Cơn ác mộng năng lượng thập niên 70 sắp tái diễn, Việt Nam phải ứng phó thế nào?
Tập đoàn Gazprom của Nga dự báo rằng, giá khí đốt từ nay đến mùa đông có thể tăng thêm 60% từ mức hiện tại, lên mức 4.000 USD/1.000 mét khối. Dự báo này cùng với sự hội tụ của một loạt nhân tố chưa có tiền lệ đang gợi lại những ký ức của khủng hoảng năng lượng trong thập niên 1970, làm trầm trọng thêm triển vọng bất trắc về lạm phát và kinh tế toàn cầu. Cũng như những lần khủng hoảng toàn cầu khác, Việt Nam khó có thể đứng ngoài khi chúng ta đã là nền kinh tế lớn thứ 40 của thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần ứng phó ra sao?
Dòng chảy khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm mạnh kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cách đây 6 tháng. Giá khí đốt ở châu Âu vì vậy đã tăng mạnh, đẩy khu vực này vào một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ.
Sự tăng giá của loại hàng hóa này khiến hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, lạm phát leo thang, đời sống người dân bị thắt chặt và bất ổn về chính trị. Điều này đã dẫn đến các chính sách giải quyết thiếu hụt năng lượng bằng việc thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, dù biết nó không sạch. Hiện nay, một số nước thuộc EU đang quay trở lại phục hồi sản xuất nhiệt điện than. Những nước như Đức và Romania cũng đang triển khai các biện pháp khác để ứng phó với khủng hoảng khí đốt, bao gồm đưa các nhà máy phát điện chạy than hoạt động trở lại hoặc trì hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy này này. Còn Áo cũng thông báo sẽ chuyển đổi nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trong trường hợp khẩn cấp, trong khi Hà Lan loại bỏ giới hạn sản xuất năng lượng từ than. Các nhà máy nhiệt điện than của Italy đã tích cực dự trữ than trong vài tháng qua.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Tại châu Âu, tình hình thời tiết cực đoan này càng gây thêm căng thẳng trong bối cảnh nguồn cung năng lượng eo hẹp và giá khí đốt tăng cao.
Đối với nước ta, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng luôn luôn được ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chính lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2022, để đảm bảo an ninh năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để sớm đưa vào vận hành các dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ đạo các doanh nghiệp ngành năng lượng có phương án vận hành hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy, góp phần bảo đảm nguồn cung nhiên liệu thiết yếu (xăng, dầu, điện, than…), nhất là bảo đảm cung ứng điện trong thời gian nắng nóng cao điểm năm 2022. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, giảm phát thải.
Thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, nhằm tránh rơi vào thế bị động như vậy, chúng ta cần:
Thứ nhất, phải cân đối, cân bằng, đa dạng giữa các nguồn, trong đó ưu tiên tập trung khai thác tối đa những nguồn tài nguyên năng lượng nội địa. Điều đó giúp chúng ta bảo đảm tiêu chí an ninh năng lượng, tránh bị phụ thuộc vào nguồn có rủi ro về nguồn cung, về nhập khẩu và về giá.
Thứ hai, cần ưu tiên nỗ lực trong chính sách và trong thực thi, trong đầu tư về tài chính. Đó chính là giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng hiệu quả, thậm chí phải có những điều chỉnh về đường hướng chính sách, sao cho bảo đảm thúc đẩy ngành kinh tế ít năng lượng nhưng tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.
Thứ ba, cần phải có tầm nhìn và chính sách gắn kết, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, không chỉ giữa là ngành năng lượng.
Thứ tư, cần có những điều chỉnh, thay đổi về triết lý trong quy hoạch chứ không chỉ dựa vào những nguồn tập trung, nguồn nhiệt điện như hiện tại bởi nhiều rủi ro về tài chính. Bên cạnh đó, quy hoạch không đơn thuần chỉ là vấn đề công nghệ năng lượng nào mà cần chú trọng đến tính khả thi.
Diệu Hương