Công bố chỉ thị mới từ 1/10: Người ở TP.HCM đi xe cá nhân sẽ không qua được các chốt liên tỉnh
Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Việc công bố trước đó dự kiến diễn ra vào chiều 29/9, song phải lùi lại để hoàn thiện một số nội dung chỉ thị.
Chỉ thị mới về phục hồi kinh tế dự kiến cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, người dân được yêu cầu tuân thủ 5K nhưng được tham gia nhiều hoạt động.
Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Lê Hải Bình, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch Covid-19.
Tỷ lệ tiêm vaccine của vùng còn thấp
Mở đầu họp báo, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin về chỉ thị mới nhất về tiếp tục điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội tại thành phố. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% mũi 1 và trên 45% mũi 2.
Một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế – xã hội tại quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi đảm bảo an toàn, ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.
Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 của thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả vùng.
“Đây là việc phải từng bước đánh giá, điều chỉnh các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Vì kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM phải gắn với kinh tế vùng và cả nước. Đây là đặc điểm rất quan trọng”, ông Bình nói.
15/10 bắt đầu kiểm soát mã QR tại các điểm đến
Zing đặt câu hỏi về việc khi nào website antoan-covid.tphcm.gov.vn (An toàn Covid-19) đi vào hoạt động và doanh nghiệp, đơn vị được lấy mã QR đến thời điểm nào.
Trả lời, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết trang An toàn Covid-19 để lấy mã QR hoạt động từ trưa nay, 30/9, khi TP.HCM chính thức ban hành chỉ thị mới. Các đơn vị, doanh nghiệp có lộ trình từ nay đến 15/10 để triển khai mã QR này.
“Các địa điểm sẽ có bộ phận kiểm tra người đến liên hệ công tác, giao dịch. Thông qua ứng dụng có thể giám sát những người này có đủ điều kiện theo Bộ tiêu chí mà TP quy định không”, bà Trinh nói.
Theo bà Trinh, đây chỉ là việc đăng ký trực tuyến và doanh nghiệp không cần đến cơ quan nào để lấy mã.
Về F0 khỏi bệnh, TP.HCM đang triển khai ứng dụng “Y tế HCM” trong đó có lịch sử tiêm chủng và F0 khỏi bệnh. Như vậy, ứng dụng sẽ đủ thông tin xác định điều kiện của từng người.
Bên cạnh đó, bà Trinh cho biết sáng nay, ứng dụng PC-Covid của Chính phủ đã chính thức đi vào hoạt động. TP.HCM sẽ triển khai chuyển hết dữ liệu của người dùng Y tế HCM vào ứng dụng PC Covid.
“TP sẽ có giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn 1 sẽ chuyển toàn bộ người dùng của Y tế HCM và PC Covid. Sau đó, giai đoạn 2, Y tế TP.HCM sẽ thành một phần của PC-Covid”, bà Trinh nói.
Tóm lại, bà Trinh cho biết liên quan tới ứng dụng An toàn Covid, doanh nghiệp tổ chức hoạt động phải lên đó lấy mã QR, tương ứng hoạt động sẽ có Bộ tiêu chí đánh giá an toàn kèm theo. Người dân sẽ sử dụng ứng dụng Y tế HCM để lưu thông, giao dịch và TP.HCM sẽ có lộ trình để nhập dữ liệu từ Y tế HCM vào PC Covid. Người dân chỉ cần khai báo đúng số điện thoại và thông tin thì các nội dung sẽ tự động chuyển để tạo tiện ích cho người sử dụng.
Hiện, ứng dụng Y tế HCM có khoảng 1,5 triệu người dùng ứng dụng này và có 52 triệu tờ khai y tế.
3 mục tiêu trong chỉ thị mới
Chỉ thị mới của TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố.
Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
“Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động, đưa sinh hoạt của người dân từng bước sang bình thường mới”, ông Bình làm rõ mục tiêu.
Không mở cửa ồ ạt sau 30/9
“Tinh thần không phải ngay sau 30/9 trên toàn địa bàn thành phố tất cả hoạt động được ồ ạt mở mà phải thận trọng từng bước, có lộ trình để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Trong cuộc họp đến 21h tối 29/9, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt đến các địa phương về khu vực nào trong danh mục được cho phép hoạt động, mở cửa đến đâu thì phải đảm bảo an toàn cho người dân đến đó. “Người dân không được ra đường số lượng lớn ngay một lúc mà phải tính toán”, ông Bình nói.
Ông Bình nhận định suốt thời gian qua, TP.HCM nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh. Song song với đó, ý thức của người dân đã được nâng lên rất cao.
“Nếu không ý thức được công tác phòng, chống dịch và trở nặng sẽ rất khó khăn để trở lại”, Phó chủ tịch TP.HCM khuyến cáo. Theo ông, lộ trình mở cửa là ưu tiên phát triển kinh tế để người dân góp phần xây dựng thành phố.
Vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa được hoạt động phù hợp với cấp độ dịch bệnh từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ lưu thông trong thành phố.
“Nếu đi liên tỉnh phải được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải”, ông Bình nhấn mạnh.
Vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Y tế.
Hiện, Bộ GTVT đã hoàn thiện kế hoạch cho giao thông quốc nội và đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhưng khi đi, người dân cần sự cho phép của nơi đi và nơi đến. Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc đi lại giữa các tỉnh trong vùng của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về thành phố; lưu thông liên tỉnh trong trường hợp cấp thiết.
Shipper vận chuyển hàng hóa tiếp tục hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương. Hiện, có hơn 80.000 shipper (theo số liệu Sở Công Thương) vẫn hoạt động bình thường.
TP.HCM tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh. Các chốt kiểm soát tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, thành phố tổ chức chốt kiểm soát lưu động, không để tập trung đông người tại chốt kiểm soát.
“Sau ngày 30/9 sẽ thấy không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Ông Bình nhấn mạnh tinh thần đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hoá giữa TP.HCM với các địa phương một cách thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
TP.HCM sẽ kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường
Thành phố sẽ thành lập các đoàn/tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên, đột xuất kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố kiểm tra, giám sát.
“TP.HCM không cấp giấy đi đường nhưng tuần tra, kiểm tra. Ở các chốt kiểm soát, công an hoàn toàn có thể kiểm tra xác suất về điều kiện tham gia lưu thông. Nếu chưa đủ điều kiện về vaccine thì chưa được tham gia lưu thông và sẽ bị nhắc nhở”, ông Bình nói.
Người dân không tự ý đi lại liên tỉnh, TP.HCM tổ chức cho công nhân vào TP làm việc
Ngoài việc luôn thực hiện 5K, đề cao cảnh giác, người dân TP.HCM khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng “Y tế HCM” thể hiện lịch sử tiêm vaccine.
Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình giấy tờ chứng nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và sau 14 ngày.
“Sau ngày 30/9 sẽ không phải cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân”, ông Bình làm rõ. Đây là nội dung gây khó khăn cho nhiều hoạt động nhưng phải thực hiện trong giai đoạn phải kiểm soát dịch bệnh.
Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) hoặc cần cấp cứu, liên hệ ngay với Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Trường hợp cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM.
TP.HCM đặc biệt lưu ý người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh thì theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
“Người đi xe cá nhân sẽ không đi qua được các chốt liên tỉnh. Người dân mở rộng việc tham gia giao thông của người dân để tiếp cận các điều kiện tốt hơn. TP.HCM sẵn sàng đón công nhân có tham gia hoạt động sản xuất tại TP.HCM nhưng thời gian qua đã về quê, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai) sẽ phối hợp quy trình để đưa công nhân về TP.HCM bằng phương tiện chung”, ông Bình nhấn mạnh.
Tất cả khu công nghiệp và khu chế xuất đang rất thiếu công nhân lao động, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Khi làm chỉ thị này, lãnh đạo TP đã trực tiếp gặp các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến. Các ý kiến này đều mong muốn công nhân quay lại sản xuất, được ưu tiên 2 mũi vaccine để không trở nặng khi bị nhiễm.
TP.HCM đã có văn bản gửi 62 tỉnh, thành để có quy trình phối hợp đón công nhân trở lại TP.HCM. Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TP.HCM khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại thành phố.
TP.HCM kêu gọi người dân ở lại TP làm việc
Căn cứ chỉ thị mới, thủ trưởng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thuộc thành phố ban hành kế hoạch, quy định, hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; quản lý và tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền. Căn cứ tình hình dịch tễ tại từng cơ quan, đơn vị, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, các sở, ban, ngành phối hợp với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xử lý theo thẩm quyền; trường hợp phát sinh vượt thẩm quyền, báo cáo UBND TP xem xét, điều chỉnh phù hợp.
“Không phải ngày mai đồng loạt mở cửa tại tất cả địa bàn mà các quận, huyện phải có kế hoạch, lộ trình và phải đảm bảo công nhân tham gia tổ chức sản xuất mới mở cửa được”, ông Bình nhấn mạnh.
Cụ thể, siêu thị muốn mở cửa phải tính toán công nhân đã tham gia đầy đủ chưa. 3 đơn vị thí điểm (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ) khi mở cửa cũng gặp khó khăn liên quan đến người lao động.
Lực lượng lao động tại TP.HCM hãy yên tâm ở lại thành phố để tham gia lao động, đảm bảo cuộc sống của mình. Khi làm việc với các tỉnh, lãnh đạo đều nhận định không ai chăm lo tốt cho người dân bằng chính họ. Vấn đề là phải tạo công ăn việc làm cho người dân.
“Các công trình, xây dựng, nhà máy mở cửa lại rất nhiều, rất thiếu hụt lao động. Người dân ở lại thành phố, được ưu tiên chích vaccine và phải đảm bảo cuộc sống của mình”, ông Bình kêu gọi.
Gần 100% công nhân KCX, KCN đã được tiêm 2 mũi vaccine
TP.HCM yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
Thành phố sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải.
Về an sinh xã hội, TP.HCM sẽ triển khai gói hỗ trợ đợt 3; có chính sách hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi do dịch Covid-19; hỗ trợ gạo, huy động mọi người lực giúp đỡ người khó khăn. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ đợt 2.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được yêu cầu đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và xem xét, điều chỉnh mức độ giãn cách, mở rộng hoạt động kinh tế – xã hội phù hợp tại từng khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
“Gần 100% công nhân ở khu chế xuất khu công nghiệp được ưu tiên và đến nay gần như đã được đảm bảo 2 mũi”, ông Bình cho biết
Ưu tiên tiêm vaccine cho người trên 50 tuổi
Ông Lê Hòa Bình cho biết giai đoạn tới, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất và cho trẻ em (khi có hướng dẫn và vaccine phù hợp).
Về xét nghiệm, khu vực nguy cơ 3 (cam) và 4 (đỏ) tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để bóc tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Bên cạnh đó, TP.HCM xét nghiệm tầm soát tất cả người có triệu chứng nghi ngờ, giám sát có trọng điểm tại khu vực nguy cơ cao. TP khuyến khích doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh định kỳ.
Về chăm sóc F0 tại cộng đồng, TP.HCM yêu cầu ban hành quy trình quản lý và xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng trong khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu vực khác phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm gián đoạn các hoạt động.
Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, đảm bảo 100% các trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy tổ phản ứng nhanh Covid tại địa phương trên tất cả địa bàn phường, xã, thị trấn. Các địa phương cũng phải có phương án thiết lập trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh)
Mô hình 3 tầng điều trị tiếp tục được duy trì. Bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa nghiên cứu lập “Khoa Covid-19”.
“Suốt thời gian qua, hệ thống y tế gần như chỉ tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đây là lúc phải phục hồi lại hoạt động để chữa trị các bệnh khác”, ông Bình nói.
TP HCM trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cập độ khác nhau. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay thành phố đã ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; 14.631 người tử vong vì Covid-19.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM, những ngày qua công tác chống dịch trên địa bàn có nhiều tín hiệu khả quan. Số bệnh nhân tử vong vì Covid-19, số ca nặng đều giảm, số người xuất viện cao hơn nhập viện. Đến nay 74% địa bàn thành phố là vùng xanh và cận xanh (an toàn và ít nguy cơ); 11/22 quận huyện đã đủ tiêu chí kiểm soát dịch; gần 7 triệu người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 (khoảng 95%) và hơn 3 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi (khoảng 45%).
Trước đó, ngày 24/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký công văn gửi Thủ tướng xin ý kiến áp dụng quy định riêng về mở cửa nền kinh tế. Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phối hợp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế theo kiến nghị của TP.HCM.
Ngày 26/9, TP.HCM có công văn khẩn gửi 22 địa phương đề nghị góp ý dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội.
Theo dự thảo chỉ thị này, từ 0h ngày 1/10, TP.HCM dự kiến từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo tinh thần của dự thảo, TP.HCM vẫn kiểm soát chặt chẽ người ra/vào thành phố. Tuy nhiên, trong nội thành, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ được mở trở lại với điều kiện người tham gia có thẻ xanh Covid-19 và cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh đảm bảo chấp hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực.
Liên tiếp từ 6/9 tới nay, số ca bệnh nặng phải thở máy và số ca tử vong tại TP.HCM có xu hướng giảm dần. 5 ngày vừa qua, số ca nhập viện đều thấp hơn số ca xuất viện. Những chỉ số này cho thấy tín hiệu tích cực sau gần 5 tháng chống dịch của TP.HCM.
Tính đến sáng 30/9, TP.HCM ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước đã trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.
Hồng Anh