Còn nguyên mối họa
Tạp chí Newsweek đưa tin, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chỉ định Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari, kế nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi làm thủ lĩnh IS sau khi tên này bị tiêu diệt. Diễn biến mới cho thấy cuộc chiến chống IS vẫn chưa thể đi đến hồi kết, nỗi lo khủng bố vẫn còn nguyên.
Thủ lĩnh mới
Tháng 8 vừa qua, Qardash (có nguồn tin cho là 48 tuổi) được Baghdadi lựa chọn để phụ trách các vấn đề Hồi giáo của IS, sau khi Baghdadi bị thương. Hiện có rất ít thông tin về Qardash, ngoài việc đây là cựu sĩ quan quân sự Iraq, từng phục vụ chính quyền Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Qardash được cho là xây dựng mối quan hệ thân thiết với Baghdadi khi cả 2 cùng bị Mỹ tống giam tại nhà tù ở Barsa, Iraq năm 2003 vì liên hệ với al-Qaeda. Biệt danh của Qardash là “giáo sư” và được biết đến như một kẻ hoạch định chính sách tàn nhẫn của IS. Fadhel Abo Ragheef, cựu chuyên gia phân tích an ninh của Chính phủ Iraq, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Qardash, số lượng các vụ tấn công khủng bố có thể không nhiều nhưng sẽ rất cụ thể. Tuy nhiên, tờ The Times cho rằng Qardash đang phải đối mặt với sự chia rẽ trong hàng ngũ lãnh đạo của IS khi một số chỉ huy “không đồng tình với chiến lược và tầm nhìn” của tân thủ lĩnh IS.
Trước đó, ngày 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thủ lĩnh IS Baghdadi đã tử vong trong chiến dịch của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở tỉnh Idlib của Syria. Chỉ vài giờ sau khi Baghdadi bị tiêu diệt, một quan chức cấp cao người Kurd cho biết người phát ngôn IS Abu Hassan al-Muhajir đã bị tiêu diệt ở miền Bắc Syria. Trước đó, trên trang Twitter cá nhân, thủ lĩnh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Mazloum Abdi tuyên bố Muhajir – cánh tay phải của Baghdadi, người phát ngôn của IS – đã được nhắm mục tiêu tại làng Ain al-Baydah gần Jarablus, trong một chiến dịch phối hợp giữa tình báo SDF và quân đội Mỹ.
Tin đưa có 2 xe bị oanh kích, gồm một xe bán tải nhỏ và một xe thùng lớn hơn chở một thùng kim loại nhỏ. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cũng đã xác nhận cái chết của Muhajir, cho hay tên này là một trong 5 thành viên IS bị tiêu diệt trong một chiến dịch do Mỹ đứng đầu với sự hỗ trợ của SDF.
Chưa kết thúc
Việc tiêu diệt Baghdadi được đánh giá là một bước tiến mới trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều nước và giới chuyên gia cảnh báo cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc tiêu diệt Baghdadi mới chỉ là một bước và cuộc chiến nhằm quét sạch tổ chức khủng bố này vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã gửi một bức thư tới các cảnh sát trưởng của nước này, kêu gọi tăng cường cảnh giác trước khả năng IS tiến hành các cuộc tấn công trả đũa sau cái chết của thủ lĩnh IS. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng dù việc tiêu diệt được thủ lĩnh IS là một thời khắc quan trọng, nhưng không đồng nghĩa rằng mối đe dọa từ IS không còn tồn tại và cuộc chiến chống tổ chức này sẽ chưa thể đến hồi kết. Anh khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để hoàn thành cuộc chiến này.
Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne cho rằng việc tiêu diệt al-Baghdadi có thể sẽ đẩy IS vào tình thế khó khăn hơn, nhưng sẽ không thể làm tê liệt hoạt động của tổ chức này. Ông cũng cảnh báo vẫn còn những tay súng IS hoạt động ở những khu vực lân cận và cái chết của thủ lĩnh có thể sẽ kích động những hành động trả thù. Ngoài ra, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực cũng như chiến dịch tấn công của Syria vào lực lượng người Kurd ở Syria trên thực tế đã làm suy yếu những nỗ lực chống IS tại thực địa.
Phát biểu trong một chương trình của kênh truyền hình CNN, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cảnh báo Mỹ không thể ngừng lo lắng về IS sau khi Baghdadi bị tiêu diệt. Ông Calpper cho rằng Mỹ cần duy trì quân đội tại khu vực nhằm đảm bảo rằng IS sẽ không bị kích động rồi hành động sau cái chết của Baghdadi.
(Theo SGGP)