Công an thu sổ hộ khẩu, nhiều dịch vụ công cộng… vẫn đòi vì chưa kết nối dữ liệu dân cư
Thực hiện theo Luật cư trú, từ 1-7-2021, khi người dân đi làm thủ tục thay đổi nhân khẩu công an cấp xã nhiều nơi thu hồi sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ khác vẫn đòi sổ hộ khẩu giấy.
Việc liên thông khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư giữa các bộ ngành, cơ quan… vẫn còn trúc trắc chưa thông.
Thu sổ hộ khẩu giấy, cấp lại… giấy xác nhận!
Đầu tháng 10-2021, anh P.N.M.Q. đến Công an phường Thới An (quận 12, TP.HCM) để làm thủ tục đăng ký thường trú (ĐKTT) cho vợ chồng và con nhỏ vào ở căn hộ chung cư vừa mua. Anh Q. được công an phường hướng dẫn và yêu cầu anh phải mang sổ hộ khẩu (SHK) có tên anh và vợ lên, xong thủ tục sẽ thu hồi sổ. Anh Q. rất băn khoăn vì hộ khẩu anh ở Đắk Lắk, còn vợ anh ở Lâm Đồng (cùng gia đình).
“Cán bộ công an giải thích rằng khi thu hồi SHK giấy sẽ đồng thời cập nhật thông tin thường trú của tôi vào hệ thống dữ liệu và cung cấp cho tôi giấy thông báo về giải quyết thường trú. Nhưng tôi lo lắng khi thu hồi 2 sổ thì gia đình bên tôi và bên vợ ở tỉnh sẽ không còn SHK khi cần sử dụng cho các thủ tục liên quan…” – anh Q. kể.
Anh N.M.H. đến Công an phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM để tìm hiểu thủ tục ĐKTT tại nhà anh đang ở. Anh H. được hướng dẫn không cần phải về nơi thường trú để lấy giấy cắt khẩu như trước, cơ quan công an nơi tiếp nhận yêu cầu ĐKTT sẽ tự kiểm tra dữ liệu cư trú để giải quyết.
“Tôi quê ở Bình Thuận, mua nhà ở phường Linh Trung được hơn năm, cũng muốn nhập hộ khẩu về đây nhưng rất băn khoăn về việc cơ quan công an sẽ thu hồi SHK của nhà ở Bình Thuận. Khi cần, những người chung hộ khẩu với tôi ở Bình Thuận có thể đến cơ quan công an địa phương xin cấp giấy xác nhận thường trú, xác nhận số định danh cá nhân để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan… Nhưng mỗi lần cần là mỗi lần xin thì nhiêu khê quá, trong hộ khẩu có nhiều người càng khó hơn” – anh H. nói.
Theo quy định, công an xã, phường, thị trấn sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ, thực hiện thủ tục ĐKTT cho người dân chứ không phải do công an huyện như trước đây. Ngoài việc đến công an cấp xã, người dân có thể đăng ký thường trú trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia. Tính từ 1-7 đến 8-11, riêng TP.HCM tiếp nhận giải quyết 12.397 hồ sơ ĐKTT, phần lớn trong số này làm trực tiếp tại cơ quan công an (và thu hồi SHK cũ).
Nhiều dịch vụ vẫn cần SHK
Thật tréo ngoe, SHK giấy được thu hồi khi người dân có thay đổi ĐKTT, trong khi rất nhiều giao dịch công, tư đều đòi hỏi phải có SHK này.
Ông T.P.T. đến Văn phòng công chứng Phạm Văn Thể (Bình Dương) để công chứng hợp đồng mua bán. Ông T. cung cấp giấy “thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” (gọi tắt là giấy xác nhận cư trú) để chứng minh thông tin cư trú và nhân thân. Theo công chứng viên, khi thực hiện thủ tục công chứng giao dịch, người dân vẫn xuất trình SHK (nếu chưa bị thu hồi) hoặc giấy xác nhận cư trú để đối chiếu.
Tương tự, khi có giao dịch hợp đồng quyền sử dụng đất, mua bán xe, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản khai nhận/phân chia di sản… cũng đều cần có SHK (bản chính hoặc photo bản sao y) hoặc giấy xác nhận cư trú. Hiện nay nhiều phòng công chứng vẫn chưa liên thông kết nối dùng chung dữ liệu cư trú quốc gia nên việc xác định thông tin cư trú, nhân thân của người đi công chứng vẫn dựa vào SHK hoặc giấy xác nhận cư trú.
Nhiều cơ quan chức năng, lĩnh vực vẫn chưa được kết nối dùng chung dữ liệu cư trú quốc gia. Các thủ tục kết hôn, khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân đều cần có SHK hoặc giấy xác nhận cư trú. Ngay cả mua bảo hiểm y tế tự nguyện đối với hộ gia đình thì cũng cần SHK để chứng minh về số thành viên trong hộ gia đình. Đi làm căn cước công dân gắn chip, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP.HCM người dân cũng phải mang theo SHK (bản chính) nếu chưa có dữ liệu trên hệ thống dân cư quốc gia.
Khai Tâm