+
Aa
-
like
comment

Công an quyết liệt khi khởi tố vụ án lây lan dịch Covid-19 ở TP.HCM

03/12/2020 16:27

Luật sư cho rằng Công an TP.HCM đã quyết liệt khi khởi tố vụ án. Tuy nhiên, không thể loại trừ trách nhiệm buông lỏng quản lý của Vietnam Airlines.

3 ngày sau khi xuất hiện ca bệnh 1342 – nam tiếp viên Vietnam Airlines ở TP.HCM, công an TP đã khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

“Đến giờ, chúng tôi xác định hậu quả nghiêm trọng sau khi dịch bệnh lây lan qua người khác. Do đó, việc này cần phải xử lý nghiêm khắc bằng chế tài hình sự”, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM nói tại buổi họp báo trưa 3/12.

Nhận định về quyết định khởi tố vụ án này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng đây là hành động quyết liệt và kịp thời. Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu tiên trong quá trình điều tra.

Khởi tố vụ án chỉ là bước đầu tiên trong quá trình điều tra, cần phải làm rõ thêm trách nhiệm của Vietnam Airlines. Ảnh: Việt Linh.

“Đây chỉ là khởi tố vụ án, chưa phải khởi tố bị can nên cơ quan chức năng vẫn trong quá trình điều tra, xác minh để xem có căn cứ khởi tố bị can hay không. Về mặt pháp lý, tôi đồng ý với việc khởi tố vụ án”, luật sư Hùng nói.

Chuyên gia pháp lý cho rằng trong vụ án này không loại trừ trách nhiệm của Vietnam Airlines nên cần điều tra, xác minh cụ thể lỗi của hãng hàng không để xem xét xử lý.

Bởi Vietnam Airlines đã được cho phép quản lý, điều hành khu cách ly riêng dành cho các thành viên tổ bay về từ nước ngoài thì phải tuân thủ, thực hiện mọi biện pháp theo đúng quy định để quản lý người cách ly.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng trong vụ việc này, khởi tố vụ án để xem xét hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của những người quản lý ở Vietnam Airlines là cần thiết.

“Vietnam Airlines phải có trách nhiệm vì đã buông lỏng quản lý, để xảy ra trường hợp tiếp viên hàng không bị mắc Covid-19 rồi lây lan cho những người khác, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng”, luật sư Chánh bày tỏ.

Theo luật sư, trong vụ việc này, BN1342 là người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 và đã được thông báo cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, bệnh nhân này lại tiếp xúc gần với nhiều người (trong đó có BN 1347). Có thể thấy, đây là hành vi không tuân thủ quy định về việc cách ly tại nhà.

Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có ban hành công văn số 45/TANDTC-PC nhằm hướng dẫn công tác xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo nội dung công văn, hành vi của BN1342 có thể bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1, Điều 240 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm. Mức hình phạt tối đa đối với tội danh này lên đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm…

Hôm 30/11, TP.HCM xác định 2 trường hợp mới mắc Covid-19 là nam bệnh nhân 1342 và nam bệnh nhân 1347 (32 tuổi, giáo viên tiếng Anh, bạn của BN1342).

Chiều 1/12, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông báo TP.HCM thêm 2 trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân 1347. Đó là bệnh nhân D.G.H. (nam, 14 tháng tuổi) và bệnh nhân tên N.T.T. (nữ, 28 tuổi).

Hôm 2/12, ngành y tế đã làm xét nghiệm và có kết quả của 737/800 trường hợp F1 âm tính. Ngày 3/12 có thêm 105 người là F1 của các ca mới mắc Covid-19 được xác định âm tính với SAR-CoV-2.

Hoài Thanh/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều