Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống: ‘Tôi đã sai’
Người phụ nữ 64 tuổi giải thích bố mẹ chồng coi con trai và con dâu như đã chết nên khi làm thủ tục thừa kế, bà đã khai man. Bà thừa nhận việc làm của mình là sai.
Phiên tòa dân sự liên quan vụ Con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống để bán nhà đất xảy ra ở quận Tây Hồ được nhiều người quan tâm sẽ được TAND Hà Nội mở lại sáng 23/7.
Trong vụ việc, bà V. (64 tuổi) là bị đơn. Bà là người khai tử bố mẹ chồng – ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An (cùng 88 tuổi, trú phường Nhật Tân).
“Tôi đã sai khi khai tử bố mẹ chồng”
Người con dâu tuổi ngoài 60 hiện sống trong một căn nhà cấp 4, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km. Phóng viên mất khá nhiều thời gian mới tìm được đến nơi bà V. đang ở. Kể lại sự việc thời điểm 14 năm trước, bà V. bảo đã nhận được giấy của TAND Hà Nội thông báo ngày mở lại phiên tòa dân sự.
Bà kể việc khai tử bố mẹ chồng đang sống khi đi làm thủ tục nhận di sản thừa kế khởi nguồn từ mảnh đất rộng hơn 180 m2 mà ông Hợp chia cho con trai trưởng tên Tiến (chồng bà V.) vào năm 1984. Lúc đó, vợ chồng bà đã kết hôn được 4 năm.
Sau một năm được chia đất, bà V. và chồng dùng tiền tích góp được để xây ngôi nhà 2 tầng làm nơi sinh sống. Quãng thời gian đó, mối quan hệ giữa ông Hợp và vợ chồng con trai cả dần xấu đi, rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Theo lời bà V., mâu thuẫn cứ thế kéo dài đằng đẵng ngày này qua ngày khác, tình cảm giữa bố mẹ chồng và con dâu cũng vì thế dần sứt mẻ bởi những va vấp, cãi vã diễn ra hàng ngày.
“Thậm chí, trong các lần hội họp gia đình, khi có người hỏi vợ chồng con trai cả đâu, bố mẹ chồng tôi đều nói ông Tiến và vợ nó đều đã chết cả rồi”, bà V. chia sẻ.
Bà V. kể năm 2000, mảnh đất nói trên cùng ngôi nhà 2 tầng và một phần đất vườn ven hồ Tây được Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cho ông Tiến và vợ.
Theo bà V., bố mẹ chồng cùng anh em trong nhà đều biết việc nhà, đất cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà, nhưng không ai ý kiến bởi các em trai của ông Tiến cũng đã được chia đất đai xung quanh nơi ở của ông Hợp.
Năm 2003, vợ chồng bà V. bán một phần đất cho người khác được 1 tỷ đồng. Sau đó, họ dùng khoản tiền này để nâng cấp ngôi nhà lên 3,5 tầng.
Hai năm sau, biến cố gia đình xảy đến khi ông Tiến qua đời vì bạo bệnh. Bà V. cho biết một năm sau, bà đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản.
Theo thông báo ngày 4/7/2006 của Phòng Công chứng số 3 Hà Nội gửi sang UBND phường Nhật Tân, công chứng viên ghi rõ: “Người để lại di sản: Ông Tiến đã chết ngày 8/1/2005. Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”.
Giải thích về việc công chứng viên ghi “Cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết” dù lúc đó, ông Hợp và bà An đang sống khỏe mạnh, bà V. nói khi công chứng viên hỏi về bố mẹ chồng, bà đã kê khai là “ông, bà ấy chết cả rồi”.
“Lúc còn sống, chồng cũng dặn tôi như thế. Hơn nữa, bố mẹ chồng đã không coi mình còn sống thì mình cũng coi ông bà đã chết từ lâu rồi. Ai hỏi tôi cũng nói thế thôi”, bà V. tâm sự.
Thừa nhận bản thân sai khi khai tử bố mẹ chồng, nhưng bà V. cho rằng điều đáng tiếc là câu trả lời lại được công chứng viên ghi vào văn bản rồi gửi sang UBND phường. Từ đó, câu chuyện con dâu khai tử bố mẹ chồng đang sống trở nên phức tạp.
Có sổ đỏ nhưng không được vào ở
Năm 2015, sau khi hoàn tất thủ tục nhận di sản thừa kế là nhà và đất, bà V. được sự chấp thuận của 2 con gái nên đã bán lại khu đất và ngôi nhà 3,5 tầng cho vợ chồng chị T.H. (ở quận Ba Đình).
“Tôi có sổ đỏ và di chúc của chồng để lại tài sản cùng sự chấp thuận của 2 con nên việc bán cho ai là hợp pháp”, bà V. nói với Zing. Sau khi hoàn thành thủ tục mua bán, vợ chồng chị T.H. làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Cùng trong năm 2015, chị Mai (con gái của bà V.) đến gặp ông Hợp và bà An thông báo bà V. đã hoàn tất thủ tục bán và sang tên sổ đỏ nhà và đất cho người khác. Lúc đó, ông bà cụ tỏ ra sửng sốt khi biết mảnh đất chia cho con trai cả đã bị bán.
Giữa năm 2015, vợ chồng chị T.H. đến nhận nhà thì bị ông Hợp và người thân ngăn cản vì cho rằng việc bà V. bán nhà, đất là trái phép khi chưa có sự đồng ý của ông.
“Việc mua bán hoàn toàn hợp pháp, có sổ đỏ và có cả sự tham gia của phòng công chứng cùng chính quyền phường. Thế nhưng gia đình ông cụ lại không cho tôi vào ở chính trong ngôi nhà do mình mua được”, chị T.H. chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, ông Hợp cho hay năm 1998, ông phân cho vợ chồng con trai cả mảnh đất nói trên nhưng chưa có quyết định chia thừa kế. Do đó, việc con dâu tự ý bán nhà, đất cho người khác khi ông chưa đồng ý là trái quy định. Đó cũng là lý do ông và người nhà không đồng ý để vợ chồng chị T.H. vào ở.
Đầu năm 2017, vợ chồng chị T.H. (nguyên đơn) làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà V. ra TAND Hà Nội.
Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Hợp và vợ cũng ủy quyền cho con gái tham gia tố tụng. Theo nguyện vọng, ông lão mong muốn tòa tuyên hủy mọi giấy tờ do bà V. lập ra để hưởng thừa kế khu đất, đồng thời trả lại nhà và đất cho ông Hợp và vợ.
Trong khi đó, bà V. (bị đơn) cho rằng mọi thủ tục bà thực hiện từ khi mảnh đất được cấp sổ đỏ và gia đình bà được cấp sổ hộ khẩu là hoàn toàn đúng quy định.
Ngôi nhà xảy ra tranh chấp hiện được con gái của bà V. dùng làm nơi ở và sinh hoạt.
Hoàng Lam – Hoàng Linh/ZNS