Con đường kẹt triền miên gần 20 năm ở phía đông Sài Gòn
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ cầu vượt Hàng Xanh đến bến xe Miền Đông) là nỗi ám ảnh của người Sài Gòn giờ tan tầm. Nạn kẹt xe ở “con đường đau khổ” này đã tồn tại gần 20 năm nay.
Là một trong những tuyến đường huyết mạch của TP.HCM, nối khu vực trung tâm và các quận ngoại thành phía đông thành phố, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh đến Bến xe Miền Đông luôn quá tải phương tiện vào mỗi buổi chiều.
Lượng xe đổ dồn vào đây từ 3 hướng chính, gồm: Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn đường hai chiều), đường Điện Biên Phủ và Bạch Đằng. Trong ảnh là những tuyến đường kẹt cứng giờ tan tầm xung quanh đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Google Maps. Đồ hoạ: Minh Hồng.
Đây đều là những tuyến lớn, xe cộ đông. Trong khi đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn đường một chiều) lại có mặt cắt hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai, gây tắc nghẽn triền miên.
Ngoài lượng người đổ ra sau khi tan sở, nơi đây còn là khu vực có nhiều trường đại học, như Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), Ngoại thương cơ sở II TP.HCM, Giao thông Vận tải TP.HCM. Rất đông sinh viên đổ ra đường cùng lúc giờ tan học.
Tại ngã giao Xô Viết Nghệ Tĩnh – Bạch Đằng, phương tiện lưu thông tứ phương tám hướng, gây nên tình trạng hỗn loạn.
Gần khu vực Bến xe Miền Đông, nạn kẹt xe càng trầm trọng hơn, kéo dài hàng km. Anh Nguyễn Tiến Thành (chủ tiệm sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) cho hay: “Chiều nào cũng vậy, xe cộ kẹt cứng từ khoảng 16h30 đến hơn 19h. Tếng máy, còi xe đinh tai nhức óc lắm”.
Từ lúc chiều tà, các phương tiện, cả ôtô và xe máy đều ken cứng con đường nhỏ hẹp này, kéo dài đến 20h.
Với chiều rộng lòng đường chỉ khoảng 5 m, Xô Viết Nghệ Tĩnh phải gồng gánh rất nhiều loại phương tiện khác nhau. Đặc biệt, con đường còn là lối về của nhiều người lao động với các loại xe thô sơ, chở hàng cồng kềnh.
Ở đoạn giữa, giao thông càng phức tạp do có nhiều phương tiện từ đường D5 đổ vào dòng xe vốn đã rất đông đúc.
Ngoài ra, các phương tiện lưu thông từ các con hẻm hòa vào dòng người, đi ngược chiều càng làm giao thông trở nên rối loạn.
Để có thể lưu thông qua khu vực này nhanh nhất, nhiều người đi xe máy chọn cách leo lề.
Khi đã leo lề nhưng vẫn không còn thấy lối thoát nào trước mặt, họ đành phải dừng xe, chờ đến khi mật độ giao thông dưới lòng đường vãn bớt mới đi tiếp.
Để tránh tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vốn chắc chắn kẹt xe vào mỗi chiều, nhiều người chọn cách đi tránh vào đường Nguyễn Gia Trí (D2), Ung Văn Khiêm. Tuy nhiên, những cung đường này cũng phải chịu cảnh quá tải tương tự khi cùng lúc phải gồng gánh quá nhiều phương tiện.
Hàng ngày, vào giờ cao điểm, CSGT luôn túc trực tại ngã tư Nguyễn Gia Trí – Ung Văn Khiêm để điều tiết xe cộ. Một chiến sĩ CSGT cho biết thời gian đi tuần được phân công của đội anh là từ 14h đến 19h. “Tuy nhiên, từ 16h đến 18h30, chúng tôi phải ra đây, hỗ trợ anh em điều tiết phương tiện trong giờ cao điểm”, chiến sĩ này nói.
Chung cảnh ngộ với đường Nguyễn Gia Trí, đường Ung Văn Khiêm vốn đã nhỏ hẹp, lại càng chật cứng bởi phải gồng gánh lượng phương tiện, giảm tải từ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Các con hẻm có thể kết nối giao thông tại đây cũng chịu cảnh chật cứng người.
Lưu thông qua khu vực này, việc chọn phương tiện công cộng như xe buýt đôi khi lại lại đỡ mệt mỏi, bởi hành khách có thời gian nghỉ ngơi giữa dòng người ken đặc.
Trong thời gian tới, khi Bến xe Miền Đông mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tình hình giao thông tại đây hứa hẹn được giảm tải một phần, do việc đón đưa hành khách đi các tỉnh miền Đông sẽ diễn ra ở khu vực quận 9.
Liêu Lãm/ Zing News