+
Aa
-
like
comment

Lời giải nào cho cơn ác mộng “tự do thảm sát” nước Mỹ?

Bảo Trâm - 25/05/2021 10:28

Hôm 24/5, nước Mỹ chấn động với vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas khiến 21 người thiệt mạng, trong đó 19 học sinh. Từ đó cho thấy, bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là vấn đề gây nhức nhối ở Mỹ sau hàng loạt các vụ xả súng đẫm máu liên tục diễn ra từ hồi đầu năm.

Hình ảnh vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas ngày 24/5

Trang ABC News đưa tin, vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của 19 học sinh và 2 người lớn, do một thiếu niên 18 tuổi, hành động đơn độc, không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Vụ việc đã trở thành cơn ác mộng của Trường tiểu học Robb (bang Texas), khi chỉ còn vài ngày nữa là học sinh của trường bước vào kỳ nghỉ hè.

Tay súng được cho là đã bắn chết người bà của mình trước khi mang theo súng trường và súng ngắn tại trường học nã súng điên cuồng.

Theo ABC News, đây là vụ xả súng tại trường học chết chóc nhất trong lịch sử bang Texas. Vụ xả súng năm 2018 tại Trường trung học Santa Fe ở khu vực Houston khiến 10 người thiệt mạng.

Vụ xả súng xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ tấn công bằng súng đẫm máu tại một siêu thị thuộc khu vực chủ yếu có người da màu sinh sống ở thành phố Buffalo, bang New York.

Theo CNN, các vụ nổ súng ở nơi công cộng xảy ra gần như hằng ngày ở Mỹ. Tội ác liên quan súng đạn gia tăng nhanh ở các đô thị lớn như New York, Chicago, Miami và San Francisco, đặc biệt kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Hiện trường vụ xả súng tại Mỹ trước đó tại một siêu thị ngày 14/5

Đại dịch Covid hay đại dịch xả súng?

Bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối trên khắp nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, nhất là các vụ xả súng hàng loạt tại trường học.

Trong năm 2021, và cùng là năm nước Mỹ chìm trong đại dịch, quốc gia này đã chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt tăng cao kỷ lục với 691 vụ, bình quân một vụ có ít nhất 4 nạn nhân. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, Mỹ ghi nhận 212 vụ xả súng hàng loạt.

Theo báo cáo của FBI, chỉ riêng các vụ xả súng có chủ đích tại nước này là 61 vụ, cướp đi sinh mạng của 103 người và khiến 140 người bị thương, không tính đối tượng nổ súng. Như vậy, số vụ xả súng có chủ đích trong năm 2021 đã tăng 52,5% so với năm trước đó và tăng 96,8% so với năm 2017.

19 trẻ em tiểu học đã phải hy sinh vì cuộc xả súng sáng 24/5

Tất cả số liệu này đều cho thấy bạo lực súng đạn vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân Mỹ và làm dấy lên cuộc tranh luận cũng như gây chia rẽ sâu sắc trong chính trường ở Mỹ về vấn đề kiểm soát súng đạn.

Tại Chicago, một thành phố đông dân khét tiếng về bạo lực súng đạn, hơn 800 người đã tử vong liên quan đến súng, khiến 2021 trở thành năm bạo lực nhất trong 1/4 thế kỷ của thành phố này. Thành phố Los Angeles đạt kỷ lục 15 năm với gần 400 người chết vì súng đạn trong năm 2021.

Ước tính trong năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so mức năm 2016.

Việc mua bán và sử dụng súng công khai, tự do giữa nước Mỹ giờ đây trở thành vấn nạn vô cùng nhức nhối khiến bao người thiệt mạng

Tự do súng đạn hay tự do “sát thương” người vô tội?

Bạo lực súng đạn ở Mỹ là một vấn nạn xã hội kinh niên dường như không có lời giải. Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), ước tính khoảng 17 triệu khẩu súng được bán ra từ tháng 1-11/2021, con số cao thứ hai kể từ năm 2000.

Một cuộc khảo sát về súng đạn trên toàn nước Mỹ cho thấy khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ (tương đương khoảng 81,4 triệu người) sở hữu ít nhất một khẩu súng, khiến dân Mỹ trở thành các công dân được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới.

Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không quốc gia nào có nhiều vũ khí cá nhân hơn số dân như ở Mỹ.

Ước tính doanh số bán súng hàng tháng ở Mỹ.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, tội phạm sẽ ít đi nếu nhiều người sở hữu súng hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những nơi mọi người dễ dàng tiếp cận với súng, các trường hợp thiệt mạng liên quan đến súng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, bao gồm cả do tự sát, tội phạm và thương tích không chủ ý.

Mỹ hiện là nước có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác nếu tính trên đầu người. Theo dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá Y tế (IHME) từ năm 2019, tỷ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada, quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ 7 trên thế giới; cao hơn 22 lần so với Liên minh châu Âu và 23 lần so với Australia.

Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp. (Ảnh: NYT)

Và khi số lượng người sở hữu súng càng tăng lên có đồng nghĩa với việc càng nhiều người rơi vào nguy hiểm vì những “cơn thịnh nộ” có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên đất Mỹ?

Lời giải nào dành cho nước Mỹ?

Những con số đáng lo ngại trên đã phủ thêm những gam màu tối lên bức tranh bạo lực súng đạn tại đã và đang làm dư luận Mỹ phản ứng mạnh mẽ, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải có các quy định thắt chặt về kiểm soát súng đạn.

Cho đến khi nhậm chức, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, chính sách mới của chính quyền Mỹ nhằm kiểm soát đạn cũng đã vấp phải ý kiến không đồng tình từ những người ủng hộ quyền sử dụng súng. Bởi việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, việc sở hữu vũ khí dường như cũng được xem là một tự do, nhân quyền của người Mỹ.

Hình ảnh vụ xả súng tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas năm 2018 khiến 58 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Những tranh cãi này còn được nhóm cổ vũ dùng súng khẳng định người dân cần được bảo vệ bằng cách được phép mua thêm súng và lực lượng chức năng nên tăng cường truy quét các nhóm tội phạm.

Đây là lý do khiến không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn vẫn “năm lần bảy lượt” không thể thống nhất để đi tới đích.

Và bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là bóng đen gây ám ảnh với người dân Mỹ cũng như với cộng đồng quốc tế, luôn đặt ra thách thức cho các nhiệm kỳ Tổng thống để tìm ra những cách thức nhằm lấp đầy các lỗ hổng trên con đường kiểm soát súng đạn để bảo đảm an toàn và bình yên cho cuộc sống của người dân “xứ sở cờ hoa” trong bối cảnh những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang đè nặng.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều