+
Aa
-
like
comment

Cơn “ác mộng” của Trung Quốc liệu có chấm dứt sau Đại hội XX?

Khánh Đăng - 17/10/2022 15:41

Ngày 16/10, Đại hội Đảng XX của Trung Quốc đã chính thức diễn ra khi tình hình kinh tế – xã hội của đất nước tỉ dân đang có nhiều biến động. Dịp này, một câu hỏi được nhiều người dân Trung Quốc, và cả dư luận quốc tế quan tâm, là liệu cơn “ác mộng” Zero Covid hà khắc có được bộ máy lãnh đạo mới dỡ bỏ trong thời gian tới?

Khai mạc Đại hội Đảng Trung Quốc lần 20

Trong khi các nước láng giềng và nhiều nước trên thế giới dần dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế đi lại, mở cửa nền kinh tế, chấp nhận sống chung với Covid, thì Trung Quốc vẫn kiên trì siết chặt chính sách Zero Covid. Gần 2 năm đã trôi qua, liệu Zero Covid có thật sự hiệu quả như Trung Quốc mong đợi?

Kinh tế – xã hội bất ổn vì Zero Covid

Câu trả lời lúc này có vẻ thiếu thuyết phục, vì thực tế, sự hà khắc của Zero Covid đang càng lúc càng gây ra nhiều bất lợi, kìm hãm hoạt động sản xuất kinh doanh, và đẩy người dân đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Trong một số bài viết trên Wall Street Journal, người ta nhìn thấy Zero Covid đã khiến cho cuộc sống của hàng triệu người dân Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những điểm bất cập dễ nhận thấy nhất của Zero Covid là sự bị động. Chỉ cần vài ca nhiễm, thì ngay lập tức, vận động của cả một thành phố lớn, thậm chí là trung tâm thương mại hàng đầu đất nước như Thượng Hải cũng dễ dàng bị đình chỉ trong nhiều ngày liên tiếp.

Việc kiên quyết duy trì Zero Covid đang khiến người dân Trung Quốc vô cùng bất mãn.

Chính sự bảo thủ và hà khắc trên là nguyên nhân khiến giới doanh thương ở Trung Quốc bất an, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, và các đối tác quốc tế. Bởi Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu nên việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực theo.

Khi trả lời khảo sát về lòng tin của doanh nghiệp Châu Âu đối với thị trường Trung Quốc, Phó chủ tịch EuroCham (Phòng thương mại Liên minh Châu Âu) tại Trung Quốc Bettina Schoen-Behanzin đã nói: “Covid đã làm sự thiếu chắc chắn nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp không thể biết được liệu họ có phải ngừng hoạt động hay không nếu phát hiện các ca Covid. Vì vậy, chúng tôi đang đối mặt với rủi ro ở đây, mỗi ngày”.

Không những thế, Zero Covid cũng khiến các doanh nghiệp Âu Mỹ thay đổi nhận định, họ cho rằng môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang ngày càng bị chính trị hóa. Kéo theo là hàng loạt vấn đề được mổ xẻ như: sân chơi kinh doanh thiếu bình đẳng, các quy định pháp lý không hiệu quả…

Các tập đoàn toàn cầu như Apple, Tesla, Volkswagen AG… tiếp tục hoạt động cầm chừng, không thể chủ động sản xuất trong khi các kế hoạch đã được hoạch định kỹ lưỡng và chi tiết, vì người lao động không đến được nhà máy, hoặc nhà máy nằm trong khu vực bị phong tỏa.

Zero Covid-19 vẫn là lối đi mà Trung Quốc sử dụng bất chấp thế giới đã bình thường mới

Đầu quý 2 năm nay, một báo cáo khảo sát được EuroCham tại Trung Quốc công bố cho thấy Zero Covid đã đẩy chi phí lao động ở nước này tăng cao, khiến các doanh nghiệp Châu Âu kinh doanh khó khăn, và buộc phải cân nhắc lại các khoản đầu tư trong tương lại. Khảo sát cho thấy, 23% trong tổng số 372 doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc đang nghĩ đến một cuộc ra đi khỏi đất nước tỉ dân, để đến với các thị trường ổn định, cởi mở hơn, như Việt Nam, Indonesia và các nước Đông Nam Á lân cận.

