+
Aa
-
like
comment

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ bị sa thải: Nước cờ mạo hiểm của Tổng thống Trump?

Ngọc Hoàng - 12/09/2019 09:11

Có thể nói, quyết định sa thải Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton được coi là nước cờ mạo hiểm của ông Trump nhằm đem tới cơ hội cải thiện quan hệ song phương với các nước, từ đó giúp ông giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo trên trang twitter cá nhân về việc sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. “Sự phục vụ của Bolton đã không còn cần thiết ở Nhà Trắng. Tôi không đồng thuận mạnh mẽ với nhiều lời khuyên của ông ấy, và những người khác trong đội ngũ chính quyền cũng vậy”, ông Trump viết, đồng thời cho biết thêm ông sẽ đề xuất ứng viên thay thế ông Bolton trong tuần này.

Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán, một số ứng cử viên tiềm tàng nằm trong “tầm ngắm” của ông Trump bao gồm Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, Đặc phái viên Mỹ tại Iran Brian Hook và ông Robert Blair – một trợ lý của quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Về phần mình, ông Bolton cho biết chính ông mới là người chủ động đệ đơn từ chức.

Có thể nói, quyết định để ông John Bolton, vị cố vấn thứ 3 trong thời kỳ Tổng thống Trump cầm quyền ra đi là điều khó tránh trước những bất đồng giữa hai bên về hàng loạt vấn đề trong chính sách đối ngoại. Trong thời gian đương chức,ông John Bolton đã thúc ép Tổng thống không gây áp lực lên Triều Tiên bất chấp những nỗ lực ngoại giao, đồng thời được xem là một “kiến trúc sư trưởng” của chiến lược chống Iran trong chính quyền Trump.

Ngoài ra, ông Bolton cũng đã lập luận chống lại những gợi ý của chính ông Trump về cuộc gặp với lãnh đạo Iran và ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Nga; gần đây hơn là Afghanistan.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) trong cuộc họp với Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Thượng đỉnh Mỹ-Iran tới gần?

Bất đồng quan điểm lớn nhất giữa vị cố vấn An ninh quốc gia và Tổng thống Mỹ là về Iran. Ông Bolton ủng hộ hoàn toàn từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và muốn gây sức ép tối đa đối với các nhà lãnh đạo Iran. Cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Bolton hồi đầu năm nay đã thuyết phục Tổng thống Trump duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria để đối phó với Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.

Tờ Bloomberg nhận định, Tổng thống Trump cũng ủng hộ lập trường gây sức ép tối đa, nhưng thời gian trở lại đây, ông đã tính đến việc dùng biện pháp ngoại giao với Iran. Tại Hội nghị G7 ở Pháp vào tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã cắt giảm các điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Iran từ 12 yêu cầu còn 3 yêu cầu. Song song với việc để ngỏ cánh cửa đàm phán, ông Trump đã suy nghĩ về ý tưởng này một cách cởi mở và thường xuyên hơn.

Triển vọng về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã được đưa ra trong cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin vào ngày 10-9. “Tổng thống đã thể hiện rõ quan điểm và chuẩn bị sẵn sàng để gặp ông Rouhani mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”, ông Pompeo trả lời khi được hỏi khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York sau cuộc họp Đại hội đồng cuối tháng 9 này.

Cho tới thời điểm hiện tại, phía Iran vẫn chưa đồng ý với việc xúc tiến bất cứ cuộc gặp nào. Ngoại trưởng Iran Zarif cho biết, Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước khi diễn ra sự kiện như vậy. Cần phải nhắc lại rằng ông Rouhani đã đề nghị đối thoại với cựu Tổng thống Barack Obama – người luôn theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với Iran trong suốt nhiệm kỳ của mình, thông qua một cuộc điện đàm ngắn gọn.

Tuy nhiên, sự ra đi của ông John Bolton có thể mở đường cho mong muốn của Tổng thống Trump về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Iran. Nhiều ý kiến cho rằng Ngoại trưởng Iran Zarif đã biến ông Bolton thành tâm điểm trong chiến dịch tuyên truyền của mình. Ông Zarif đổ lỗi cho ông Bolton chứ không phải Tổng thống Trump vì những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia nói rằng điều này thật phi lý khi bắt ông Bolton – người phục vụ Tổng thống Mỹ chưa đầy 18 tháng phải chịu trách nhiệm về căng thẳng giữa Mỹ-Iran, vốn đã xảy ra trong 40 năm qua. Vấn đề là Mỹ nên làm gì trước tình trạng chiến sự này, tờ Bloomberg nhận định.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran ngày 10-9 đã ca ngợi Tổng thống Trump: “Chúng tôi chúc mừng Tổng thống Donald Trump vì đã đưa ra quyết định tốt nhất trong nhiệm kỳ của mình. Đây là việc duy nhất giúp làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới, thảm khốc ở Trung Đông”.

Nước cờ mạo hiểm

Việc sa thải ông John Bolton có thể nói là bước đi mạo hiểm nhưng mang tính sống còn mà Tổng thống Trump thực hiện khi thời gian từ đây tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 không còn nhiều, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ dành cho ông suy giảm.

Bên cạnh việc giành lại niềm tin của người dân thông qua kết quả thương chiến Mỹ-Trung, những “điểm sáng” trong cải thiện quan hệ với các nước, cụ thể là Iran, Afghanistan, Nga và Triều Tiên cũng là điều mà ông Trump muốn đạt được. Đây là những thứ thường được ông Bolton đề cập trong giải pháp, nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn.

Sau sự kiện ông Bolton bị sa thải, những cơ hội về khả năng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới giữa Nga và Mỹ (sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021) được ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga đưa ra, hay việc các hoạt động ngoại giao giữa Mỹ – Triều sẽ trở nên thuận tiện hơn đều được dự đoán tới.

Ông Leif-Eric Easley, Phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha nhận định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể biến sự thay đổi nhân sự này ở Washington thành chiến thắng trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và điều này làm gia tăng khả năng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tái khởi động.

Ngọc Hoàng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều