+
Aa
-
like
comment

Con “quỷ ấu dâm” ẩn nấp trong những nơi tưởng là an toàn nhất

Hồng ĐInh - 19/11/2019 16:53

“Dâm ô trẻ em”, “xâm hại tình dục trẻ em”, là những cụm từ mà được dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Và còn đau đớn và phẫn nộ hơn, khi liên tục những vụ việc dâm ô trẻ em vừa xảy ra ở những nơi tưởng là an toàn nhất và do chính những người trực tiếp thay cha mẹ dạy dỗ các em bài học làm người gây ra.

Mới đây nhất, xã hội lại thêm một lần nữa phẫn nộ trước hai vụ trẻ dưới 16 tuổi bị dâm ô bởi người giáo dưỡng. Liên quan đến vụ việc một cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM) bị tố có hành vi dâm ô trẻ em tại chính trung tâm này, trao đổi với phóng viên chiều nay (18/11), Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) Đặng Hoa Nam cho biết, phía Cục đã nắm được sự việc này và Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối thông tin để phối hợp cùng TP HCM có những biện pháp hỗ trợ nạn nhân.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, tất cả các vụ việc có dấu hiệu xâm hại tình dục trẻ em đều phải xử lý nhanh nhất, nghiêm minh. Cục trẻ em và Cục Bảo trợ xã hội, Văn phòng Bộ cùng Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã kiểm tra tình hình và có biện pháp bảo vệ nhân phẩm, sức khỏe các cháu tại trung tâm, đồng thời xử lý trách nhiệm nhân viên trung tâm vi phạm.

Một cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM) bị tố có hành vi dâm ô trẻ em
Một cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM) bị tố có hành vi dâm ô trẻ em

Hiện cơ quan điều tra Công an quận Bình Thạnh – TPHCM vừa hoàn tất hồ sơ chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội TP về tội dâm ô với trẻ em.

Cả hai vụ đều xảy ra gần như cùng lúc, và hai thủ phạm của cả hai vụ, kẻ bị cắt hợp đồng lao động, người bị đình chỉ công tác và bắt khẩn cấp gần như cùng một thời điểm. Điều này càng làm dày thêm những xót xa, hoang mang, lo lắng của phụ huynh có con đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới, càng khiến cảnh báo về những giá trị đạo đức bị đảo lộn được gióng lên hối hả hơn bao giờ.

Vụ thứ nhất xảy ra tại lớp tin học Nhà Thiếu nhi TP.HCM. Trong bản tường trình, người thầy dạy tin học cho rằng, ông ta nhìn thấy hình dán dưới mắt cá chân của học sinh, tưởng là hình xăm, nên yêu cầu cho xem. Vì cô bé không đồng ý, nên ông mới “động tay động chân”, và khi không xem được hình dán, ông ta “chỉ vuốt tóc cô bé rồi thôi chứ không có hành vi sàm sỡ”.

Điều đáng để tâm là chính nạn nhân cũng có lời khai tương tự khi được trao đổi độc lập. Em còn cho rằng, bản thân em chỉ coi đó là hành động đùa giỡn giữa thầy trò, và cảm thấy bình thường. Được biết, thầy giáo này tốt nghiệp cao đẳng, đã cộng tác giảng dạy tin học tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM được hai năm.

Vụ thứ hai liên quan đến cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM) bị tố dâm ô nhiều bé gái ở trung tâm này. Cụ thể, em N.N.K.N. (14 tuổi) đang sống tại khu C cho biết, em và nhiều trẻ khác ở trung tâm đã bị ông D. – làm bộ phận tiếp nhận hồ sơ – có hành vi dâm ô nhiều lần. Ngoài em N., còn có các em L.T.K.T. (15 tuổi) bị dâm ô, em T.B.N. (12 tuổi) bị người này dụ dỗ. Hành vi dâm ô có sự chứng kiến của các em L.T.B.N. (10 tuổi) và L.T.N.T. (8 tuổi). Ngoài ra, ông D. còn có hành vi dâm ô với em H.T.K.D. và Đ.T.K.A. (hai trẻ này đã hồi gia).

