Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ mang thông điệp gì?
Trong chuyến đi này, ông Robert O’Brien đã có cuộc gặp với các quan chức an ninh Việt Nam vào ngày 21/11 và phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Quốc gia ngày 22/11.
Theo trang Twitter của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, ông Robert đến Việt Nam và Philippines để “tái khẳng định sự phát triển quan hệ song phương và thảo luận về hợp tác an ninh khu vực”.
Tại phiên họp cấp cao ASEAN trực tuyến diễn ra ngày 14/11, ông O’Brien đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam trong việc “thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN”, trước “thách thức chưa từng có” từ dịch Covid-19. Ông cho rằng các đối tác ASEAN của Mỹ đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì chuỗi cung ứng đồ bảo hộ, thiết bị y tế, góp phần vào chống đại dịch.
Còn nhớ năm 2019, ông Robert O’Brien đã thay mặt cho tổng thống dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok tháng 11/2019. Trước đó 29 và 30/10, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã đến Hà Nội. Trọng tâm chuyến đi là thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở của Mỹ, bên cạnh củng cố quan hệ song phương giữa Washington với mỗi nước.
Như vậy, trong vòng một tháng qua, ông O’Brien là quan chức cấp cao thứ hai của chính quyền Trump đến thăm Việt Nam.
Ông Robert O’Brien được cho là người có lập trường cứng rắn chống Trung Quốc.
Phát biểu trong một cuộc thảo luận trực tuyến với Paula Dobrianky, phó Chủ tịch Trung tâm Scowcroft về Chiến lược và An ninh của Hội đồng Đại Tây Dương vào tháng 8, 2020 ông O’Brien nói rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông – nơi Việt Nam, Indonesia, Philippines và các nước Đông Nam Á khác tuyên bố một phần chủ quyền – đã bị “tất cả các nước lớn, tất cả các nước có biển bác bỏ”.
Ông cũng nói Hoa Kỳ “quyết không lùi bước” trước các hành động “ngày càng quyết đoán và hiếu chiến của Trung quốc” để giữ vững nguyên tắc về lâu nay về quyền tự do đi lại trên biển và trên không phận Biển Đông.
Ông Robert O’Brien từng nói: Tuyên bố chủ quyền của TQ ở biển Đông là “lố bịch”.
Nhiều tài khoản đánh giá cao ông Cố vấn an ninh Tổng thống Mỹ vì ông có lập trường cứng rắn với Trung quốc.
Mỹ cũng không phải không có lý do để can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. Đó là vì biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, đến Châu Âu –Trung Đông,… Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua biển Đông. Đây cũng là eo biển có lượng tàu thuyền đi qua nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sau eo biển Homuz (Cộng hòa Iran). Tuyến đường vận tải quốc tế qua biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên.
Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước Châu Á. Giá trị hàng hóa đi qua vùng biển Đông khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%. Đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua biển Đông.
Về ông Robert O’Brien, được biết ông được đào tạo từ ngành Luật (để trở thành luật sư). Tuy nhiên ông ại có thiên hướng trong ngành ngoại giao. Ông từng làm việc dưới cả chính quyền Cộng hòa lẫn Dân chủ. Ông được chọn thay cho ông John Bolton vào chức cố vấn an ninh quốc gia từ tháng Chín năm ngoái, sau khi ông Bolton bất hòa trầm trọng với Tổng thống Trump. Ông O’Brien có các quan điểm giống với Tổng thống Trump trong một số vấn đề, như chỉ trích Liên Hiệp Quốc và phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và đặc biệt là đối với Trung quốc.
Bảo Huỳnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả