+
Aa
-
like
comment

Còn nhiều trăn trở về tự chủ đại học

18/07/2019 09:44

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tuyển sinh đại học năm 2019 diễn ra sáng nay (17/7), Bộ GD&ĐT đặc biệt nhắc nhở về trách nhiệm giải trình và các chế tài khi trường vi phạm quy chế tuyển sinh khi các trường thực hiện tự chủ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh rằng Bộ cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng những trường nào tuyển vượt chỉ tiêu thì nhà trường và các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm.

Các cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị trừ chỉ tiêu năm tiếp sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo.

Cụ thể là Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội.

Phát biể tại Hội nghị, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT đánh giá cao việc luật quy định tăng cường tự chủ song song với hậu kiểm và siết chặt xử phạt. Tuy nhiên, ông Tùng cho biết, qua trao đổi, một số trường băn khoăn về hình phạt nặng được ghi rõ trong luật là đình chỉ tự chủ trong 5 năm với các trường có vi phạm về tuyển sinh, mở ngành và liên kết đào tạo với nước ngoài.

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng tự chủ đại học là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, các trường hầu hết cũng rất ủng hộ. Có điều, theo GS. Trung, trong công tác điều hành cần hết sức lưu ý đến sự phân hóa giữa các trường top trên và top dưới. GS. Trung cũng đề nghị chú trọng câu chuyện hậu kiểm và bày tỏ tin tưởng rằng với lộ trình hiện nay, chỉ trong vài năm, các trường sẽ ổn định việc tự chủ.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Ngoại thương chia sẻ: Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hiện đã thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, nhất là khâu kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào – nguồn tuyển. Việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh của các cơ sở GDĐH hiện nay là tất yếu, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi giúp họ tiến gần hơn với thị trường lao động việc làm.

“Mỗi cơ sở GDĐH cần định vị cho mình thị trường nhất định và quan tâm tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường đó”, ông Bùi Anh Tuấn nói.

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng

Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho hay: Các trao đổi tại Hội nghị đều nhấn mạnh đến tăng quyền tự chủ gắn với thay đổi về quản lý của Bộ GD&ĐT và quản trị của nhà trường.

Vế thứ nhất về tăng cường trách nhiệm quản lý thì Bộ sẽ tăng cường quản lý nhà nước tập trung xây dựng các văn bản, quy chế về tăng cường thanh tra, kiểm tra, các chế tài xử phạt… Vế thứ hai về tăng cường năng lực quản trị nhà trường.

Tự chủ không chỉ là việc giảm can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn của trường mà đi theo nó là việc tăng cường năng lực quản trị nhà trường và phân cấp đến các khoa/bộ môn.

Gắn với đó là phải ban hành hệ thống văn bản rất đầy đủ, trước hết là văn bản, quy chế tổ chức hoạt động mới của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học 2019 (gọi tắt là Luật 34).

Luật 34 có quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc tổ chức hoạt động thanh tra nội bộ. Bộ đã ban hành Thông tư 51 hướng dẫn hoạt động thanh tra trong nội bộ nhà trường. Thực tế có nhiều việc không cần chờ thanh tra Bộ mà chính bản thân trường cũng có thể tự phát hiện ra để sửa chữa, điều chỉnh. Với điều kiện nhân sự như hiện nay, Bộ chưa có điều kiện đi thanh kiểm tra tất cả các trường ở thời điểm này. Tuy nhiên tôi cũng xin cảnh báo là nếu Bộ GD&ĐT đã tới kiểm tra, phát hiện vi phạm thì sự việc sẽ rất nặng nề.

Về quản trị nhà trường, chúng tôi xin nhấn mạnh thêm là thực tế vừa qua bên cạnh các trường nghiêm túc thực hiện đúng quy định thì vẫn có không ít trường thiếu sót, sai phạm.

Ví dụ: một số ĐH ban hành nhiều văn bản nội bộ nhưng khi ban hành các ĐH nhưng chưa cập nhật văn bản mới của Bộ, nên một số chính sách, chế độ thực hiện không đúng, cả về mức, về mục, về thủ tục… Việc xây dựng đội ngũ chưa bảo đảm về số lượng, cơ cấu, đặc biệt cơ cấu theo ngành. Có những ngành mở ra nhưng không duy trì được chất lượng đội ngũ.

Trong quá trình hoạt động, một số trường do có thay đổi về nhân sự do luân chuyển công tác hoặc thay đổi nhiệm vụ, khiến không đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của ngành.

Có những ngành đặc thù, do không có tiến sĩ trong nước chúng ta có thể lấy giảng viên từ ngành gần, ngành tương đối để đủ tiêu chuẩn, điều kiện mở – duy trì ngành, nhưng quy định bắt buộc các trường phải đảm bảo đủ có đội ngũ giảng viên cơ hữu. lỗi này nhiều trường vi phạm, nhưng ở một số trường khi mở ngành ra đã không đáp ứng rồi.  Đây là những sai phạm không ít nơi xảy ra chuyện như vậy, mà chúng tôi phát hiện ra trong quá trình thanh kiểm tra.

(Theo Infonet)

Bài mới
Đọc nhiều