+
Aa
-
like
comment

Con đường “cổ lai hy” đã thành… “hy lai cổ”

02/12/2020 06:55

Với bất cứ lý do gì thì cũng không để xảy ra tình trạng hè phố mới làm đã bong tróc tan hoang mà không ai phải chịu trách nhiệm cả.

Con đường cổ lai hy đã thành… hy lai cổ - 1

Cách đây 4 năm (2016), Thành phố Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Công bằng nhìn lại, việc lát đá đã tạo nên diện mạo mới cho một số tuyến phố. Một số nơi chất lượng khá tốt, ví như đoạn vỉa hè bờ hồ Hoàn Kiếm chẳng hạn. Thế nhưng số có chất lượng này có vẻ như lại hơi bị ít mà thay vào đó, nhiều tuyến phố vừa làm đã hỏng khiến nó trở nên nổi tiếng.

Không, cái công trình tai tiếng này nổi tiếng từ cái ngày nó còn đang thi công bởi sự bong tróc, sụt lún đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Giờ đây, nhiều chỗ hỏng hóc cũ chưa được sửa chữa thì lại xuất hiện nhiều, rất nhiều điểm hư hỏng mới.

Phóng sự “Đá lát vỉa hè Hà Nội “độ bền 70 năm” bong tróc sau 3 năm sử dụng” trên báo Dân trí cho biết, ở một số tuyến đường như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng , Nguyễn Xiển (hướng đi Khuất Duy Tiến)… mặt hè long tróc, nhiều viên đá vỡ tan thành nhiều mảnh.

Vỉa hè đường Láng Hạ (hướng đi Lê Văn Lương), đoạn từ số 46 đến nút giao Vũ Ngọc Phan cũng đang dần trở thành “luống cày”…

Lý do, tất nhiên là cũng giống như nhiều giải trình của các công trình khác. Ví dụ như cầu Bạch Đằng cong là do… gió (tức là muốn cầu không cong thì… đắp tường chắn gió). Tầu đánh bắt xa bờ han gỉ là tại nước biển mặn (chắc là muốn không han gỉ thì nước biển nên… ngọt?), hay đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lún sụt là bởi mưa (sao không làm nhà che cho con đường nhỉ?)…

Về vỉa hè Hà Nội, việc lý giải có vẻ khá hơn, đó là tại… xe cộ đi lên vỉa hè.

Về lý do xe cộ, nếu là ô tô thì rất hiếm rồi và nếu có, sao không tổ chức bắt phạt những người liều lĩnh, phá hoại này? Còn xe máy, việc này là có nhưng hè lát đá mà xe máy đi cũng long tróc thì khó mà tồn tại vài ba năm, nói gì đến hàng mấy chục năm?

Cũng cần nói thêm, vào tháng 2.2018, Thanh tra Hà Nội đã kết luận: “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội” có hướng dẫn không đồng nhất, loại đá dùng trong bê tông lót nền vỉa hè không thống nhất. Cụ thể, có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1 x 2, còn 13/38 dự án dùng đá 2 x 4 đổ bê tông lót nền vỉa hè. Tại một số dự án, đá vỉa hè được lát quá sát nhau dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng tới chất lượng thi công…

Vả lại, với bất cứ lý do gì thì cũng không để xảy ra tình trạng hè phố mới làm đã bong tróc tan hoang mà không ai phải chịu trách nhiệm cả.

Xin thưa rằng đây là công trình lớn, nằm ngay giữa Thủ đô, trị giá hàng đống tiền không phải khi làm thì nói khơi khơi độ bền lên tới sáu bảy chục năm, đến khi sử dụng, chỉ vài ba năm đã hỏng.

Bùi Hoàng Tám/DT

Bài mới
Đọc nhiều