+
Aa
-
like
comment

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với sự kiện Fulro năm 2001

15/08/2020 11:38

Sự kiện Fulro thổ phỉ tổ chức bạo loạn đòi thành lập nhà nước Đề Ga tự trị, tại Tây Nguyên, năm 2001, do đại tá Fulro Ksor-Kơr chỉ huy với sự hậu thuẫn rầm rộ của một số lực lượng vũ trang từ nước ngoài. Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đối phó với lực lượng vũ trang từ bên ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020)

Nhận định từ trên cho biết, địch sẽ tổ chức tập kích, xâm nhập bằng đường không, đường bộ. Quân đoàn 3 lệnh cho Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 làm đơn vị chủ lực, nòng cốt tổ chức tác chiến, truy quét tàn dư Fulro thổ phỉ, bảo vệ nhân dân, cơ quan đầu não chiến dịch và chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mồng Hai Tết, toàn Sư đoàn báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị chiến đấu nhận vũ khí (100% mới toanh, cơ số đạn dược không hạn chế), trang thiết bị, di chuyển đến các trận địa bí mật tạm thời, sẵn sàng chiến đấu.

Ngay ngày sau, Sư đoàn thông tin, đích thân Thượng tướng – Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến kiểm tra và chỉ đạo công tác tác chiến của Sư đoàn. Mặc dù mưa gió, Thượng tướng vẫn đi thị sát từng trận địa cùng với BCH Sư đoàn, gồm Đại tá Nguyễn Thế Tân, Đại tá Nguyễn Tiên Phong, Đại tá Khuất Duy Hoan.

Đêm ngày sau khi Thượng tướng thị sát xong, Sư đoàn hạ mệnh lệnh tác chiến đến từng đơn vị. Đơn vị tôi nhận mệnh lệnh (còn các đơn vị khác ở hướng/mũi khác không biết nhận như thế nào): Quan sát phát hiện mục tiêu, máy bay địch. Nếu máy bay quân sự, bắn ngay không cần báo cáo, chờ lệnh cấp trên. Nếu máy bay dân sự (trong tình huống bị bắt cóc, uy hiếp có dân thường làm con tin), báo cáo chờ lệnh và theo dõi sát. Và hàng loạt vấn đề, câu hỏi, tình huống của cánh lính ngoài trận địa chúng tôi được giải đáp triệt để ngay, để dễ bề thực hiện nhiệm vụ.

Thí dụ, hỏi: Tình huống tốp/toán địch trà trộn/giả dạng/lùa theo nhân dân tấn công trận địa, có được phép nổ súng không? Hay trường hợp không xác định được địch với dân thường mà vẫn cố tình xâm nhập trận địa, không chấp hành mệnh lệnh đơn vị, có được phép nổ súng không?…

Riêng với cánh lính tráng chúng tôi, sự xuất hiện của Thượng tướng – Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu giúp cho tư tưởng tuyệt đối an tâm, khí chất tăng lên bội phần. Lúc này, chúng tôi mới lờ mờ biết đến và hiểu được cảm xúc “hân hoan đường ra trận” của các bậc tiền bối thời chiến. Vì ban đầu, chúng tôi nghĩ sự việc không tới mức “kinh động” đến Tung ương.

Thượng tướng không tận mắt thấy chúng tôi ở đâu (do đều ở trong hầm hào, công sự dưới lòng đất, nguỵ trang kín kẽ), cũng không gọi đơn vị nào lên trình diện, còn chúng tôi thấy Thượng tướng cùng BCH Quân đoàn, Sư đoàn.

Phú Tuệ

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều