+
Aa
-
like
comment

Cố vấn CDC Mỹ: Mở cửa TP.HCM có thể thành công nếu thực hiện cẩn trọng

10/09/2021 10:18

Các chuyên gia thừa nhận khó có thể kéo dài việc giãn cách xã hội, nhưng quá trình mở cửa phải cực kỳ cẩn trọng và từng bước.

“TP.HCM nên mở cửa dần trở lại, chậm nhưng phải chắc thay vì cứ mãi giãn cách nghiêm ngặt trong bối cảnh không thể quét sạch F0”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói trong buổi làm việc với UBND quận 7 ngày 5/9.

So với các tỉnh thành khác ở Việt Nam, TP.HCM là nơi có tình hình tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại, khi hầu hết dân số đã được tiêm chủng (ít nhất là 1 mũi), và số người được miễn dịch sau khi bình phục cũng cao sau khi có hàng trăm nghìn ca nhiễm.

Quận 7 và huyện Củ Chi – hai nơi công bố hết dịch ở TP.HCM – sẽ là những khu vực đầu tiên thử nghiệm cuộc sống hậu đại dịch khi được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phương án triển khai để cho phép người dân đi chợ 1 tuần/lần và báo cáo về thành phố trước 11/9.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Dale Fisher – chuyên gia bệnh truyền nhiễm và cố vấn cấp cao của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore – đồng ý rằng phong tỏa hay giãn cách không phải là giải pháp bền vững.

TP.HCM lên phương án quản lý người dân trong bình thường mới bằng công nghệ.

Tuy nhiên, ông cho rằng TP.HCM vẫn cần phải hạn chế người dân di chuyển càng nhiều càng tốt.

“Cố gắng làm giãn việc di chuyển. Các biện pháp nới lỏng giãn cách nên được áp dụng theo từng cấp độ từ hộ gia đình, quận, huyện, cho đến thành phố”, ông nói.

Singapore, nơi ông Fisher làm việc, cũng đang trong quá trình tái mở cửa với 81% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng kế hoạch của họ bị nới giãn ra khi số ca nhiễm đang tăng nhanh trong một tuần qua (450 ca trong ngày 9/9, gấp 2,5 lần con số của tuần trước). Chính phủ Singapore ngày 8/9 không loại trừ khả năng họ phải “đi lùi lại” trong kế hoạch mở cửa và tái áp đặt một số biện pháp hạn chế.

Từ kinh nghiệm mở cửa kinh tế ở Mỹ, tiến sĩ William Schaffner – giám đốc y khoa của Quỹ Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ – cũng tin rằng “việc mở cửa có thể thành công nếu được thực hiện cẩn trọng”.

Thách thức của việc mở cửa một phần

Nhận xét với phóng viên về khả năng mở cửa lại thành phố theo từng quận, huyện, tiến sĩ Schaffner nói đó là một “thách thức”.

Hệ thống logistic và vận hành ở TP.HCM có liên kết với nhau giữa các đơn vị hành chính, nên nếu đóng cửa một số quận, huyện, trong khi mở cửa các quận, huyện khác, người dân vẫn khó có thể hoạt động được bình thường.

“Các nhà chức trách sẽ phải cố gắng nghĩ đến mọi vấn đề có thể phát sinh, đặc biệt và việc di chuyển của người dân và việc vận chuyển hàng hóa (chẳng hạn như thực phẩm và thuốc men) từ khu vực này sang khu vực khác”, ông nói.

Hiện tại, TP.HCM đã cho mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn. Trên toàn thành phố, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, thiết bị dụng cụ học tập… được hoạt động theo hình thức bán hàng mang đi.

Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên được mở lại (9/9), nhiều hàng quán vẫn chưa thể mở do khó khăn về nguyên liệu, nhân lực và chưa được hướng dẫn cụ thể quy định hoạt động lại.

abc anh 2
Tiến sĩ William Schaffner, cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Ở phạm vi vùng, nhận định về việc có nên tiếp tục hạn chế đi lại giữa TP.HCM và các địa phương khác hay không, tiến sĩ Schaffner tin rằng để quyết định được vấn đề này, cần phải xem xét về các nguồn lực ở những tỉnh, thành khác, đặc biệt là các vùng nông thôn, trong bối cảnh hầu hết dân số trưởng thành ở TP.HCM đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, còn các tỉnh thành thì chưa.

“TP.HCM vẫn chiếm nhiều ca nhiễm nhất và đây là điều bình thường: đô thị thường là vùng đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng từ Covid-19 và dần lan rộng các vùng thưa dân hơn. Dữ liệu hiện tại cho thấy rằng những hạn chế đi lại hiện tại đang bảo vệ các vùng nông thôn – nơi tỷ lệ nhiễm Covid-19 vẫn còn thấp”, ông nói.

“Vì vậy, có một vấn đề quan trọng cần xem xét: các nguồn lực xét nghiệm Covid-19 ở nông thôn có đảm bảo hay không. Nếu không, có thể tình hình đang nghiêm trọng hơn số xét nghiệm thực hiện được”, ông cho biết.

Đồng quan điểm, giáo sư Fisher cho rằng vẫn cần duy trì hạn chế ở mức độ cần thiết. “Mọi hoạt động di chuyển ồ ạt sẽ chỉ làm tăng khả năng lây lan”, ông nhận định.

Giảm thiểu rủi ro cho người lao động

Chuyên gia của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho rằng khi thành phố bước vào giai đoạn cho phép một số nhóm ngành kinh tế hoạt động trở lại, các địa điểm nguy cơ cao nhất là những nơi người dân “phải tháo khẩu trang ra trong một khoảng thời gian, ví dụ tại nhà hàng, quán bar, phòng tập thể hình hay tiệm làm tóc”.

“Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cực kỳ cẩn trọng trong khoảng thời gian nghỉ ăn trưa, tại nơi phục vụ đồ uống, nơi hút thuốc, để tránh xuất hiện ổ dịch tại nơi làm việc”, ông Fisher khuyến cáo.

Chuyên gia này nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là “cực kỳ quan trọng trong khi chờ đợi vaccine”.

abc anh 3
Giáo sư Dale Fisher – chuyên gia bệnh truyền nhiễm và cố vấn cấp cao của khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore. Ảnh: ABC.

Cố vấn của CDC Mỹ có cùng quan điểm, đồng thời bổ sung thêm một số gợi ý cho các ngành khác. Ông khẳng định muốn mở cửa lại nền kinh tế, điều quan trọng là phải giảm thiểu rủi ro cho người lao động bằng nhiều biện pháp khác, bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Mỹ, ông nói: “Ở Mỹ, nhiều công ty đã thiết kế lại nơi làm việc của họ nhằm ngăn cách người lao động, đặt tấm chắn giữa các bàn hoặc chỗ làm việc, bắt buộc người lao động đeo khẩu trang, cải thiện hệ thống thông gió và mở các lớp giáo dục về Covid-19”.

Trả lời câu hỏi liệu người được tiêm đủ hai mũi vaccine có nên được xếp vào nhóm đầu tiên được phép đi làm trở lại hay không, giáo sư Fisher cho rằng điều này còn phụ thuộc vào những lao động đó thuộc nhóm ngành nào, có thiết yếu hay không và doanh nghiệp của họ có đảm bảo an toàn phòng dịch hay không.

“Tại Singapore, những người được tiêm phòng đầy đủ có nhiều đặc quyền hơn, ví dụ như được tụ tập đông người ở đám cưới hay buổi hòa nhạc…”, ông Fisher nói.

Từ kinh nghiệm phòng chống Covid-19 ở Singapore, chuyên gia này cho rằng Việt Nam nên lưu ý công tác thông tin và tiếp xúc với người dân, vì đây là vấn đề quan trọng trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh.

“Công chúng cần hiểu những gì đang xảy ra, tại sao lại như vậy và chính quyền mong đợi gì ở họ. Chính phủ cũng cần hiểu tâm lý và mối quan tâm của công chúng để đảm bảo thông tin đúng trọng tâm. Thông tin cần được truyền tải từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều phương thức đa dạng. Chúng cần phải chính xác, phù hợp với bối cảnh, kịp thời và có tính phổ quát”, ông Fisher nói.

Hồng Ngọc 

Bài mới
Đọc nhiều