Con người là trung tâm của mọi chính sách phát triển
Ngày 10 tháng 12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền quốc tế. Đây là dịp để cộng đồng thế giới cùng nhìn lại, nhắc nhở lại những giá trị về nhân quyền cao quý. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, chống đối với Việt Nam gia tăng hoạt động chống phá dưới chiêu bài nhân quyền.
Bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948. Đây là nền tảng cho hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được LHQ thông qua vào năm 1966 (ICCPR và ICESCR – Việt Nam đã gia nhập vào năm 1982), cũng như các văn kiện nhân quyền quốc tế trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Từ đây, ngày 10/12 hàng năm cũng được tôn vinh là Ngày Nhân quyền quốc tế.
Nhân quyền là những giá trị vô cùng cao quý mà mỗi người từ khi sinh ra đã có quyền được hưởng, bất kể họ là ai, sinh ra tại đâu mang tôn giáo gì.
Với Việt Nam, chúng ta đã phải chịu cảnh áp bức lầm than. Người dân đã phải sống cuộc sống nô lệ, mất đi những quyền cơ bản của con người dưới sự chiếm đóng của chủ nghĩa thực dân. Chính bởi vậy, hơn ai hết, chúng ta hiểu, chúng ta khao khát được hưởng những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền đích thực. Đây cũng là động lực để chúng ta chiến đấu chống ách thực dân xâm lược, giành lại đất nước, giành lại quyền làm người.
Tuy nhiên, để đạt được mục đích chống phá nước ta từ bên trong, tiến hành “diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, đưa Việt Nam chệch hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch, phản động, chống đối đã gia tăng các hoạt động chống phá dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền.
Cùng với việc rêu rao, truyền bá những thông tin, quan điểm, tư tưởng lệch lạc, phiến diện nhằm gây ra sự lầm tưởng, hiểu sai, hiểu lệch về các giá trị nhân quyền, các đối tượng cũng liên tục xuyên tạc thông tin về tình hình nhân quyền tại Việt Nam; vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền; đưa ra những nhận định, đánh giá, bình luận, bảng xếp hạng không chính xác về tình hình thực tế tại xã hội Việt Nam. Thậm chí, dưới vỏ bọc đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, không ít đối tượng đã đưa ra những yêu sách, đề nghị tiêu cực, sai trái nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Trong bối cảnh cộng đồng những người yêu chuộng hòa bình trong nước và quốc tế đang tích cực hướng đến Ngày Nhân quyền quốc tế, các đối tượng chống đối lại gia tăng các hoạt động công kích, chống phá chúng ta. Không chỉ các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị người Việt, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thù địch nước ngoài cũng đã sử dụng chiêu bài nhân quyền để bôi nhọ, hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trên mạng xã hội, các đối tượng chống đối đang tích cực rêu rao, truyền bá thông tin sai lệch mà Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) đưa ra. Thực tế, HRW là một tổ chức núp danh nhân quyền có cái nhìn tiêu cực, phiến diện với Việt Nam. Tổ chức này thường xuyên đưa ra những đánh giá, nhận định, thông tin vô căn cứ, quy chụp, xuyên tạc về thực tiễn tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Theo thông tin đang được lan truyền, HRW tiếp tục đưa ra những thông tin xuyên tạc, vô căn cứ như: “Chính quyền đang những án tù nặng nề từ 12 đến 14 năm đối với những ai muốn thực hiện quyền dân sự và quyền chính trị cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền lập hội và quyền tụ tập không cần được chính quyền cho phép”, “Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, có số tù chính trị cao hơn bất cứ nước nào khác”…
Thực tiễn 70 năm qua là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển về nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế trong gần 35 năm đổi mới (1986-2020). Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỷ USD, thì đến năm 2019 đạt 262 tỷ USD, tăng gấp hơn 18,7 lần. Mới đây, Tạp chí The Economist tháng 8-2020 đã xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Nhà nước cũng tích cực chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Theo nhận định của bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 đến nay. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã có những bước tiến bộ trong thực hiện chính sách chăm lo phát triển con người toàn diện”. Đặc biệt, sự ổn định về chính trị, sự an toàn về an ninh là những nền tảng cơ bản và quan trọng giúp chúng ta bảo đảm các quyền con người được thực hiện nghiêm túc.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn cố gắng, nỗ lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển của con người là mục tiêu chung trong sự phát triển của toàn xã hội; con người là trung tâm của mọi chính sách. Tuy nhiên, tại Việt Nam không thể tồn tại thứ nhân quyền cao hơn chủ quyền.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả