Còn gì hơn khi giáo dục đổi thay, con mình được coi là trung tâm
Còn gì hơn khi con mình được coi là trung tâm của giáo dục, một nền giáo dục mềm dẻo, hướng tới sự phát triển tố chất riêng biệt của trẻ.
‘Ở trường chơi thích lắm mẹ ạ’
Mỗi dịp tựu trường, nhìn các con vui vẻ cắp cặp tới lớp, tôi lại nhớ đến kỉ niệm khi con gái tôi vào lớp 1 ở Pháp. Như bao bố mẹ gốc Việt khác, nhà tôi sốt ruột chờ thư báo của trường để sắm sách và dụng cụ học tập cho con. Thế mà mọi việc diễn ra không như tôi hình dung.
Đầu tiên, tôi được nhà trường thông báo rằng bố mẹ chỉ phải mua cặp và hộp bút cho con, còn lại sách vở, dụng cụ học tập, chính quyền thành phố sẽ tài trợ cho tất cả học sinh trong thành phố. Không chỉ thế, sau đó chúng tôi còn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Đầu tiên là phương pháp học ở trường. Tôi đã quen nghe các bố mẹ Việt Nam than phiền nhiều về chương trình học quá tải, về sự “cạnh tranh” giữa các thiên thần tí hon, nên sau hai tuần học thấy con về không có bài tập về nhà, trong cặp có duy nhất một bài thơ cô dán vào sổ, tôi có phần lo lắng, không hiểu cô dạy “kiểu gì” mà ngày nào con tôi về cũng hớn hở “ở trường chơi thích lắm mẹ ạ”.
Đến khi chúng tôi được mời đến dự cuộc họp phụ huynh đầu tiên với cô giáo, thì cả tôi và ông xã đều xin nghỉ làm để đến xem con học hành thế nào. Với chúng tôi, như nhiều bố mẹ khác, chuyện học hành của con là quan trọng hàng đầu. Mà con học hành chả có sách giáo khoa gì, cũng hơi lo.
Tôi vẫn nhớ đã mang cảm giác “khó hiểu” đó tới buổi họp. Sau khi nghe thầy hiệu trưởng nói ngắn gọn về nội quy nhà trường, chúng tôi lên gặp giáo viên chủ nhiệm. Phòng họp chính là phòng học của các con, nhỏ nhắn và đầy màu sắc. Các bàn học xếp kiểu cứ 4 bạn thành một nhóm ngồi đối diện. Liếc nhanh lên tường, ấn tượng đập vào mắt tôi là những tờ giấy màu các con vẽ nguệch ngoạc, đứa vẽ tháp Eiffel, đứa vẽ viện bảo tàng.
Không bé nào sợ mình dốt nhất lớp
Khi nghe cô giới thiệu về phương pháp giảng dạy, chúng tôi quả thực bất ngờ vô cùng.
Thứ nhất là không hề có giáo trình học bắt buộc, mà cô tự do chọn cho các con trong số vô vàn các giáo trình khác nhau (có tới hơn 20 nhà xuất bản sách giáo khoa ở Pháp).
Thứ hai, cô nhấn mạnh rằng vì các bé trong lớp trình độ chênh lệch nhau, có bạn đã bắt đầu biết đọc, biết làm tính do tiếp thu nhanh chương trình mẫu giáo, có bạn chưa quen ghép chữ, chưa biết hết tên các con số nên cô sẽ đánh giá các bạn qua nỗ lực mà thôi.
Ở đây, không có xếp thứ hạng, vì thế cũng sẽ không có bé nào sợ mình “dốt nhất lớp” cả. Cách giáo dục “cá nhân hóa” này không chỉ nhân văn, mà còn hiệu quả trên thực tế: Mỗi bé được hưởng một chương trình học ít nhiều phù hợp với bản thân. Chuyện “bắt cá leo cây”, vì thế có phần xa lạ ở đây. Bài về nhà, cô bảo thực chất chỉ là ôn lại bài đã học trên lớp, nên không bắt buộc. Bố mẹ cũng không cần phải căng thẳng về giờ học của con ở nhà làm gì.
Về sau, tôi nghe con kể lại, ngoài giờ cô giảng bài, có một phần lớn thời gian là các con ôn bài dưới sự hướng dẫn của cô. Mỗi bé được tự do chọn bài mình muốn làm trước, làm sau, chỉ cần làm đủ là xong. Con gái tôi thường làm bài xong khá nhanh, nên cô cho thêm vài bài nâng cao để con khỏi phải ngồi chờ. Những bạn còn chưa hiểu bài lắm, cô dành thời gian ngồi cạnh để hướng dẫn kĩ hơn. Trong cả năm học, tôi không thấy có chút áp lực nào về kết quả học tập cả.
Niềm vui đọc sách
Ngạc nhiên tiếp theo là hóa ra chương trình học của con tôi lại có rất nhiều hoạt động vui chơi. Trong năm, các bé thường xuyên được đi thăm các địa danh nổi tiếng của Paris, đi viện bảo tàng, đi xem phim, xem kịch, đi xem triển lãm nghệ thuật, lại còn đi bơi cùng cô và một người giám hộ.
Những bức tranh nguệch ngoạc trên tường mà tôi thấy trong lần họp phụ huynh, hóa ra là những địa điểm các bé đề xuất với cô. Lần nào đi chơi về, con tôi cũng học được bao điều thú vị. Ngoài ra, tôi nhận thấy là ngay từ lớp 1, học sinh ở đây được đặc biệt hướng tới niềm vui đọc sách. Mỗi tuần, trường tổ chức hai buổi ngoại khóa đọc sách, và cô đã đưa ngay cho chúng tôi một danh sách truyện được các chuyên gia bình chọn, để bố mẹ chọn đăng kí mua chung ở trường cho rẻ.
Không chỉ thế, tôi nhận thấy rằng trẻ em được là chính mình trong lớp. Trong buổi họp phụ huynh, tôi có nói rằng con gái tôi vốn vô cùng hiếu động và khó ngồi im, nhưng cô cười và trấn an bố mẹ rằng bé có ngọ nguậy thì cô cũng không thấy phiền hà gì cả, miễn là con hiểu bài là được.
Sau một năm học với nhiều biến động vì Covid-19, con tôi đọc thông viết thạo, hiểu biết thêm nhiều, đặc biệt vui vẻ và luôn háo hức đến trường. Tôi và các bậc phụ huynh khác trong lớp đều “tâm phục khẩu phục” và năm nay đưa các con đi khai giảng với tâm trạng nhẹ nhõm, yên tâm. Còn gì hơn khi con mình được coi là trung tâm của giáo dục, một nền giáo dục mềm dẻo, hướng tới sự phát triển tố chất riêng biệt của trẻ.
Xin nói thêm là trường con tôi học không phải là một trường tư “xịn” đắt đỏ gì, mà chỉ là một trường công nhỏ ở ngoại ô Paris, thế nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn yên tâm vì thấy con được hưởng một nền giáo dục nhân văn và hài hòa, lấy sự phát triển con trẻ làm cốt lõi.
Lê Thị Thiên Hương (Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, AVSE Global)