Công bố danh sách các quốc gia đang trên bờ vực vỡ nợ
Trang Financial Times đưa tin, năm 2022, các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải tăng mạnh khoản thanh toán cho chủ nợ, với khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang cần tái cơ cấu nợ, dựa theo kết luận từ các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB).
1. Sri Lanka
Trong đó, Sri Lanka được coi là “ứng cử viên chính” cho tình trạng vỡ nợ nhà nước. Ngày 18-1, quốc đảo này phải hoàn trả 500 triệu USD trái phiếu quốc tế, đợt đầu tiên trong tổng số 4,5 tỷ USD mà họ cần trả trong năm 2022 để tránh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Nguy cơ kế tiếp là Ghana, El Salvador và Honduras.
Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nửa triệu người Sri Lanka đã rơi vào đói nghèo (thu nhập dưới 73.000 đồng/ngày). Tỷ lệ lạm phát tăng lên mức kỷ lục 11,1% trong tháng 11.2021, giá thực phẩm leo thang chóng mặt, theo tờ The Guardian. Sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố tình trạng kinh tế khẩn cấp đối với Sri Lanka, quân đội được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu, bao gồm gạo và đường. Nhiều người bị đẩy đến tình trạng không còn đủ sức nuôi sống gia đình. Các mặt hàng cơ bản trở nên quá tầm với của nhiều người dân nước này.
Cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka một phần do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 và tổn thất về du lịch (trước dịch chiếm 10% GDP). Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, hơn 200.000 lao động trong ngành du lịch và lữ hành đã mất việc ở Sri Lanka. Bên cạnh đó, các yếu tố khác bao gồm chính phủ chi tiêu nhiều hơn, thuế thất thu khiến nguồn thu nhà nước bị giảm mạnh, các khoản hoàn trả nợ vay cho Trung Quốc và dự trữ ngoại hối rơi xuống mức thấp nhất trong một thập niên. Tình hình càng thêm nguy cấp khi chính phủ buộc phải in thêm tiền để hoàn trả các khoản nợ vay trong nước và trái phiếu nước ngoài, dẫn đến lạm phát tăng kỷ lục.
Một trong những vấn đề cấp bách mà Sri Lanka phải đối mặt là khoản nợ nước ngoài khổng lồ, đặc biệt đến từ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Rajapaksa đang nợ Trung Quốc hơn 5 tỉ USD, và năm ngoái vay thêm 1 tỉ USD để xoay xở. Trong 12 tháng tới, Sri Lanka phải trả ước tính 7,3 tỉ USD cho các khoản nợ đáo hạn trong nước và nước ngoài, bao gồm nửa tỉ USD trái phiếu chính phủ trong tháng 1. Tuy nhiên, đến tháng 11.2021, dự trữ ngoại hối chỉ còn vỏn vẹn 1,6 tỉ USD. Trong nỗ lực giải quyết nợ nần, chính phủ Sri Lanka đang tìm mọi cách, chẳng hạn họ hy vọng dàn xếp được khoản nợ dầu với Iran bằng cách dùng lá trà “trừ nợ”.
2. Pakistan
Giữa tháng 12.2021, ông Shabbar Zaidi, cựu Chủ tịch cơ quan hành pháp điều tra tội trốn thuế, rửa tiền và tội phạm tài chính của Pakistan, nói rằng nước này đã “phá sản”, theo báo The Tribune. Tuy nhiên, sau đó ông đính chính rằng với tình trạng thâm hụt tài chính và cán cân vãng lai như hiện tại, Pakistan đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ. Trên thực tế, vài năm gần đây nền kinh tế Pakistan luôn trên bờ vực sụp đổ. Lạm phát tăng vọt khiến giá cả các mặt hàng thường ngày tăng cao. Đầu tháng 12.2021, đồng rupee mất giá ở mức kỷ lục, giảm 15% giá trị so với đồng USD trong vòng 6 tháng.
WB thống kê được Pakistan đứng đầu danh sách 10 quốc gia gánh nợ nước ngoài cao nhất với 127 tỉ USD. Nếu gộp cả nợ trong nước, tổng nợ của quốc gia Nam Á là 280 tỉ USD, chiếm 94% GDP. Năm 2022, nước này cần phải hoàn trả khoản nợ đáo hạn 14,3 tỉ USD (trong đó 4 tỉ USD của Trung Quốc). Chính quyền Islamabad cũng phải trả nợ hoặc tái cấu trúc khoản vay 9,3 tỉ USD trong năm nay, theo báo The News. Theo giới phân tích, việc Pakistan phá sản có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đang chực chờ nền kinh tế thế giới hiện nay.
Theo WB, thế giới đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ do thực tế các quốc gia dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 đã vay tiền không phải từ tổ chức quốc tế mà từ thị trường vốn. Chủ tịch WB David Malpass lưu ý sự gia tăng mạnh mẽ khoản thanh toán xảy ra vào thời điểm các nước nghèo không có đủ nguồn lực để thực hiện. Ông nhấn mạnh, việc các chủ nợ muốn lợi dụng tình hình ngay từ đầu đã làm tăng nguy cơ vỡ nợ một cách hỗn loạn.
Theo Financial Times, trước đây cũng có không ít quốc gia rơi vào tình trạng vỡ nợ. Tháng 8.2015, Puerto Rico (lãnh thổ ủy trị của Mỹ) tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ đáo hạn 58 triệu USD. Báo USA Today đã liệt kê một số quốc gia trên bờ vực phá sản vào thời điểm đó, bao gồm Belarus, Argentina, Jamaica, Belize, Venezuela, Hy Lạp và Ukraine.
Đối với Jamaica và Hy Lạp, giá trị gộp của các khoản nợ còn lớn hơn 100% GDP năm đó. Đến tháng 6.2015, Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên bị IMF tuyên bố vỡ nợ vì không chi trả được 1,7 tỉ USD. Còn theo tờ Daily Sabah, trong 2 thế kỷ qua, tổng cộng 83 quốc gia đã tuyên bố phá sản, trong số này không thiếu những cái tên cường quốc như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Anh. Trong đó, Mỹ đã vỡ nợ 5 lần, đầu tiên vào năm 1790 và lần cuối cùng là 1933.
Bảo Trâm (Theo Financial Times)