấy nó có thể có tác động lớn đến tiến trình của đại dịch”.
Cũng trong cuộc họp báo, trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết bằng chứng sơ bộ từ Nam Phi có thể cho thấy biến thể mới có tác động nhẹ hơn biến thể Delta nhưng “còn quá sớm để kết luận về điều đó”.
Những bệnh nhân mắc biến thể này ở Nam Phi có triệu chứng nhẹ hơn có thể chưa trải qua toàn bộ quá trình nhiễm trùng, bà Van Kerkhove nói.
“Còn quá sớm để khẳng định”, Van Kerkhove nói trong cuộc họp báo. “Tôi chỉ muốn thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về mức độ nghiêm trọng của Omicron”.
Nhưng bà Van Kerkhove nói rằng những nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người lớn tuổi, người chưa tiêm chủng hoặc có các bệnh lý nền, có nguy cơ phát triển bệnh nặng cao hơn đáng kể.
Khai Tâm