“Coi thường” vaccine, thích tập trung ăn uống khiến F0 tăng mạnh
Nhiều người chủ quan không coi trọng việc tiêm đủ 2 mũi vaccine và giữ thói quen xã giao khi gặp nhau, lơ là với dịch bệnh, đã khiến F0 tăng mạnh ở một số tỉnh miền Tây …
Được tiêm vaccine, lơ là phòng dịch?
Trong một tuần qua, nhiều tỉnh miền Tây có ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều tỉnh số ca mắc luôn ở mức 3 con số, như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Bạc Liêu… Đáng nói, trong ngày hôm qua (25/11), lần đầu tiên Cần Thơ có số ca nhiễm SARS-CoV-2 lên 4 con số.
Ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp, mặc dù tỉnh này đưa ra nhiều giải pháp để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế, như yêu cầu các địa phương không thuộc vùng xanh không được bán hàng ăn, uống tại chỗ; duy trì các chốt cửa ngõ, hỗ trợ khai báo y tế, siết chặt các hoạt động tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng…
Mặt khác, Đồng Tháp tập trung lực lượng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân, cụ thể đến nay tỷ lệ tiêm mũi một đạt trên 91/%, mũi 2 đạt trên 63%.
Nhưng thực tế trong một tuần qua, số ca mặc Covid-19 dao động từ 500 – 700 ca/ngày, tất cả 11/11 huyện, thành phố của Đồng Tháp đều có ca F0 trong cộng đồng.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 25/11 tỉnh ghi nhận 609 ca, trong đó có 198 người tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; 66 người tiêm mũi một và 118 người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19; 227 người đang điều tra thông tin tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – bày tỏ lo ngại, hiện nay còn nhiều người dân lơ là với dịch bệnh, nhất là các bạn trẻ. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này có thể do lơ là việc được tiêm đủ 2 mũi vaccine, cộng với thói quen xã giao khi gặp nhau, nhất là khách phương xa…
Một trong những tỉnh áp dụng “lệnh” không bán hàng ăn uống tại chỗ kéo dài là tỉnh An Giang. Vị lãnh đạo tỉnh này cho rằng, khi bán hàng ăn uống tại chỗ, nhất là hàng quán có phục vụ đồ uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, đến nay An Giang vẫn khuyến khích hàng quán bán hàng mang về, không cho bán tại chỗ.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết, trong một tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh luôn duy trì ở mức 3 con số, có ngày 500 – 600 ca F0. Để giảm tải cho các khu điều trị, từ đầu tháng 11, An Giang cho thí điểm cách ly và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà tại 4 địa phương.
Đến ngày 15/11, tỉnh này áp dụng cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh khi số ca F0 chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hạn chế ra đường, bán hàng ăn uống mang đi
Để hạn chế tình trạng tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh, nhiều địa phương tại Đồng Tháp, An Giang… vẫn chưa cho bán hàng ăn, uống tại chỗ; khuyến khích bán hàng mang về.
Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – chia sẻ: “Một mặt lãnh đạo tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, sở, ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt công tác phòng, chống dịch, trong đó tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, nhất là khoảng cách và đeo khẩu trang.
Cán bộ, người dân hạn chế tối đa các hoạt động tập trung ăn, uống và hạn chế thói quen ra đường không cần thiết để góp phần ngăn ngừa lây lan dịch bệnh cho bản thân và cho người khác”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, An Giang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch, thích ứng an toàn, khôi phục phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ nay đến Tết dương lịch, các dịch vụ bán hàng ăn uống chỉ bán mang về.
Ông Bình còn cho rằng, ngoài các biện pháp An Giang đang thực hiện để kiểm soát dịch bệnh, An Giang đang chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền cho người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh, trong đó biện pháp dễ thực hiện nhất là đeo khẩu trang, hạn chế ra đường và tiếp xúc với người khác khi không cần thiết.
Theo ông Bình, thời gian qua có nhiều trường hợp trong gia đình có một người nhiễm, cả nhà trở thành F0. Nguyên nhân là người dân tập trung đeo khẩu trang khi ra đường; về nhà, những người nguy cơ nhiễm bệnh như F1 còn sinh hoạt chung, thậm chỉ không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các thành viên trong gia đình…
Do đó, lực lượng y tế và chính quyền địa phương cần quản chặt việc theo dõi cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
“Còn tại các khu công nghiệp, sắp tới tôi cũng chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp có bộ quy tắc về phòng, chống dịch tại công ty, trong đó lưu ý giờ ăn, giờ ra về, hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách. Vì làm tốt việc này là bảo vệ công nhân, bảo vệ doanh nghiệp hoạt động, tránh bị đóng cửa vì xuất hiện F0 trong doanh nghiệp”. Ông Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn cho rằng, cần chấn chỉnh hoạt động các chợ nhóm, chợ tự phát trước công ty, khu công nghiệp; lãnh đạo các địa phương hướng dẫn và yêu cầu các hộ tiểu thương phải có vách ngăn, đeo khẩu trang, tránh tụ tập, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu hộ nào không thực hiện, thì áp dụng biện pháp xử phạt hành chính.
Nguyễn Anh