Cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng, thủ đoạn tinh vi cướp trắng 6.300 m2 đất công ở TP HCM
Bằng hình thức hợp tác, liên kết xây dựng khách sạn, văn phòng rồi thoái vốn, gần 6.300 m2 đất công ở trung tâm Sài Gòn bị biến thành đất của tư nhân.
Nội dung này được đề cập trong kết luận về sai phạm tại dự án bất động sản ở bốn lô đất số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé (quận 1, TP HCM) vừa được Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng.
Cụ thể, năm 2010, UBND TP HCM giao 4 cơ sở nhà đất này cho Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) để lập thủ tục đầu tư dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, thời hạn giao đất 50 năm. Tuy nhiên, 5 năm sau đó dự án không thể triển khai do khó khăn tài chính.
Năm 2015, Vinafood 2 có chủ trương liên kết Công ty TNHH thương mại – quảng cáo – xây dựng địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) cùng khai thác mặt bằng. Ngày 12/11/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác với Công ty Việt Hân thành lập Công ty TNHH thương mại – xây dựng – dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án tại 4 khu đất này.
Theo đó, Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), Vinafood 2 đóng góp 160 tỷ đồng (20% còn lại) bằng giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được xác định là 730 tỷ đồng.
Ngày 25/11/2015, Vinafood 2 bán 4 khu đất này cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn dùng chính số tiền góp vốn điều lệ tại công ty này trả cho Vinafood 2 (570 tỷ đồng là tiền tính từ giá trị quyền sử dụng 4 khu đất sau khi trừ 160 tỷ đồng góp vốn của Vinafood 2). Sau đó, Vinafood 2 chuyển nhượng phần vốn 160 tỷ đồng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Thương vụ chuyển nhượng 4 khu đất công cho tư nhân hoàn tất.
Trong khi đó, 4 lô đất này năm 2008 được UBND thành phố phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất hơn 643 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra ước tính tiền sử dụng đất của 4 khu đất vào năm 2015 hơn 1.979 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ xác định quá trình hợp tác triển khai dự án, Vinafood 2 đã bốn lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Doanh nghiệp này đã không lập phương án xử lý 4 cơ sở nhà đất theo Quyết định 09/2007 về sắp xếp đất công thuộc sở hữu nhà nước trình cấp thẩm quyền và Thủ tướng quyết định. Vinafood 2 tự ý hợp tác Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhiều lần có văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty Việt Hân Sài Gòn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tổng công ty không chấp hành.
Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chấp thuận triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 4 lô đất nhằm khắc phục thua lỗ trong kinh doanh.
Vinafood 2 cũng bị cáo buộc cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng khi không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời 34 hộ dân sống tại các cơ sở nhà đất 33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng xác định Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng tại 4 lô đất trên để thế chấp ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng trái luật.
Cụ thể, Vinafood 2 dùng giấy chứng nhận quyền vay 518 tỷ đồng từ ngân hàng trả nợ cho các công ty con. Công ty Việt Hân Sài Gòn sau khi mua lại 4 cơ sở nhà đất đã lập dự án khống có tên The Goldmark Preminum Tower trên những khu đất vay ngân hàng hơn 6.300 tỷ đồng.
Từ các sai phạm nghiêm trọng nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý và khắc phục hậu quả. Việc này để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 4 khu đất rộng gần 6.300 m2 để quản lý, khai thác, sử dụng đúng pháp luật.
Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện các khoản vay liên quan 4 khu đất, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm…
Sáng 14/1, một lãnh đạo Vinafood 2 cho biết tổng công ty chưa nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ nên không có ý kiến những nội dung thanh tra.
Vinafood 2 thành lập năm 1995. Năm 2011, Vinafood 2 chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH MTV (100% vốn nhà nước) và chuyển thành công ty cổ phần (nhà nước chiếm hơn 51% vốn) năm 2018. Tổng công ty có 12 công ty con và 11 công ty liên kết.
Lợi thế có nhiều đơn vị ở Đồng bằng sông Cửu Long, Vinafood 2 luôn nằm trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động kinh doanh của tổng công ty được đánh giá không hiệu quả. Theo báo cáo tài chính, kết thúc quý 2/2020 Vinafood 2 lỗ hơn 160 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế gần 2.200 tỷ đồng.
Tháng 9 năm ngoái, nhiều lãnh đạo của Vinafood 2 bị TAND TP HCM xét xử liên quan sai phạm tại Công ty lương thực Trà Vinh (công ty con của Vinafood 2), gây thiệt hại 132 tỷ đồng.
Trung Sơn