+
Aa
-
like
comment

Con tàu chở 45.000 tấn nhiên liệu về đất Việt

12/03/2022 11:55

Giữa lúc thế giới lên cơn ‘khát’ năng lượng và giá xăng dầu tăng phi mã, một con tàu treo cờ đỏ sao vàng có tải trọng lên đến 45.000 tấn chở đầy nhiên liệu rời Karimun (Indonesia) trực chỉ Vũng Tàu.

Các thuyền viên chuẩn bị khớp nối các vòi chuyển nhiên liệu từ tàu sang kho – Ảnh: N.HIỂN

Gần 3 ngày vượt trùng dương, con tàu chở dầu này đã về đến VN, tiếp tục men đường sông lên khu vực tập trung hàng loạt kho xăng dầu ở mép sông Sài Gòn.

Tàu dầu 45.000 tấn

Xế chiều, tàu cập bến của Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (PVOIL Nhà Bè). Đứng trên bờ, nam nhân viên giao tiếp tàu bờ Dương Minh Tuấn lập tức “hành nghề”, kiểm tra các quy trình an toàn để sẵn sàng cho dầu tuôn vào bờ.

Ngay bước đầu tiên, giữa tàu và kho phải thống nhất khẩu lệnh bắt buộc khi có sự cố khẩn cấp thông bộ đàm, bên có sự cố phải hô to “stop, stop, stop”.

Theo anh Tuấn, khẩu lệnh này rất quan trọng bởi nếu có sự cố nghiêm trọng như vỡ đường ống thì tàu phải ngay lập tức khóa van để tránh tràn dầu ra ngoài.

Tàu đã cập bến, đường ống dẫn xăng dầu đã thông với hầm tàu nhưng chưa thể bơm ngay vào bồn mà phải trải qua một quy trình đặc biệt.

Từ trên cao, con tàu này thả một chiếc rọ sắt xuống cầu cảng, nhân viên kiểm định độc lập “chui” vào rọ, được chiếc cần cẩu đặt giữa thân tàu kéo lên boong để lấy mẫu mang đi kiểm định.

Việc lấy mẫu cũng chẳng hề đơn giản khi phải lấy mẫu qua thiết bị chuyên dụng để “cắt lớp” từng mẫu dầu ở lớp mặt, giữa và tận đáy của từng hầm cao bằng tòa nhà 3 – 4 tầng. 4 giờ đồng hồ sau, nhân viên kiểm định thông báo các mẫu đạt tiêu chuẩn, cả phía tàu lẫn kho “thở phào” để xuống hàng.

Nhìn từ xa, xung quanh con tàu luôn có những người đứng ở các góc canh giữ tàu, nhưng bước lên tàu thì đây lại là những hình nộm mặc đồng phục mà các thuyền viên nói để “hù” bọn hải tặc.

Ngồi trong cabin, thuyền trưởng Hồ Việt Hùng cho biết con tàu chở xăng dầu này thuộc dạng tàu lớn, có nhiệm vụ chở xăng dầu khắp các cảng ở Đông Nam Á về VN. Trong đó, các nước mà tàu này thường lui tới là Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei…

Theo ông Hùng, không phải các chuyến nhập hàng đều từ nhà máy lọc dầu mà nhiều chuyến lấy từ kho ngoại quan của các nước.

“Với nhiều nước, dù đã đến cảng cũng không thể vào lấy hàng ngay mà do đông đúc tàu bè nên phải xếp hàng, nhiều lúc phải neo đến cả nửa tháng mới được vào cảng lấy hàng nên mình muốn nhanh cũng không được” – ông Hùng nói.

Phòng chống hải tặc

Đứng kiểm tra các đường ống dẫn nhiên liệu trên tàu, thủy thủ trưởng Lê Ngọc Lân cho hay xăng dầu được chuyển vào kho với lưu lượng cao, lên đến gần 1.000m3 mỗi giờ.

Với đặc thù là tàu chở xăng dầu, mức độ nguy hiểm rất cao nên tàu cũng có những quy định nghiêm ngặt về an toàn, như không được sử dụng điện thoại, hút thuốc, dùng vật dễ cháy nổ trên boong tàu.

Lý giải về việc dựng những hình nộm trên cabin, vị thủy thủ trưởng có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề cho biết cướp biển vẫn rình rập trên những vùng biển vắng, tàu phải luôn cảnh giác bởi chở hàng hóa có giá trị cao.

Theo ông Lân, mỗi lần tàu đến vùng biển Philippines, Malaysia, Indonesia là phải canh chừng cướp biển, thậm chí phải làm hàng rào thép gai quanh cabin.

Đặc biệt, vòi rồng luôn chĩa ra ngoài để sẵn sàng phun “đạn nước” xua các xuồng tiếp cận tàu. Chưa lần nào đụng độ với hải tặc, nhưng với đôi mắt của một thủy thủ dạn dày kinh nghiệm, ông Lân cho hay không ít lần nhận định các tàu xung quanh chính là cướp. Tuy vậy, với loại tàu lớn và chạy nhanh như tàu này, hải tặc rất khó để manh động.

