Công bố dữ liệu bất ngờ về thương chiến Mỹ – Trung
Trang Project Syndicate vừa đăng tải bài viết với tiêu đề “Ai là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại?”, trong đó đã công bố những dấu hiệu vô cùng bất ngờ mà ít người biết về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt thời gian vừa qua.
Theo Project Syndicate, có vẻ như, cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ không đánh dấu sự kết thúc của toàn cầu hóa. Thay vào đó, nó có thể là sự khởi đầu của một hệ thống thương mại thế giới mới, khi Mỹ, hay Trung Quốc, không còn là trung tâm.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018, và chưa bao giờ chính thức kết thúc. Vì vậy, bên nào đã thắng? Nghiên cứu gần đây chỉ ra một câu trả lời rõ ràng: không bên nào cả.
Thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc khiến giá nhập khẩu vào Mỹ cao hơn đối với danh mục sản phẩm bị ảnh hưởng, và thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc bị tổn thương. Thương mại song phương giữa hai nước đã đi xuống. Và bởi vì, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều người coi sự phát triển này là dấu hiệu báo trước sự kết thúc của toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua nhiều quốc gia “bên lề” – những nơi không phải là mục tiêu trực tiếp của Mỹ hoặc Trung Quốc. Trong một nghiên cứu mới về tác động của cuộc chiến thương mại đối với các nước này, các nhà nghiên cứu đã đi đến một kết luận bất ngờ: Nhiều, nhưng không phải tất cả các quốc gia bên lề đều được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại – với việc xuất khẩu nhiều hơn.
Chắc chắn, người ta sẽ mong đợi xuất khẩu từ các nước thứ ba (Mexico, Việt Nam, Malaysia…) sẽ thay thế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Song, điều đáng ngạc nhiên là các nước này tăng cường xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ, mà còn ra các nước khác trên thế giới.
Trên thực tế, bất ngờ là kim ngạch toàn cầu đối với các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại đã tăng 3% so với các sản phẩm không bị áp thuế quan.
Điều đó có nghĩa là chiến tranh thương mại không chỉ dẫn đến việc phân bổ lại hàng xuất khẩu của nước thứ ba sang Mỹ (hoặc Trung Quốc); nó cũng dẫn đến việc tăng cường thường mại.
Nếu như chiến tranh thương mại không liên quan đến kết quả này, thì ai, hay động lực nào đã gây ra điều đó? Có thể là do một số quốc gia đứng ngoài, coi chiến tranh thương mại là cơ hội để tăng cường sự hiện diện của họ trên các thị trường thế giới. Bằng cách đầu tư vào năng lực thương mại hoặc huy động năng lực nhàn rỗi hiện có, họ có thể tăng xuất khẩu mà không cần tăng giá.
Một lời giải thích khác là khi các nước “bên lề” bắt đầu xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ hoặc Trung Quốc, chi phí sản xuất cho mỗi sản phẩm của họ giảm xuống, vì hiệu quả quy mô. Nhất quán với những giải thích này, một nghiên cứu khác cho thấy rằng những quốc gia có mức tăng xuất khẩu toàn cầu lớn nhất, là những quốc gia có giá xuất khẩu giảm.
Trong khi chiến tranh thương mại tạo ra sự gia tăng thương mại, thì tác động của nó đến các quốc gia cũng rất khác nhau. Một số nước tăng xuất khẩu đáng kể; một số thì chỉ tăng xuất khẩu sang Mỹ; và một số quốc gia chỉ giảm xuất khẩu, vì bán ít hơn cho Mỹ và phần còn lại của thế giới. Điều gì giải thích cho những khác biệt này, và các nước có thể làm gì để đảm bảo thu được nhiều lợi ích nhiều hơn từ cuộc chiến thương mại?
Một lần nữa, câu trả lời khá đáng ngạc nhiên. Người ta có thể suy đoán rằng, yếu tố quan trọng nhất giải thích sự khác nhau của các quốc gia, là mô hình chuyên môn hóa trước chiến tranh thương mại.
Ví dụ, các quốc gia như Malaysia và Việt Nam, trùng hợp là đã tập trung vào sản xuất những loại sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề bởi thương chiến – như máy móc.
Tuy nhiên, điều đó không hẳn đúng trong trường hợp của các nước thắng lớn khác trong cuộc chiến thương mại: Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Romania, Mexico, Singapore, Hà Lan, Bỉ, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc.
Thay vào đó, điều quan trọng đối với các quốc gia là hai đặc điểm chính: tham gia vào các hiệp định thương mại “sâu” (được định nghĩa là các hiệp định không chỉ bao gồm thuế quan mà còn các biện pháp khác); và tích lũy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các quốc gia đã có mức độ hội nhập thương mại quốc tế cao từ trước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các hiệp định thương mại có xu hướng giảm chi phí cố định của việc mở rộng thị trường nước ngoài, và bù đắp phần nào sự bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra. Tương tự, FDI cao hơn cũng giúp quốc gia đó có uy tín cao hơn với thị trường nước ngoài.
Hiệu ứng chuỗi cung ứng cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Trong một cuộc họp báo về chính sách, dựa trên các cuộc trò chuyện riêng với các giám đốc điều hành tại các công ty đa quốc gia lớn, các nhà phân tích tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã dự đoán vào năm 2016 rằng, thuế quan của Mỹ sẽ “tạo ra một chuỗi thay đổi sản xuất”.
Nếu một công ty quyết định chuyển sản xuất một sản phẩm bị Trung Quốc áp thuế sang nước thứ ba, thì điều này sẽ đòi hỏi phải cải tổ các hoạt động khác ở nước thứ ba đó. Khó có thể dự đoán được tác động chính xác của những phản ứng này, do sự phức tạp của chuỗi cung ứng hiện đại. Nhưng mức độ hội nhập quốc tế của một quốc gia dường như là một yếu tố quyết định trong các quyết định tái định cư của một công ty.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, thì bên thắng lớn trong cuộc chiến thương mại dường như là các quốc gia “bên lề” có quan hệ quốc tế sâu rộng. Từ quan điểm của Mỹ, cuộc chiến thương mại không dẫn đến sự phục hồi hoạt động kinh tế, như được quảng cáo, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn. Thay vào đó, hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ đơn giản là được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ các nước khác.
Từ quan điểm của các nước “đứng ngoài cuộc”, trớ trêu thay, cuộc chiến thương mại lại cho thấy tầm quan trọng của hội nhập thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại sâu rộng và FDI. May mắn thay, cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ không đánh dấu sự kết thúc của toàn cầu hóa. Thay vào đó, nó có thể là sự khởi đầu của một hệ thống thương mại thế giới mới khi Mỹ, hay Trung Quốc, không còn là trung tâm.
Bảo Trâm (Theo Project Syndicate)