+
Aa
-
like
comment

COC và những nguyên tắc để có một Biển Đông hòa bình

01/01/2020 16:39

Giới chuyên gia thế giới cho rằng, Bắc Kinh sẽ chỉ ký “Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” khi đã hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông.

Vậy liệu đến khi đó COC có còn đủ hiệu lực để duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông?

Trung Quốc và cái hẹn 3 năm

Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là tài liệu rất quan trọng, việc đạt được sự đồng thuận và ký kết văn bản này với Trung Quốc từ lâu đã là mối quan tâm lớn đối với cả các quốc gia Đông Nam Á lẫn toàn bộ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc này cho đến năm 2017 vẫn diễn ra rất chậm chạp.

Đầu năm 2017 Trung Quốc bỗng “nhiệt tình” tuyên bố rằng, phiên bản đầu tiên của dự thảo COC đã được chuẩn bị và các bên sẽ sớm chấp nhận. Một năm sau, vào tháng 8/2018, một cuộc thảo luận về COC đã được tổ chức tại Singapore, nhưng nó đã cho thấy sự khác biệt đáng kể trong lập trường giữa ASEAN với Trung Quốc.

Tiếp theo, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore vào tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc đã tuyên bố rằng, Bộ luật sẽ được ký không sớm hơn trong ba năm tới (đến năm 2021).

Mặc dù người đứng đầu chính phủ Trung Quốc không nêu rõ nguyên nhân, nhưng ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải từ Singapore đã giải thích điều này rằng, với một văn bản quan trọng như Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, các bên cần mất nhiều thời gian để thống nhất về quan điểm, ngay cả đối với các nước Đông Nam Á.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quang Minh đã từng nhận định rằng, rất khó đưa ra thời hạn “Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” chính thức được ký kết, bởi nó phụ thuộc vào ý chí chính trị của các bên và rất nhiều yếu tố, đặc biệt là từ hành động thực tế của Bắc Kinh phớt lờ cả các chế định quốc tế như Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) hay Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Phlippines kiện Trung Quốc năm 2016. .

COC va nhung nguyen tac de co mot Bien Dong hoa binh
Khối ASEAN cần đoàn kết chặt chẽ trong tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông

Trung Quốc chỉ ký COC khi “sự đã rồi”?

Từ trước khi đưa ra “cái hẹn 3 năm” cho đến tận bây giờ, Trung Quốc đã không ngừng bồi đắp và quân sự hóa 7 đảo, đá của Việt Nam mà họ đã xâm chiếm trái phép trên Biển Đông, bao gồm: Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, Ga Ven, Châu Viên, Huy Gơ, Gạc Ma.

Trung Quốc đã xây dựng các công trình kiên cố, có thể tiếp nhận cả các máy bay cỡ lớn như máy bay tiếp dầu, máy bay ném bom, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm, những yếu tố cần thiết cho việc lập một “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông.

Cùng với việc tăng cường mở rộng các căn cứ phi pháp đã có ở Hoàng Sa và triển khai các loại radar, tên lửa phòng không, tên lửa hành trình ra các đảo ở Trường Sa, Trung Quốc về cơ bản đã sắp hoàn thành việc quân sự hóa các đảo, đá trên Biển Đông.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang âm mưu xây dựng một số công trình ngầm dưới đáy Biển Đông như: Hệ thống thiết bị cảm biến, nhà máy điện hạt nhân nổi hay trạm nghiên cứu khoa học để “phục vụ dân sinh”, nhưng thực chất là bình phong che đậy các yếu tố cấu thành của hệ thống săn ngầm dưới đáy Biển Đông.

Còn nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ là cơ sở cung cấp điện cho các công trình quân sự trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các báo cáo tình báo của phương Tây cho biết, Bắc Kinh luôn kiên định và đang lấn dần từng bước trong chính sách quân sự hóa các đảo, đá để “thay đổi hiện trạng Biển Đông”, phục vụ tham vọng độc chiếm vùng biển này.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho biết, “cái hẹn 3 năm” chỉ là những lời nói hão huyền, chỉ khi nào Trung Quốc hoàn tất việc thay đổi hiện trạng, xây dựng xong các căn cứ quân sự trái phép, thì Bắc Kinh mới ký COC.

Khi Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các căn cứ quân sự của mình và ký COC, thì chính các nước Đông Nam Á sẽ gặp khó trên Biển Đông. Đây là chính sách vô cùng tai hại của Bắc Kinh, nên ngay từ bây giờ, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế cần đoàn kết lại để ngăn chặn bàn tay Trung Quốc thay đổi hiện trạng Biển Đông, buộc nước này nhanh chóng ký kết COC, mặc dù hiện đã là tương đối muộn.

Giới chuyên gia thế giới cho rằng, Bắc Kinh sẽ chỉ ký “Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” khi đã hoàn tất việc quân sự hóa Biển Đông.

Những nguyên tắc khi ký COC

Để có thể ký kết được thì Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải bảo đảm rằng nó sẽ hoạt động thực sự hiệu quả và không bị biến thành “một mớ giấy lộn”, muốn vậy nó phải bảo đảm được những vấn đề mang tính nguyên tắc.

Nhà phân tích Nga Grigory Lokshin đã từng nói rằng, DOC là một văn kiện đúng đắn, nhưng đây chỉ là một tuyên bố không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, do đó không ai ép được Trung Quốc phải tuân thủ nó. Vì vậy, ASEAN cần làm mọi điều để buộc Bắc Kinh phải ký COC, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Trong thực tế, việc đạt được COC hay không phụ thuộc phần lớn vào việc các bên có tìm được tiếng nói chung về các điều khoản và quy định trong nội dung và các chế tài liên quan của nó hay không.

Những vấn đề chính cần đạt được đối với COC bao gồm 2 mảng lớn, với những nguyên tắc cần đạt được với cả Trung Quốc và thống nhất trong khối ASEAN.

Vấn đề đầu tiên: “Trả lại nguyên trạng Biển Đông” là yêu cầu tiên quyết. “Đường 9 đoạn’ phải bị xóa bỏ và các đảo đá bị Trung Quốc chiếm giữ và quân sự hóa trái phép phải được trả lại nguyên trạng thì văn bản mới có giá trị.

Vấn đề thứ hai: Chủ thể ký COC là ASEAN. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông liên quan đến nhiều nước Đông Nam Á, nên chủ thể của COC phải là Trung Quốc ký với ASEAN, chứ không phải là ký với từng nước trong khối ASEAN.

Vấn đề thứ ba: Sự kế tục của COC. Việc bảo đảm sự kế thừa bắt buộc thực thi COC của các chính phủ kế nhiệm ở Trung Quốc và các nước ASEAN là rất quan trọng.

Vấn đề thứ tư: Thiết lập tính pháp lý của COC. Nếu COC chỉ là văn bản mang tính chất tuyên bố chính trị giống như DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông) thì không có gì bảo đảm là Trung Quốc sẽ tuân thủ nó. Do đó, cần xây dựng COC trở thành một văn bản mang tính pháp lý để buộc các bên phải thực thi.

Vấn đề thứ năm: Cơ chế bảo đảm thực thi COC. Nếu COC trở thành một văn bản pháp lý thì để bảo đảm việc thực thi COC, cần phải xây dựng chế tài xử lý vi phạm COC và có các tổ chức quốc tế, quan sát viên quốc tế có uy tín để giám sát và thực thi chế tài trừng phạt.

Vấn đề thứ sáu: Cơ chế giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ở đây, COC cần phải quy định rõ: Những tranh chấp chủ quyền có liên quan tới Biển Đông giữa các nước Đông Nam Á với nhau sẽ được bàn bạc đồng thuận trong nội khối ASEAN, trước khi thảo luận với Trung Quốc.

Cả sáu vấn đề trên đều là những nút thắt hết sức phức tạp, từ câu chữ trong văn bản cho đến nội hàm của chúng; do đó việc tìm kiếm được sự đồng thuận trong nội bộ các nước Đông Nam Á cũng đã là một vấn đề lớn, chứ chưa nói đến việc thảo luận chúng với Trung Quốc.

Chắc chắn là Bắc Kinh sẽ phản đối không ít vấn đề; do đó việc đạt được COC sẽ là gian nan, nhưng đây là điều mà ASEAN cần phải làm và phải làm cho bằng được.

Vì vậy, hiện nay bản thân các nước Đông Nam Á cần nhanh chóng loại trừ sự khác biệt trong quan điểm về Biển Đông và xây dựng một đường lối chung để đạt được sự đồng thuận nội khối một cách nhanh nhất, thì mới hy vọng đạt được COC, thiết lập một chế tài đủ mạnh buộc tất cả các bên liên quan tuân thủ theo một hành lang pháp lý quốc tế.

Nhật Nam/DVO

Bài mới
Đọc nhiều