Theo lời khai của các em, ông D. đã sờ và bóp ngực, yêu cầu các em cởi quần áo, sờ vào bộ phận sinh dục của ông ta khi đương sự đang say xỉn. Đổi lại, các em sẽ được ông D. cung cấp thuốc lá để hút, nước ngọt để uống, nước sôi để nấu mì tôm. Thậm chí ông D. còn hứa hẹn sẽ sửa hồ sơ cho các em sớm hồi gia hoặc sớm đi trường.
Thời gian gần đây tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Tính đến tháng 6-2019, trên địa bàn TP có 2.052.279 trẻ em. Theo đánh giá của UBND TP HCM, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng, với cách thức ngày càng tinh vi.

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em lại trở nên bức thiết như hiện nay. Làm gì để phòng, chống tình trạng xâm hại, dâm ô trẻ em? – Trách nhiệm này không phải của riêng ai.

Một số vụ xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục điển hình có cả những em bé còn non nớt mấy tháng tuổi, mà kẻ xâm hại các em lại đa phần là những người quen của trẻ, thậm chí có cả bố dượng, cha đẻ của các bé.

Điểm chung lớn nhất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là thiếu bằng chứng. Đa phần cha mẹ thường trình báo cơ quan chức năng sau 3-4 ngày sự việc xảy ra nên giám định pháp y hầu như không có kết quả.

Các vụ việc cũng ít khi có nhân chứng do thủ phạm đã có tính toán trước. Mặt khác, người bị hại thường là trẻ em nên việc chỉ dùng lời khai để làm căn cứ buộc tội rất mong manh nếu vụ án không xác định được chứng cứ khác, hoặc đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội.

Hơn thế nữa, chi phí giám định cũng là một trở ngại lớn trong quá trình thu thập chứng cứ. Theo đó, chi phí trung bình cho một mẫu giám định là 1 triệu đồng, các dịch vụ giám định liên quan đến xâm hại tình dục thường lên tới 3-5 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, sự thiếu thống nhất về cơ sở pháp lý cũng gây ra không ít khó khăn. Quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong thực tế xử lý tội phạm xâm hại tình dục là một trong những vấn đề nổi bật.

Theo bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, chưa quy định rõ như thế nào là hành vi xâm hại tình dục, dâm ô, khiêu dâm gây khó khăn trong việc định tội danh. Trong khi đó, Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y về xâm phạm tình dục cũng là trở ngại trong quá trình tìm chứng cứ.

Qua nhiều vụ việc, nếu chiếu theo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì chưa đủ khởi tố kẻ thủ ác, mà phải vận dụng những điều cấm của Luật Trẻ em mới có thể truy cứu được trách nhiệm hình sự. Điều đó cho thấy, rất cần có sự giải thích, quy định pháp luật rõ ràng và thống nhất hơn để có thể bảo vệ trẻ và truy tố kẻ có hành vi xâm hại.

Ngoài ra đó còn là sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cơ quan chuyên môn. Điển hình là sự việc 4 bệnh viện và 2 phòng khám tư tại một thành phố lớn đã từ chối khám cho một bé gái 3 tuổi nghi bị xâm hại tình dục. Điều này lý giải vì sao: hễ một vụ xâm hại trẻ em xảy ra là lại có cảnh cha mẹ ôm con chạy vòng vòng, không biết trình báo với ai, thậm chí còn sợ kẻ xâm hại con mình trả thù…

Chúng ta cần trang bị cho trẻ em cách nhận dạng những hành vi được gọi là xâm hại để các cháu phòng tránh. Cụ thể, đó là những hành vi như hôn hít, sờ mó, động chạm đến vùng kín phía trên, phía dưới. Khi có những dấu hiệu hoặc hành vi này xảy ra, các cháu cần có ý thức báo với người lớn như cha, mẹ hoặc cô giáo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các con được an toàn.

Phòng chống hành vi xâm hại, dâm ô trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội. Về phía gia đình, cần gần gũi, quan tâm, để ý và chia sẻ với con trẻ. Về phía nhà trường, phải tuyên truyền, giúp các em nhận biết hành vi để phòng tránh. Và cộng đồng cần đấu tranh mạnh mẽ những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Về phía các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp cần mạnh tay, xử lý nghiêm minh những hành vi đồi bại này.

 

Bài mới
Đọc nhiều