Công an gần dân sẽ phục vụ tốt hơn cho dân
Mâu thuẫn gia đình xảy ra, anh em tương tàn nhau dẫn đến án mạng, công an địa phương bị khiển trách, kiểm điểm.
Liên quan đến vụ án mạng xảy ra tại huyện Đan Phượng (đối tượng Nguyễn Văn Đông chém chết nhiều thành viên trong gia đình), Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện Đan Phượng kiểm điểm. Cán bộ Đội Cảnh sát hình sự, công an phụ trách xã cũng bị kiểm điểm trong vụ việc này”.
Lý do được Tướng Khương đưa ra: “Bởi mâu thuẫn giữa hai anh em không phải là bột phát mà có nhiều cuộc kiện cáo nhau và nhân dân địa bàn ai cũng biết. Vậy thì trách nhiệm nòng cốt tham mưu của lực lượng công an ở đâu”. Với lý do này, thì việc công an huyện, công an xã bị kiểm điểm, xét về nhiệm vụ của ngành là hợp lý. Bởi khi đã gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân trên vai, thì khi xảy ra tội phạm, vụ việc hình sự liên quan đến mâu thuẫn dẫn đến mất mát, đau thương, cũng có một phần trách nhiệm của người chiến sĩ.
Huống hồ gì, việc xảy ra ở Đan Phượng, trước đó gia đình đã có kiện cáo, bất hòa, cả xã đều biết. Sự quyết liệt, kiểm điểm cán bộ chiến sĩ tại địa bàn, như Tướng Khương thông tin đã cho thấy phần nào về kỷ cương, quân luật thép mà ngành Công an đã và đang áp dụng. Từ đây phần nào thấy được sự quyết tâm tăng cường công tác bám dân, gần dân của các cán bộ chiến sĩ.
Chỉ có tăng cường công tác gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân thì cán bộ chiến sĩ mới có thể đem lại cuộc sống tốt nhất cho dân và cũng là cách duy nhất để người chiến sĩ làm tròn bổn phận, hoàn thành trách nhiệm của mình. Công an gần dân, biết dân đang khó, đang cần gì, từ đây mới có thể tham mưu cho lãnh đạo chính quyền địa phương; kịp thời tháo gỡ những khúc mắc của người dân, đồng thời ngăn chặn cái ác lây lan, chấn chỉnh những hành vi phạm tội từ gốc.
Có người đặt câu hỏi, ngành Công an kiểm điểm công an địa phương vì để án mạng xảy ra, như vậy có “gắt” quá không? Câu trả lời là không. Dù ai cũng thấy, về tình, nếu như khi án mạng xảy ra, chỉ ngành Công an có trách nhiệm và bị kiểm điểm là rất xót xa. Bởi liên quan đến đời sống, mái ấm của người dân, đâu phải chỉ ngành Công an phụ trách. Gia đình người dân lục đục, bất hòa, anh em mâu thuẫn nhau, kiện cáo đã diễn ra, người dân nơi đó ai cũng biết, thì người đứng đầu lãnh đạo chính quyền địa phương chắc chắn cũng biết. Rồi Hội Phụ nữ cũng biết, nhưng lỗ hỏng trong công tác tư tưởng, không quan tâm đúng mực, để những mâu thuẫn chạm đến đỉnh điểm. Những sự tắc trách đó góp phần, khiến cho con người ta không làm chủ được bản thân và gây nên lầm lỗi, không còn cơ hội sửa sai hoặc quay đầu lại!
Với người lãnh đạo, không ai muốn kiểm điểm cán bộ của mình. Nhưng công an làm chưa tốt ở đâu thì phải thay đổi chổ đó, hoặc có biện pháp phù hợp, để phục vụ tốt hơn cho người dân – đó cũng là sứ mệnh của ngành. Đó là bản lĩnh, là tinh thần trách nhiệm, mà nếu soi vào – tin rằng ai công tâm cũng sẽ dành cho họ những tình cảm tốt đẹp, sự trân trọng và thiện cảm cho lực lượng.
Thiết nghĩ, ngành Công an cần đẩy mạnh khắp cả nước công tác gần dân và xử lý nghiêm công an khu vực nếu để những nhiễu nhương, những bất an xảy ra trong xã hội. Còn nhớ, Bộ trưởng Tô Lâm đã nói: “Thay ngay một số Giám đốc Công an tỉnh đã để tội phạm gia tăng”. Người đứng đầu ngành của tỉnh để tội phạm gia tăng đã có chỉ đạo xử lý nghiêm như thế này, thì công an địa phương cũng cần được rèn luyện để thực hiện tốt công tác được giao. Bất kể công an nào quản lý địa bàn nhưng không đảm bảo an ninh trật tự thì bị kỹ luật, kiểm điểm, không nói nhiều.
Thái Thanh