Trường hợp cướp biển có súng ống nhảy lên được tàu, các thuyền viên lập tức trốn vào căn phòng đặc biệt chống cướp biển (chứa được khoảng 30 người). Trong phòng có đủ thực phẩm, thuốc men để sống một tuần lễ, đặc biệt có các trang thiết bị để liên lạc khẩn cấp.

Chỉ tay về dãy vòi chữa cháy trên tàu, thuyền phó Hoàng Xuân Khôi giải thích do đây là tàu chở xăng dầu nên có nhiều thiết bị phòng hỏa, trong đó có bọt (foam) chuyên dụng.

Theo ông Khôi, hằng tuần tàu đều phải thực tập các công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mỗi lô hàng từ nước ngoài về VN.

Ông Lê Văn Hào kiểm tra “van thở” của kho xăng nằm trên nóc bồn – Ảnh: N.HIỂN

Từ đây xăng đi muôn ngả

6h sáng, trưởng ca bảo vệ Vũ Duy Phơn bước vào ca làm việc mới bằng cách đến nhà xe để… đề máy các xe chữa cháy.

Đây là điều đặc biệt ở một kho chứa xăng dầu khi bên trong kho bắt buộc phải có các xe chữa cháy và mỗi ngày đều phải chạy, kiểm tra mức đầy nước trên xe, súng bắn nước, các thiết bị… đảm bảo sẵn sàng tác chiến nếu “bà hỏa” viếng thăm.

Ông Ngô Đức Dũng – giám đốc PVOIL Nhà Bè – ví von các nhân viên của kho phải luôn luôn “lên dây cót” phòng hỏa bởi làm việc ở kho chỉ cần sơ suất nhỏ có thể gây ra thảm họa.

Theo ông Dũng, kho hiện có 18 bồn chứa với sức chứa lên đến 170.000m3 với đủ các loại nhiên liệu như xăng dầu, nhiên liệu máy bay…

Với sức chứa lớn, kho nhiên liệu này đóng vai trò quan trọng khi cung ứng xăng dầu cho hệ thống của doanh nghiệp này ở muôn ngả, từ TP.HCM, lên Tây Nguyên hay xuôi về các tỉnh miền Tây bằng đường sông.

Với tính chất quan trọng của một kho chứa nhiên liệu, ông Dũng cho hay kho được bảo vệ an ninh “vòng trong vòng ngoài” để tránh người lạ xâm nhập, thậm chí tàu bè không được đi sát cầu cảng khi các tàu đang nhập hàng để tránh gây ra sự cố.

Dù đây là kho lớn, xuất hàng cả đường bộ lẫn đường thủy, song ông Dũng cho biết chỉ cần ngồi trong phòng là vị giám đốc này có thể biết được lượng hàng xuất, hàng nhập bởi kho đã được vận hành bằng hệ thống công nghệ hiện đại, không còn vận hành thủ công như trước.

“Mỗi xe bồn xuất ra đều có chứng chỉ chất lượng cho riêng chuyến hàng đó. Hàng cũng sẽ được lấy 2 mẫu, một mẫu xe mang đi, một mẫu lưu tại kho. Các van tại xe đều được kẹp chì đầy đủ để hàng xuất đảm bảo các tiêu chuẩn” – ông Dũng kể.

Dẫn chúng tôi lên nóc bồn chứa xăng cao hàng chục mét, ông Lê Văn Hào – phó phòng quản lý hàng hóa – cho biết trên nóc mỗi bồn phải có “van thở” để tránh áp suất lớn gây nổ, nhất là những ngày Sài Gòn nắng nóng do xăng dầu có độ giãn nở lớn, nhưng cũng chính vì vậy độ bốc hơi cao.

Do đó, bên trong mỗi bồn đều có hệ thống phao nổi tịnh tiến theo mức độ đầy của xăng, giúp giảm lượng bốc hơi. Đồng thời, để tránh cháy nổ, trong mỗi bồn cũng có hệ thống phòng cháy chữa cháy cố định với các cảm biến phun nước tự động.

Tăng nhập khẩu xăng dầu

Theo ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng Bộ Công thương – nguồn cung xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 70 – 75% nhu cầu, chủ yếu đến từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (35 – 40% thị phần) và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (khoảng 35% thị phần), còn lại nhập khẩu.

Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt do việc giảm công suất sản xuất tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn từ đầu tháng 1-2022.

Hiện bộ này đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trong quý 2, kể cả trường hợp Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không thể phục hồi sản xuất.

Đặc biệt, bên trong cảng cũng có một đội thuyền túc trực 24/24 giờ nhưng ông Lê Văn Hào “hy vọng luôn thất nghiệp” bởi đây là đội xử lý sự cố tràn dầu trên sông. “Từ khi thành lập cho đến nay, việc vận hành kho đều an toàn, chưa xảy ra sự cố nào, giúp việc cấp xăng dầu cho người dân không bị gián đoạn” – ông Hào nói.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều