+
Aa
-
like
comment

Con đường nào cho học sinh phải hoãn thi tốt nghiệp THPT ?

06/08/2020 07:50

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức thành hai đợt. Các trường đại học phải tính toán để xác định phân bố chỉ tiêu cho đợt hai hợp lý, đồng thời linh hoạt hơn trong tuyển sinh.

Trong công văn gửi các địa phương về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đề cập việc tuyển sinh đại học theo tình hình mới.

Theo đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi xét tuyển cho thí sinh thi đợt hai.

Các trường đang xem xét để xác định chỉ tiêu phù hợp cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Tính toán chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt hai

Trước những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, một số trường đại học cho biết sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt hai. Tuy nhiên, họ cần rà soát, tính toán để đưa ra tỷ lệ thích hợp.

Trao đổi với PV, TS Phạm Tấn Hạ – Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) – thông tin trường đang tiến hành phân tích số liệu để xác định chỉ tiêu cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp đợt hai.

Cụ thể, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM thống kê số lượng thí sinh ở Quảng Nam, Đà Nẵng nhập học trong 3 năm gần đây theo từng ngành. Thực tế, con số ở các năm gần như tương đương. Từ đó, trường có thể dự báo số thí sinh ở tỉnh này nhập học trong năm nay.

Điểm trúng tuyển đối với thí sinh thi đợt hai được xác định dựa trên tình hình thực tế lúc đó. Nguyên tắc tuyển sinh là phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM Trần Đình Lý

Ngoài ra, trường căn cứ dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, lọc ra số lượng thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Từ hai số liệu trên, nhà trường xác định chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt hai theo từng ngành.

“Trường cần tỷ lệ cụ thể cho mỗi ngành vì điểm chuẩn các ngành khác nhau. Một số ngành có nhiều thí sinh từ hai tỉnh trên song một số ngành chỉ có 1-2 em”, TS Phạm Tấn Hạ nói thêm.

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay hội đồng tuyển sinh trường sẽ cân nhắc, dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho các em phải thi đợt 2.

Về cơ bản, việc này được xem như xét tuyển bổ sung, chỉ khác trường chủ động dành chỉ tiêu và không chịu ràng buộc, bởi nguyên tắc điểm chuẩn lần hai phải bằng hoặc cao hơn lần trước.

“Điểm trúng tuyển đối với thí sinh thi đợt hai được xác định dựa trên tình hình thực tế lúc đó. Nguyên tắc tuyển sinh là phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”, ông Lý nhấn mạnh.

ĐH Công nghiệp TP.HCM đang tiến hành thống kê dữ liệu thí sinh ở vùng có dịch để xác định chỉ tiêu dành cho thí sinh thi đợt hai. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, hiện tại, số lượng này không lớn. Tuy nhiên, trường vẫn cần thông tin chính xác từ bộ để đưa ra con số hợp lý.

Ngoài ra, do ngân hàng đề thi lớn, độ khó đề thi giữa hai đợt nhiều khả năng tương đương, trường đề xuất lấy luôn điểm trúng tuyển của đợt một cho đợt hai.

Trong khi đó, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xác định dành khoảng 40-50% chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt hai. TS Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường – giải thích các năm trước, khoảng 40-50% sinh viên nhập học là người Quảng Nam, Đà Nẵng.

Các trường đại học sẽ linh hoạt điều chỉnh tuyển sinh theo hướng có lợi cho thí sinh. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Sẵn sàng điều chỉnh tiếp

Không chỉ dành lại chỉ tiêu, ĐH Duy Tân còn điều chỉnh chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển. Theo ông Hải, trường quyết định tăng số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển học bạ.

Ông thông tin thêm việc xét tuyển học bạ của trường diễn ra bình thường, dù còn phụ thuộc việc xét tốt nghiệp của thí sinh.

Với ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Phó hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ cho hay chắc chắn sẽ điều chỉnh thêm về tỷ lệ chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, hiện tại, trường chưa có phương án cụ thể.

Trường Nhân văn tuyển sinh theo phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của bộ và riêng trường, dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT.

Trường căn cứ nhiều yếu tố và tình hình thực tế để điều chỉnh. Thông tin cụ thể được đưa ra trước khi thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tương tự, TS Trần Đình Lý cũng khẳng định ĐH Nông lâm TP.HCM sẽ linh động trong việc điều chỉnh tuyển sinh, thực hiện tự chủ đại học, đảm bảo quyền lợi thí sinh.

“Hiện tại, trường chưa điều chỉnh vì còn phụ thuộc vào kỳ thi Đánh giá năng lực. Tình hình không biết còn thay đổi gì không nên chỉ tiêu dành cho 4 phương thức tuyển sinh vẫn đang giữ nguyên”, ông Lý cho hay. Ông một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt là đặt lợi ích thí sinh lên trên.

Trong khi với những trường ở TP.HCM hay vùng khác, công tác tuyển sinh vẫn diễn ra bình thường, chỉ điều chỉnh chỉ tiêu, việc xét tuyển của ĐH Duy Tân – trường nằm trong vùng có dịch – còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn.

Phó hiệu trưởng thường trực Võ Thanh Hải cho hay những điều chỉnh như hiện tại mới chỉ là kịch bản tốt nhất – tức thành phố kiểm soát được dịch trong tháng 8, hoặc chậm nhất là đầu tháng 9 và thí sinh có thể thi đợt 2 trong thời gian này.

Nếu không, tình hình tuyển sinh của các trường ở Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ rất khó khăn. Còn dịch Covid-19, thí sinh các tỉnh sẽ không thể đến đây học mà chọn theo học trường ở vùng khác, không có dịch.

Quy chế tuyển sinh cho phép kéo dài đến tháng 2/2021. Nhưng lúc đó, trường cũng chỉ có thể tuyển thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam.

Ngoài ra, trường vẫn công bố kết quả xét tuyển bằng học bạ theo đúng kế hoạch. Song việc thí sinh chính thức trúng tuyển còn tùy thuộc vào việc các em có thể thi đợt 2 thuận lợi hay được đặc cách xét tốt nghiệp hay không.

“Vì thế, ưu tiên hàng đầu hiện tại của ĐH Duy Tân là chống dịch Covid-19. Công tác tuyển sinh tạm gác lại. Khi có chính xác ngày thi tốt nghiệp THPT đợt 2, tức tình hình dịch tại địa phương được kiểm soát, trường mới có thể triển khai tiếp các kế hoạch tuyển sinh”, TS Võ Thanh Hải thông tin.

Nguyễn Sương/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều