+
Aa
-
like
comment

Còn bao nhiêu Alibaba nữa?

20/12/2020 08:52

Liên tục những tuần qua, Công an TP HCM và một số tỉnh, thành khởi tố, bắt tạm giam hoặc ra quyết định truy nã các giám đốc doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) lừa bán đất nền.

Công an TP HCM và một số tỉnh, thành khởi tố, bắt tạm giam hoặc ra quyết định truy nã các giám đốc doanh nghiệp bất động sản lừa bán đất nền

Mới nhất là trường hợp Phạm Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes, bị Công an TP HCM truy nã. Đối tượng này đã lừa ký hợp đồng nhận cọc mua đất nền của nhiều người ở các dự án “ma” Civitas Linh Đông, Heart Land Tân Hóa rồi bỏ trốn.

Trong một diễn biến liên quan, kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” tại Công ty CP Địa ốc Alibaba đã hoàn tất, chuyển sang VKS đề nghị truy tố 23 bị can. Đây là vụ án động trời, có gần 4.000 người sập bẫy Alibaba, CEO của DN này là Nguyễn Thái Luyện cùng các anh em ruột Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh (làm chủ các công ty con khác, có chung kiểu làm ăn) thu về gần 2.400 tỉ đồng. Nếu toàn bộ các nạn nhân đều lên tiếng tố cáo và khai báo thì chắc chắn các số liệu nêu trên không dừng lại ở đó.

Thủ đoạn lừa đảo của các CEO BĐS đã bị phanh phui có tinh vi hay không? Hoàn toàn không, trái lại có thể nói là đơn giản. Các bước giăng bẫy bao gồm: nắm bắt thông tin quy hoạch sử dụng đất ở các huyện vùng ven TP HCM hoặc các tỉnh giáp ranh TP rồi “vẽ” ra dự án “khu dân cư”, “khu đô thị”…; tiếp theo là quảng cáo tiếp thị ào ạt và công bố khuyến mãi/ tặng thưởng đậm để “dụ” khách; kế đến, tổ chức “hội nghị khách hàng” hoặc mở bán, thu tiền cọc. Trong khi đó, dự án chưa được cấp phép, thậm chí chẳng hề thuộc diện quy hoạch, nghĩa là người mua không có cơ hội được giao đất hay cấp giấy chủ quyền, nói thẳng ra là mất trắng!

Để thực hiện loạt bài “Hỗn loạn bán mua đất dự án” (khởi đăng tuần trước), các phóng viên Báo Người Lao Động đã nhiều ngày nhập vai khách hàng bị đội ngũ môi giới BĐS “dắt mũi” đi khắp nơi mồi chài mua “đất dự án”. Đặc điểm chung chúng tôi nhận thấy ở không ít khách hàng là chủ quan, nóng vội, cả tin, thiếu hiểu biết nhưng thừa lòng tham. Chỉ cần được dẫn tới các khoảnh đất trống xa lơ xa lắc, cỏ cây um tùm, trưng ra tấm bản vẽ chẳng biết giả hay thật để minh họa “dự án”, hồ sơ pháp lý khu đất là bản photo-copy lem luốc…, trong khi bên bán cứ “chém” thao thao về khả năng sinh lợi hoặc cam kết mua lại lô đất với giá cao hơn nếu người mua đổi ý, thế là mạnh tay xuống tiền cọc. Khi tiền đã thanh toán gần đủ, thấy bên bán im lặng bất thường hoặc tắt điện thoại, người mua mới sinh nghi, tìm tới cơ quan quản lý tại địa phương để hỏi thì đã muộn.

Chuyện lừa lọc như vậy xảy ra như cơm bữa, nhất là vào dịp cuối tuần, chẳng cần giấu giếm. Như Alibaba đấy thôi, mỗi lần mở bán là trống giong cờ mở, tưởng đâu đại nhạc hội, hết TP HCM rồi tới Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, ra tận Bình Thuận. Cả thảy gần 60 dự án “ma” lừa mị người mua, thu hàng ngàn tỉ. Vậy mà khách hàng vẫn kéo đến, rất đông; dường như bị thôi miên, dường như không có mắt? Còn các cơ quan chức năng địa phương thì buông lỏng quản lý, thậm chí mặc kệ.

Phải chăng khi nào kiểu quan niệm và hành động như vậy vẫn tồn tại thì nạn lừa đảo bán đất “ma” không bao giờ chấm dứt; hết Alibaba này sẽ mọc lên Alibaba khác!?

Quý An/PL

Bài mới
Đọc nhiều