+
Aa
-
like
comment

Con đường của Việt Nam – Campuchia

Phạm Khoa - 08/11/2022 10:17

Chuyến thăm Campuchia của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41, nhắc cho chúng ta nhớ về vai trò quan trọng của người bạn láng giềng Campuchia. Cũng như con đường hợp tác cùng phát triển mà hai nước đã, và đang đi cùng nhau.

Tuyến liên vận quốc tế giữa Campuchia-Lào-Việt Nam

Năm 2022 được xem là năm hữu nghị, đánh dấu cột mốc 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Campuchia. Hơn 5 thập kỷ qua, mối quan hệ song phương này đã trải qua rất nhiều sóng gió, nhưng chưa bao giờ đứt gãy. Nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân các địa phương có chung biên giới vẫn rất gắn bó với nhau.

Có thể nói, do đặc thù địa lý, mà các quan hệ kinh tế – xã hội giữa Việt Nam và nước láng giềng Campuchia, chủ yếu thông qua đường bộ. Với đường biên trên đất liền dài khoảng 1.137km, đây là ưu thế vô cùng lớn nếu biết tập trung khai thác.

Nếu cụ thể hóa mối quan hệ Việt Nam – Campuchia dưới hình ảnh một con đường, thì tuyến đường xuyên ba nước Việt Nam – Campuchia – Lào là dẫn chứng sinh động nhất.

Ngay từ những năm 2012 – 2013, ý tưởng về một con đường xuyên suốt ba nước Đông Dương để đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế đã được các lãnh đạo cấp cao và nhiều cơ quan chuyên môn của ba nước đề cập đến. Sau một Biên bản ghi nhớ được ký kết vào năm 2013, đến tháng 9/2015, các quan chức ngành Giao thông vận tải của Việt Nam – Campuchia – Lào đã cùng nhau chứng kiến lễ thông xe tuyến đường vận tải đường bộ qua ba nước từ Cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước – Việt Nam).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 11/5/2022 tại Thủ đô Washington D.C. (Mỹ), nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ.

Bảy năm đã trôi qua trên tuyến đường đặc biệt này, đánh dấu những khởi sắc vượt bậc đối với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của ba nước Đông Dương.

Nhờ chi phí vận tải được cắt giảm, thời gian thông quan nhanh, hàng hóa xuất nhập khẩu tăng dần số lượng và chủng loại qua từng năm. Các ngành dịch vụ đem lại lợi nhuận cao như du lịch, viễn thông, logistic… có được tiền đề thuận lợi để phát triển và tăng tốc, luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn từ 10-17% so với năm trước, tạo thế và lực đẩy cho kinh tế các tỉnh thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ phát triển theo chiều sâu.

Dù không phải là tất cả, nhưng tuyến đường xuyên Đông Dương đã đóng góp không nhỏ cho kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Campuchia, vốn tăng trưởng vô cùng ấn tượng, từ 2,94 tỷ USD năm 2013, đến 8,45 tỷ USD vào thời điểm tháng 9/2022.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế – chính trị thế giới, các mối quan hệ kinh tế song phương truyền thống, hiểu rõ nhu cầu, tiềm năng của nhau đã trở nên quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt. Quan hệ Việt Nam – Campuchia là một mối quan hệ như thế.

Càng ngày, tính bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước càng trở nên rõ nét. Campuchia là nguồn cung cấp một số nguyên phụ liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam như: gỗ, nông sản, thực phẩm, hóa mỹ phẩm…Và ngược lại, Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng chế biến, chế tạo mà nước này có nhu cầu lớn như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất, hàng tiêu dùng. Thêm nữa, các nhà đầu tư Việt Nam cũng tìm thấy nhiều dư địa để phát triển ở thị trường Campuchia, với các ngành: viễn thông, địa ốc, y tế, nông nghiệp…

Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng chế biến, chế tạo mà nước này có nhu cầu lớn như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất, hàng tiêu dùng

Trước đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin vào trung tuần tháng 9 tại Việt Nam, hai bên đã vui mừng khẳng định Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về đầu tư trực tiếp tại Campuchia.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư gần 2,8 tỷ USD vào thị trường nước láng giềng, với 188 dự án trong nhiều lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Với hệ thống luật kinh tế đang dần hoàn thiện, môi trường đầu tư Campuchia thời gian qua đã trở nên minh bạch và hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Việt Nam.

Với những tiền đề đã có, tin tưởng rằng chuyến thăm chính thức lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Campuchia sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho mối quan hệ kinh tế – xã hội của hai nước phát triển, qua đó, củng cố vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN.

Phạm Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều