Con trai cố TBT Lê Duẩn: cả nước đang dành những gì tốt nhất cho Sài Gòn
Những khó khăn của Sài Gòn trong đại dịch có lẽ mới chỉ bắt đầu, nhưng kể cả khi Sài Gòn khó khăn thêm 1.000 lần nữa, chắc chắn cả nước cũng sẽ sẵn sàng vì Sài Gòn mà cho đi thêm 1.000 lần nữa.
Tuần trước, tờ báo tôi hay đọc mỗi sáng có câu chuyện về chị nông dân nghèo ở huyện vùng biên Hướng Hóa – Quảng Trị chở con lợn 120 kg ra UBND xã để ủng hộ người Sài Gòn, dù tôi nghĩ, chị nghèo hơn phần lớn người dân ở thành phố đó.
Tuần này, bạn bè tôi ở miền Bắc quyên góp tiền để mua máy thở tặng cho các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. 10.000 y bác sĩ và nhân viên y tế đã được điều động để chi viện cho Sài Gòn – TPHCM.
1/4 trên tổng số vắc xin mà Việt Nam hiện có đều dành để tiêm cho người dân Sài Gòn. Cả đất nước đều đang vì Sài Gòn, dành những gì tốt nhất cho Sài Gòn giữa những ngày dịch bệnh.
Nếu không tính đến những năm tháng thiếu ăn, thiếu mặc thời bao cấp, thì có lẽ những ngày này là những ngày khó khăn nhất của thành phố này kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Vì từ khi tôi chuyển vào sinh sống ở nơi này từ năm 1989 đến giờ, tôi không có ký ức nào về việc Sài Gòn phải nhận sự hỗ trợ từ từng tấn cá khô, đến từng xe rau củ như những ngày tháng 7 năm nay.
Bao năm qua, thành phố này vẫn luôn là trái tim, là trụ cột kinh tế, là nơi đóng góp 30% tổng thu ngân sách của cả nước. Có lẽ vì đã quá lâu rồi, Sài Gòn không cần được giúp đỡ, nên lúc ngày thường, có vài người vẫn hay băn khoăn khi thấy thành phố này phải gánh vác trên vai quá nhiều trách nhiệm mà không được nhận lại gì.
Nhưng họ cũng quên là, từng có những năm tháng, cả đất nước này đã cùng nhau gánh vác miền Nam, gánh vác Sài Gòn trong suốt những năm dài chống Mỹ.
Tôi nhớ, năm 1983, Ba tôi – cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đại diện cho Bộ Chính trị dự Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 3. Thời điểm đó, không chỉ TPHCM, mà cả đất nước đều đang phải vật lộn với những năm tháng khó khăn và thiếu thốn thời bao cấp. Đâu đó đã có những ý kiến muốn tách thành phố ra khỏi cơ chế vận hành chung để tự vươn lên.
Vì thế, trong bài phát biểu tại Đại hội, Ba tôi đã nói: “Vì cả nước, cùng cả nước, Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, TPHCM hôm nay nhất định sẽ vượt qua khó khăn và tiến lên…”.
Ông bảo, trong bất cứ hoàn cảnh nào, TPHCM là một phần không thể tách rời của Việt Nam, sẽ vì nhau mà hy sinh, cùng nhau mà tiến lên, thời chiến đã như vậy và thời bình nhất định cũng phải như thế.
Trong chiến tranh, người miền Bắc vì dồn sức cho cuộc chiến giải phóng miền Nam mà sẵn sàng bỏ ra tất cả những gì mình có, mà Sài Gòn là điểm đầu tiên của cuộc Kháng chiến chống Pháp và cũng là điểm cuối cùng của cuộc Kháng chiến chống Mỹ, là nơi chứng kiến những sự hy sinh cuối cùng trước giờ phút đất nước thống nhất.
Hồi đó, cứ đi vào chiến trường miền Nam đồng nghĩa với việc đi đến cận kề cái chết, nhưng những ngày còn sống ở miền Bắc, tôi luôn thấy thật kỳ lạ vì ngày ra trận, gương mặt ai cũng mang theo nụ cười rạng rỡ.
Những bà mẹ miền Bắc đã mất con, những người lính đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn trước ngày độc lập, họ không bao giờ băn khoăn về việc liệu mình có phải cho đi quá nhiều. Với họ, sự hy sinh này như một lẽ đương nhiên, vì miền Nam cần sự hy sinh của họ, đất nước cần sự cống hiến của họ.
Đó là những hình ảnh tôi ghi nhớ suốt đời mình, nên dù là công dân của thành phố này hơn 30 năm qua, tôi chưa bao giờ thắc mắc khi Sài Gòn phải là trụ cột của đất nước. Vì tôi hiểu rằng, chỉ cần Sài Gòn cần, cả nước sẽ không ngại ngần vì Sài Gòn mà dang tay che chở.
Nhìn cả nước chắt chiu những liều vắc xin quý giá có được dành cho Sài Gòn trong những ngày này, nhìn các bác sĩ khắp nơi về chi viện cho Sài Gòn trong những ngày này, tôi cảm động, nhưng không thấy ngạc nhiên.
Có thể nhiều người nói, Sài Gòn được chi viện tối đa như thế vì Sài Gòn là cột trụ, là 1/3 sức mạnh kinh tế của cả nước. Nhưng tôi tin rằng, nếu như Sài Gòn không phải là thành phố giàu có nhất, mà là nơi nghèo nhất đất nước này, thì cả nước cũng vẫn sẽ dốc sức vì Sài Gòn như thế.
4 đợt dịch Covid-19 ở Việt Nam, tôi cũng chứng kiến những điều tương tự: Khi dịch bùng lên ở Đà Nẵng, cả nước dồn vào tập trung ủng hộ Đà Nẵng. Khi dịch bệnh căng thẳng ở Bắc Giang, tất cả không tiếc sức mình chi viện cho Bắc Giang. Và hôm nay, đến lượt Sài Gòn nhận được sự giúp đỡ đó.
Những khó khăn của Sài Gòn trong đại dịch này có lẽ mới chỉ bắt đầu, nhưng kể cả khi Sài Gòn khó khăn thêm một nghìn lần nữa, thì chắc chắn cả nước cũng sẽ sẵn sàng vì Sài Gòn mà cho đi thêm 1.000 lần nữa. Ngày mai, nếu cả nước gặp khó khăn 1.000 lần, thì Sài Gòn cũng sẽ không chần chừ vì cả nước mà hy sinh 1.000 lần.
Tôi vốn định nói lời cảm ơn với người nông dân ở Quảng Trị đã ủng hộ Sài Gòn con lợn 120 kg, với những người Hà Nội đã góp tiền ủng hộ cả trăm cái máy thở cho Sài Gòn, với những người dân đã nhường quyền được tiêm vắc xin trước cho Sài Gòn mà không hề thắc mắc, vì nhờ họ, những người Sài Gòn chúng tôi biết là mình không cô đơn giữa dịch bệnh.
Nhưng tôi nghĩ, lời cảm ơn này có lẽ không cần nói ra, vì đây là những việc người một nước đương nhiên sẽ làm vì nhau.
Lê Kiên Thành