Con gái giúp mẹ là F0 ở TP.HCM vượt cửa tử
Bạch Tuyết cho biết sự yêu thương và niềm tin chiến thắng là yếu tố giúp gia đình cô vượt qua Covid-19.
“Mỗi khi nhớ lại cái đêm mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch, mình càng trân trọng hơn những phút giây hạnh phúc bên gia đình”, Trần Bạch Tuyết (21 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM), sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, chia sẻ.
Nhà Tuyết có 5/6 thành viên dương tính với SARS-CoV-2, riêng mẹ là nặng nhất. Ngày 23/7, gia đình cô gái trở thành F1 sau khi nhận tin nhà hàng xóm là F0. Kể từ đó, lần lượt từng người trong nhà đều có triệu chứng ở các mức độ khác nhau.
Mẹ đổ bệnh, mọi công việc trong nhà do Tuyết và chị gái quán xuyến. Có những lúc, cô gái 21 tuổi cảm thấy bất lực khi nhìn mẹ đau đớn. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Tuyết kể lại hành trình giành giật sự sống cho mẹ trong thời gian điều trị tại nhà.
Ba tuần chiến đấu với Covid-19
3-4 ngày đầu, 2 em trai của Tuyết có dấu hiệu sốt, nằm li bì, ho, biếng ăn, riêng mẹ thì mất ngủ và đau bụng nhiều.
Theo lời Tuyết, mẹ nữ sinh là giáo viên yoga nên có sức bền và sự dẻo dai rất cao nhưng sức khỏe ngày càng chuyển biến xấu: tâm trạng thất thường, hay cáu gắt, mệt mỏi, đau cổ họng.
Những ngày sau đó, bệnh của mẹ cô trở nặng hơn, một đêm ói đến 5-6 lần, hơi thở và phổi yếu, sốt cao.
“Lúc này mẹ chỉ có thể nằm một chỗ, nói chuyện cũng rất khó khăn. Gia đình có nhờ y tế địa phương xuống kiểm tra, nhưng họ chỉ đo được SpO2 cho mẹ ở mức 95 và chẩn đoán sơ cấp là viêm bao tử”, Tuyết nói.
Tối 2/8, mẹ Tuyết đau bụng suýt ngất, gia đình quyết định chở đi cấp cứu ngay trong đêm.
Sau nhiều nơi từ chối, mẹ cô được Bệnh viện Quân y 7A tiếp nhận, kiểm tra và chụp X-quang. Kết quả cho thấy phổi của bà có rất nhiều đốm trắng li ti, xác định là nhiễm Covid-19.
Khi về nhà, bà được cách ly hẳn qua một phòng riêng trong suốt 2 tuần, việc thở và đi lại đều phải có người giúp.
Sau đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) liên hệ với gia đình nữ sinh để hỏi thăm tình hình và hướng dẫn điều trị tại nhà. Ngoài thực hiện theo HCDC, cô gái còn tham khảo lời khuyên của bác sĩ, bạn bè xung quanh.
Trong thời gian này, cô và chị gái cũng bắt đầu có triệu chứng sốt, ho khan, đau nhức người, mệt mỏi. May mắn là 2 em nhỏ đã khỏe 80%, còn ba vẫn âm tính.
Bên cạnh xông nước chanh, sả, gừng, cô chỉ uống thuốc hạ sốt khi cần, cố gắng vận động và phơi nắng thường xuyên. Sau một tuần thì các biểu hiện dần giảm, cả 2 chị em chỉ bị mất vị giác.
Tuyết cũng động viên mọi người ăn uống điều độ, dùng thuốc đúng giờ. Theo Tuyết, quan trọng nhất vẫn là tinh thần và sự yêu thương, chăm sóc của gia đình. Khi có niềm tin và sự lạc quan, mọi khó khăn đều có hướng giải quyết.
Tình yêu của gia đình là “vitamin” tốt nhất
Từ lúc cả nhà trở thành F0, mọi việc đều do 2 chị em Tuyết thay mẹ quán xuyến. Tuyết kể bình thường mẹ là người lo toan tất cả, còn lại mọi người chỉ dừng ở mức biết nấu vài món lặt vặt. Vì thế, Tuyết cũng mất một chút thời gian để làm quen với việc nhà.
Vừa lo cho mẹ, vừa tự chăm sóc bản thân, nữ sinh không hề nản lòng. Để tránh việc bị hoang mang và mất bình tĩnh, Tuyết luôn nhìn nhận vấn đề theo hướng thực tế và sẵn sàng đối mặt.
“Những ngày như vậy thật khó để sử dụng cụm từ ‘tích cực’ vì không khí gia đình cũng khá ảm đạm. Nhưng mọi người lúc nào cũng động viên, hỏi thăm và đối xử dịu dàng với nhau. Nhờ vậy, cả nhà dần lạc quan hơn”, Tuyết tâm sự.
Trong hành trình chiến đấu với Covid-19, điều khiến cô gái thấy xúc động nhất là sự tận tình của các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 7A. Sau khi thực hiện các xét nghiệm và cho toa thuốc, họ cung cấp thêm số điện thoại để tiện trong việc hướng dẫn gia đình điều trị.
“Mình nhớ nhất là lúc một bác sĩ nói: ‘Có gì thì nhà cứ gọi, anh sẽ cố gắng bắt máy và hỗ trợ nhanh nhất, đừng ngại nha em’. Vì vậy, nhà mình mới yên tâm hơn và kịp thời xoay xở khi mẹ có chuyển biến mới”.
Ngày 13/8, gia đình Tuyết vỡ òa khi nhận kết quả âm tính sau 3 tuần điều trị tại nhà. Hiện 4 thành viên đã phục hồi hoàn toàn, riêng mẹ Tuyết thì khỏe khoảng 70-80%, vẫn cần theo dõi thêm.
Tuyết cho biết Covid-19 đã mang đến cho gia đình cô những thử thách và cảm xúc đáng nhớ. Qua đó, mọi người trân trọng nhau nhiều hơn.
“Những ngày nhìn mẹ thở thoi thóp hay đứa em sốt li bì, nhà cửa bộn bề, trong lòng thì nặng trĩu, thật sự là kỷ niệm mình không thể quên. Phải đi qua mất mát, chúng ta mới biết yêu thêm những gì mà trước giờ vẫn xem là điều hiển nhiên”, nữ sinh chia sẻ.
Từ câu chuyện của gia đình mình, Tuyết rút ra 2 bài học: sức mạnh của tình yêu có thể chữa lành mọi vết thương từ thể chất đến tinh thần và kiến thức về dinh dưỡng, kỹ năng chăm sóc là những điều thiết yếu mà mỗi người cần học.
Cô gái cũng chia sẻ nếu rơi vào tình trạng tương tự, mọi người phải luôn bình tĩnh để đối mặt với các triệu chứng thay vì nghiêm trọng hóa cảm xúc. Ngoài ra, hãy tin tưởng vào sự hỗ trợ của lực lượng y tế và nhà nước vì chắc chắn họ sẽ tận tâm giúp đỡ khi có cơ hội.
Phương Thảo