Thêm vào đó quan hệ Mỹ-Trung càng lúc càng căng thẳng đã không hứa hẹn cục diện tốt đẹp trong mắt các nhà đầu tư mới, đến từ Mỹ, Châu Âu. Làn sóng các tập đoàn Hàn Quốc rời khỏi thị trường Trung Quốc, như tập đoàn Lotte giữa năm nay là một chuyện không hiếm nữa.

Với người dân Trung Quốc, sau giai đoạn đầu tuyệt đối chấp hành, giờ đây, cuộc sống khó khăn đã khiến họ thay đổi thái độ với Zero Covid. Càng ngày, người dân càng bức xúc và có thái độ thiếu hợp tác mỗi khi bị phong tỏa.

Chính sách Zero Covid gây ảnh hưởng không nhỏ đến Trung Quốc.

Về lâu dài, khi các nhà máy cứ “ON – OFF” do Zero Covid, đơn hàng giảm sút nghiêm trọng vì các lệnh cấm của chính quyền Mỹ, cộng thêm thị trường Châu Âu suy thoái đã khiến tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng cao nhất “mọi thời đại”, khi tiến gần đến con số 19,3% vào tháng 6 năm nay.

Cùng với đó, tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 9/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 2,8%, tăng nhanh nhất trong 2 năm gần đây, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố hôm 14/10/2022.

Kinh tế tăng trưởng thấp, cơn khủng hoảng nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, là những yếu tố tiêu cực khiến người dân Trung Quốc nhìn Zero Covid thêm tiêu cực.

Liệu có thay đổi nào sau Đại hội XX?

Sau tất cả hiện thực ảm đạm đó, liệu rằng ban lãnh đạo mới sau kỳ Đại hội XX của Đảng cộng sản Trung Quốc có thay đổi cách tiếp cận với chính sách Zero Covid? Muốn trả lời được câu hỏi này, xem ra, cần phải quay về những nguyên nhân được cho là căn bản của chính sách trên.

Nguyên nhân đầu tiên, là Trung Quốc dường như biết rõ điểm yếu chết người của họ sau câu chuyện Vũ Hán. Dân số đông và thói quen sinh hoạt dễ làm lây lan vi-rút khiến chính quyền lựa chọn giải pháp ngăn chặn, bài trừ nguồn lây ngay từ đầu, trước khi áp lực dịch bệnh có thể bẻ gãy hệ thống y tế.

Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất kiên trì với chính sách Zero Covid-19.

Một lý do khác cũng được giới quan sát đưa ra, là sau xung đột Nga – Ukraine, tình hình thế giới càng lúc càng bất ổn, khiến chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát xã hội chặt chẽ hơn, và Zero Covid là một phương tiện cần thiết trong giai đoạn này.

Như vậy, nhìn qua các nguyên nhân trên, vẫn chưa có cơ sở để hy vọng ban lãnh đạo mới của chính quyền Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid trong ngắn hạn.

Ban lãnh đạo mới có khả năng sẽ giảm bớt độ hà khắc của chính sách Zero Covid bằng cách thay đổi linh hoạt các biện pháp sàng lọc, cách ly đối với người nghi nhiễm, người nhiễm Covid, cũng như nới lỏng các quy định dành cho một số khu vực phong tỏa liên quan đến sản xuất kinh doanh để cứu vãn suy thoái kinh tế, và trấn an người dân.

Tuy vậy, việc dỡ bỏ hoàn toàn Zero Covid khó xảy ra trong năm nay, khi vaccine nội địa chưa được cải tiến, hay được thay bằng vaccine nhập khẩu hiệu quả hơn, trong khi tình hình quốc tế vẫn hỗn loạn. Nếu lúc này, dịch bệnh lan rộng, thì Trung Quốc không thể thoát khỏi một thảm họa y tế, và điều đó sẽ làm phá sản mọi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc.

Xem ra, cơn ác mộng mang tên “Zero Covid” là vấn đề của tầm nhìn, nó không chỉ ám ảnh cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư vào thị trưởng lớn thứ 2 thế giới, hay người dân Trung Quốc, mà đó còn là ám ảnh không ngừng đeo bám giới cầm quyền Trung Quốc. Họ thật sự đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Khánh Đăng

Bài mới
Đọc nhiều