+
Aa
-
like
comment

“Con sâu làm giàu nồi canh” – Góc khuất của CSGT

Hồng ĐInh - 26/11/2019 17:18

Chiều 25-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc can thiệp xử lý xe quá trọng tải của một số cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh này; nếu phát hiện sai phạm kiên quyết xử lý nghiêm. Quyết không để hình ảnh lực lượng công an nhân dân bị bôi xấu, xa rời nhân dân.

CSGT Đồng Nai tố cáo lãnh đạo ‘bảo kê’ xe vi phạm

Vụ việc một số cán bộ cấp lãnh đạo ở đội và Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai bị tố cáo “bảo kê”, can thiệp, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ được báo chí đăng tải thời gian gần đây khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi hai người tố cáo lại chính là 2 sĩ quan công an đang công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh này.
Cụ thể, gần một tháng qua, 2 CSGT đã có đơn tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng đã có hành vi “bảo kê”, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, cụ thể là không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.

Bộ Công an được giao vào cuộc kiểm tra, làm rõ những thông tin một số cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Đồng Nai tố cáo lãnh đạo cấp trên “bảo kê” xe tải.

Các sĩ quan CSGT này cũng yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc làm rõ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng “đã nhiều lần bảo kê xe quá tải, can thiệp với cấp dưới để thả xe quá tải” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Những người tố giác còn cung cấp nhiều clip cho báo ghi lại âm thanh, hình ảnh cho thấy khi tổ tuần tra CSGT đang xử lý xe quá tải chạy trên Quốc lộ 20 thì có cuộc gọi qua lại được xác định là với lãnh đạo đội tuần tra giao thông trên Quốc lộ 20, Quốc lộ 1 can thiệp. Nội dung qua đoạn thoại như: “Xe đã gửi đội”, “xe của sếp lớn”, “xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà”, “thôi cho đi”…

Mới đây khi trả lời báo chí, Trung tá Phạm Hải Cảng – đội trưởng Đội CSGT số 2 (người bị tố cáo) đã phủ nhận việc mình can thiệp vào quá trình xử lý xe vi phạm của tổ công tác cấp dưới.

Những năm nay, để dẹp nạn mãi lộ, Bộ Công an liên tục có công điện khẩn yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông không được “vẫy xe” xem qua loa giấy tờ rồi cho đi; phải thực hiện phương thức tuần tra cơ động là chính. Công điện cũng nghiêm cấm CSGT lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra (trừ địa điểm là điểm đen giao thông).

Việc dừng phương tiện để kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình công tác và điều lệnh Công an nhân dân. Nếu như CSGT cả nước nói chung, CSGT Đồng Nai nói riêng chấp hành nghiêm chỉnh chỉ đạo này của Bộ Công an thì chắc chắn, vấn nạn CSGT tự ý cắm chốt, làm luật để mãi lộ tiền của dân tham gia giao thông sẽ được siết chặt.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc can thiệp xử lý xe quá trọng tải của một số cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng. Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất.

Đại tướng Tô Lâm cũng yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý vấn đề này; nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ sai phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của lực lượng Công an nhân dân.

Không để một vài “con sâu” làm xấu hình ảnh lực lượng công an nhân dân

Tình trạng “mãi lộ” đã được công luận đề cập từ nhiều năm nay khiến dư luận hết sức bức xúc. Bức xúc trước nhất là đối với những người thực thi công vụ thoái hóa, biến chất, bị đồng tiền làm mờ mắt, cố ý và sẵn sàng “làm luật” với người vi phạm; Kế đó là ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân rất kém.
Để tình trạng người tham gia giao thông hối lộ CSGT và CSGT “mãi lộ” tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân không phải chúng ta thiếu luật, thiếu chế tài, mà do thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Liên quan đến vụ việc CSGT “làm luật” ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất hồi đầu năm 2017, với quyết tâm làm trong sạch nội bộ, bên cạnh chỉ đạo, yêu cầu: “Xử lý nghiêm, không bao che CSGT làm luật”, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn – Thứ trưởng Bộ Công an còn kêu gọi: “Báo chí hay người dân có thông tin CSGT mãi lộ chuyển đến lãnh đạo công an địa phương, nếu xác minh có vi phạm phải xử lý mạnh”. Thiếu tướng Trần Sơn Hà – cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cũng nêu rõ quan điểm: “CSGT nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm, không bao che”.

Và kết quả như thế nào, mọi người ai cũng đã rõ – việc CSGT làm sai quy định của ngành, mãi lộ bị đình chỉ công tác là kết quả đã được báo trước. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã cho biết, sau khi áp dụng những biện pháp chấn chỉnh những tiêu cực của CSGT, đã có những chuyển biến tốt, tuy nhiên một số nơi vẫn xảy ra những vi phạm; Đã có trường hợp vi phạm bị kỷ luật chuyển khỏi lực lượng hoặc bị xử lý trước pháp luật.

Theo thông tin từ Bộ Công an, liên quan đến phản ánh của các cơ quan báo chí về việc can thiệp xử lý xe quá trọng tải của một số cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng, chiều 25/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo, giao Thanh tra Bộ Công an và một số đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh; báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất.

Để giữ gìn hình ảnh lực lượng công an nhân dân, giữ gìn niềm tin của người dân vào lực lượng, hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ, cán bộ công an nhân dân trên cả nước từng giờ từng phút hết mình để bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đã có không ít những cán bộ, chiến sĩ đã đổ máu, thậm chí hi sinh thân mình vì lý tưởng cao đẹp. Nhưng chỉ vì “những con sâu” như trên đã làm hoen ố hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân.

Do vậy, loại họ ra khỏi hàng ngũ là cần thiết để cảnh tỉnh, răn đe với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng trong việc ý thức được trách nhiệm, quyền hạn cũng như thái độ hành xử của mình. Đồng thời, giúp nhân dân có thêm niềm tin đối với lực lượng công an và sự nghiêm minh của pháp luật. Niềm tin ấy như được nhân lên khi mới đây Bộ trưởng Công an, đại tướng Tô Lâm nói sẽ chỉ đạo nhằm chấn chỉnh trong toàn lực lượng.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ mang trên mình bộ quân phục phải giữ mình, không coi thường nhân dân, khinh nhờn pháp luật, dù ở trụ sở tiếp dân hay giữa chốn đông người. Chỉ có như vậy, họ mới bảo vệ được thanh danh của mình, không có cách nào khác.

Để trở thành một chiến sỹ công an nhân dân, bất cứ cá nhân nào cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong quá trình huấn luyện rất khắc khe, để đáp ứng yêu cầu, quy định của ngành. Trong thời gian công tác, ngành Công an đã có rất nhiều giải pháp siết chặt quản lý cán bộ chiến sỹ, từ việc giáo dục, đến nâng cao hiệu quả công tác, nhưng vẫn có những con sâu làm rầu nồi canh. Đó là điều khiến lãnh đạo ngành Công an đau lòng và rất nhiều trăn trở.

 

Bài mới
Đọc nhiều