+
Aa
-
like
comment

Công bố “danh mục Đông y hỗ trợ điều trị Covid-19”: Tạo yếu tố cạnh tranh không lành mạnh

27/07/2021 09:18

Theo luật sư, việc Bộ Y tế ban hành Công văn đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu hoàn toàn có thể khiến cho người dùng nhầm lẫn rằng đây là thuốc đặc trị Covid-19 và đổ xô đi mua các loại sản phẩm này, gây hệ lụy khó lường.

Như đã đưa tin, ngày 24/7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng. Những thông tin này nhiều người cho rằng 12 loại thuốc trong hướng dẫn nằm trong phác đồ điều trị bệnh Covid-19 được Bộ Y tế cho phép.

Điều đặc biệt là một trong những sản phẩm được đưa vào danh sách 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu nêu trên là thuốc hoạt huyết (phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay…). Trong khi đó, Covid-19 là bệnh do SARS-CoV-2, lây qua đường hô hấp.

Bộ Y tế sau đó đã thu hồi công văn này, nhưng vụ việc vẫn đang gây tranh cãi trong dư luận.

Đưa rõ tên sản phẩm sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc đưa các sản phẩm thuốc cổ truyền từ dược liệu trong danh mục hướng dẫn phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 theo Công văn 5944 mà Bộ y tế mới ban hành thì đây rõ ràng không phải là thuốc đặc trị Covid-19.

Ngoài ra, việc Bộ y tế ban hành Công văn đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 các sản phẩm này hoàn toàn có thể khiến cho người dùng nhầm lẫn rằng đây là thuốc đặc trị Covid-19 và đổ xô đi mua khiến cho các loại sản phẩm này có thể bị đầu cơ, khan hiếm, gây hệ lụy xấu cho việc điều trị bệnh nhân Covid 19.

Mặt khác, việc ban hành Công văn nêu trên của Bộ Y tế cũng có thể tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giả dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.

Vụ công bố "thuốc đông y điều trị Covid-19": Đưa sản phẩm không phải là thuốc vào văn bản có đúng quy định? - Ảnh 1.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành công văn, trong đó có một số sản phẩm y học cổ truyền được sử dụng trong hỗ trợ và điều trị Covid-19. Ảnh CTV

Theo luật sư Cường, việc ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất cũng tạo ra yếu tố cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất.

Do đó, Bộ Y tế cần thận trọng trong việc đưa ra các sản phẩm phù hợp, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo nhằm hỗ trợ trong quá trình điều trị, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cũng cho hay, tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc y học cổ truyền, kê đơn thuốc y học cổ truyền kết hợp với thuốc tân dược trong cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như sau:

Thuốc y học cổ truyền (bao gồm cả vị thuốc y học cổ truyền và thuốc thang) là thuốc có thành phần là dược liệu được chế biến, bào chế hoặc phối ngũ theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian thành chế phẩm có dạng bào chế truyền thống hoặc hiện đại.

Thuốc thành phẩm y học cổ truyền (thuốc đông y, thuốc từ dược liệu) là dạng thuốc y học cổ truyền đã qua tất cả các giai đoạn sản xuất, kể cả đóng gói và dán nhãn, bao gồm: Thuốc dạng viên, thuốc dạng nước, thuốc dạng chè, thuốc dạng bột, thuốc dạng cao và các dạng thuốc khác.

Việc kê đơn thuốc y học cổ truyền, kê đơn kết hợp y học cổ truyền với thuốc tân dược phải đảm bảo nguyên tắc là chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã trực tiếp khám bệnh, chẩn đoán bệnh và biện chứng luận trị theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Việc kê đơn thuốc phải bảo đảm đúng loại thuốc, đúng liều lượng, phù hợp với chẩn đoán và diễn biến bệnh lý. Không được kê vào đơn thuốc: Thuốc không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, thuốc không được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, theo đề nghị của người bệnh.

“Như vậy, có thể thấy thực phẩm chức năng không được phép kê vào đơn thuốc nhưng thực tế trong Công văn của Bộ Y tế có thực phẩm chức năng.

Hơn nữa, sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó chỉ là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch. Như vậy, việc đưa các sản phẩm không phải là thuốc vào công văn là chưa phù hợp và đúng với quy định”, Luật sư Bình nói.

Lợi dụng dịch bệnh tăng giá sản phẩm có thể bị xử lý hình sự

Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn thì hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa…đều vi phạm quy định và sẽ bị xử lý nghiêm.

Vụ công bố "thuốc đông y điều trị Covid-19": Đưa sản phẩm không phải là thuốc vào văn bản có đúng quy định? - Ảnh 3.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015.

Tùy từng tính chất, mức độ hành vi, hình phạt cao nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, hình phạt cao nhất có thể là bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 196 Bộ luật hình sự 2015.

Nguyễn Đức

Bài mới
Đọc nhiều