Công bố đặc biệt từ Donald Trump, dồn Trung Quốc vào thế khó
Ông Donald Trump tung một đòn mạnh vào một thời điểm quan trọng khi Washington và Bắc Kinh vừa ngồi vào bàn đàm phán. Một liên minh chặt chẽ hơn đã hình thành và như một lời tuyên chiến với Trung Quốc.
Thỏa thuận vào thời điểm quyết định
Tổng thổng Mỹ Donald Trump vừa đăng trên Facebook khoe kết quả về cuộc đàm phán với một đối tác và đồng minh lớn trên thế giới: nước Nhật. Theo đó, ông Trump biết, ông đã ký 2 thỏa thuận thương mại với Nhật.
“Một thỏa thuận sẽ mang đến sự tiếp cận tốt hơn đối với khoảng 90% hàng nông sàn Mỹ xuất khẩu sang Nhật. Thỏa thuận thứ 2 thiết lập các “tiêu chuẩn vàng” cho thương mại số, thương mại điện tử”.
Thỏa thuận “tiêu chuẩn vàng” cho thương mại số được ông Donald Trump giải thích có một phần nội dung giống như Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ký kết hồi cuối tháng 11/2019, thay cho NAFTA.
Theo những thỏa thuận vừa được ký kết, phía Nhật Bản của thủ tướng Shinzo Abe sẽ dỡ bỏ thuế trị giá 7,2 tỷ USD đối với xuất khẩu nông sản của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề còn khúc mắc như thuế đối với ô tô được tạm gác sang một bên.
Các mặt hàng mà Nhật dỡ bỏ thuế bao gồm: rượu vang, phô mai, các loại hạt… trong khi các sản phẩm thịt bò, thịt lợn…. được Tokyo giảm thuế. Cả Washington và Bắc Kinh đều giảm thuế cũng như cắt bỏ các rào cản thương mại cho nhiều mặt hàng khác như phần mềm, báo chí… của nhau.
Hai thỏa thuận lần này là hiện thực hóa những gì mà tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đã thống nhất bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước. Ông Trump cho biết, Nhà Trắng tìm một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ.
Thỏa thuận Mỹ-Nhật diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn rất được thế giới quan tâm và kỳ vọng có những chuyển biến sau 12 vòng thất bại trước đó.
Ngày 7/10, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán ở cấp phó trưởng đoàn mới tại thủ đô Washington. Tuy nhiên, cũng giống như vài ngày trước khi diễn ra cuộc đàm phán, chưa có dấu hiệu nào cho thấy 2 bên sẽ nhượng bộ nhau.
Trước đó vài ngày, chính quyền ông Trump đã áp thuế cao hơn thêm 4 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc, trong khi đó Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ cứng rắn. Thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua đã giảm điểm trước thời điểm quan trọng.
Sở dĩ sự lạc quan giảm xuống là do nội dung đàm phán lần này bao gồm những vấn đề lớn, mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc như: chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, trọ cấp doanh nghiệp nhà nước, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp và các biện pháp thực thi.
Mỹ lợi thế, Trung Quốc trì hoãn một thỏa thuận toàn diện
Ông Donald Trump muốn một thỏa thuận toàn diện. Theo đó, Trung Quốc không được ép buộc chuyển giao công nghệ, không vi phạm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ… và các biện pháp thực thi phải đảm bảo các cam kết được thực hiện, không chỉ cam kết suông rồi không thực hiện.
Trong khi đó, phía Trung Quốc đang ngày càng không sẵn lòng đối với một thỏa thuận toàn diện như vậy. Điều Bắc Kinh theo đuổi như trong thời gian qua có thể là sự trì hoãn thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa nước này. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả từ những bất lợi mà ông Trump gặp phải trước một đảng Dân chủ đang dồn dập đưa ra các chiến dịch hạ bệ ông Trump.
Theo Bloomberg, chính đại diện phía Trung Quốc, ông Lưu Hạc Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng đã cho biết, đề nghị của ông đối với Mỹ sẽ không bao gồm các cam kết cải cách chính sách công nghiệp hoặc trợ cấp chính phủ của Trung Quốc.
Trước đó, theo kế hoạch chính quyền Mỹ sẽ tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ 1/10. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã lùi thời hạn tăng thuế 2 tuần, tức tới 15/10 để Mỹ và Trung Quốc có thể tiến hành cuộc đàm phán mới.
Như vậy, nếu cuộc đàm phán không thành công, thuế Mỹ sẽ tiếp tục tăng lên đối với hàng hóa của ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ tiếp tục leo thang.
Với những diễn biến tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ-Nhật, và gần đây là cả với Ấn Độ, Tổng thổng Mỹ Donald Trump đã tạo cho mình một lợi thế nhất định trên bàn đàm phán với mục tiêu là một thỏa thuận toàn diện. Theo đó, Trung Quốc phải thay đổi theo luật chơi chung, không còn những vi phạm như cáo buộc của phía Mỹ cũng như không được hỗ trợ cho các tập đoàn nhà nước, tạo ra sự không công bằng trên sân chơi quốc tế.
Một điểm yếu nhất là lĩnh vực nông nghiệp Mỹ, giờ đây đã được tháo gỡ phần nào với thỏa thuận với Nhật.
Cho tới thời điểm này, các nội dung chi tiết về 2 thỏa thuận với Nhật chưa được công bố nhưng những “tiêu chuẩn vàng” mà ông Trump so sánh với Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) khiến nhiều người nghĩ đến các điều khoản “thuốc độc” đối với Trung Quốc, như cho phép Mỹ phủ quyết nỗ lực của Canada và Mexico ký kết thỏa thuận thương mại tự do với một “nền kinh tế phi thị trường”, mà Trung Quốc coi là Mỹ nhằm mục tiêu đến Bắc Kinh.
Hiệp định USMCA giữa Mỹ, Canada và Mexcio thay thế cho NAFTA (tồn tại 24 năm) quy định rằng nếu trong 3 thành viên ký thỏa thuận thương mại tự do với một nước có nền kinh tế phi thị trường, 2 thành viên còn lại có quyền chấm dứt USMCA.
Chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ cuối 2018, chính quyền ông Trump đã có hàng loạt các thỏa thuận hợp tác quan trọng với các đối tác thương mại lớn. Sắp tới, đối tác tiếp theo có thể là Ấn Độ, sau khi thủ tướng Modi và ông Trump đã có những buổi gặp quan trọng và thống nhất sơ bộ. Nỗ lực xây và củng cố liên minh có thể sẽ khiến Bắc Kinh gặp thêm bất lợi.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chính quyền Bắc Kinh cũng có nhiều thứ để mong chờ, trong đó có chiến dịch hạ bệ ông Trump của đảng Dân chủ với đại diện áp đảo tại Hạ viện Mỹ. Sau vụ Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, giờ đây là chiến dịch luận tội ông Trump với cáo buộc vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đã hối thúc Ukraine điều tra hoạt động của con trai ông Joe Biden, cựu phó tổng thống và hiện là ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7.
Ngọc Hoàng