Có tin tưởng thì dân mới nộp lại tiền cho cán bộ thôn!
Gần đây dư luận xôn xao vụ việc một trưởng thôn Ngọa Cương (xã Cảnh Hóa) thu lại tiền của người dân sau khi nhận tiền hỗ trợ của ca sĩ Thuỷ Tiên. Sau khi nghe được thông tin nhiều người đã vội vã chửi mắng, xúc phạm trưởng thôn thậm chí nhiều kẻ phản động còn lợi dụng mượn cớ chửi bới chính quyền. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận một cách thấu đáo vấn đề.
Cụ thể, thôn Ngọa Cương xã Cảnh Hoá huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 69/150 hộ được hỗ trợ. Sau khi các hộ dân nhận tiền về, ban cán sự thôn đã thu lại toàn bộ 414 triệu đồng để cuối đợt thôn sẽ họp bàn với người dân bình xét, cân đối và phân chia lại, trong đó ưu tiên cho những gia đình bị thiệt hại nặng. Thiết nghĩ đây không phải là hành động tham nhũng gì mà ngược lại ngược lại là hành động nhân văn. Có thể về lý thì sai nhưng về tình thì trưởng thông không hề sai, đừng vội trách ông trưởng thôn, mà nên ca ngợi ông ấy, vì ông ấy đã nghĩ cho người khác, nghĩ cho cộng đồng chung.
Thực tế, câu chuyện này chính mà minh chứng rõ ràng nhất cho việc làm từ thiện không có tổ chức và thiếu sự liên hệ với chính quyền của một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến chính quyền các cấp… Việc phát tiền từ thiện một cách tự phát như Thủy Tiên sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh mà chắc cô ca sĩ này cũng chưa lường trước được. Đó là sự không công bằng, đó là tình trạng chen lấn xô đẩy, va chạm gây mất an ninh trật tự. Người dân nào khoẻ mạnh nhanh chân chen lấn được thì sẽ may mắn còn người nào già yếu hay không khoẻ mạnh, tàn tật thì sẽ là thiệt thòi.
Và thực sự, trong thôn có 150 hộ bị thiệt hại, nhưng chỉ có 69 hộ được nhận quà, vậy những còn lại sẽ ra sao? Nhiều hộ, nhiều thôn bị ảnh hưởng nặng có thể không tiếp cận được hàng cứu trợ, những nơi gần trục đường hơn, bị ảnh hưởng ít hơn lại nhận được nhiều quà. Đây là một cách làm hay, thể hiện sự công bằng, bảo đảm ai cũng được hỗ trợ một phần khi gặp thiên tai, lũ lụt. “Dân họ tự nộp lại để san sẻ trong làng thôi chứ không ai thu đâu chú ạ, nói thế tội cho cán bộ thôn. Giờ cấp trên yêu cầu thì thôn họ trả lại, nhưng thực sự chúng tôi muốn san sẻ, tình làng nghĩa xóm. Thôn thì ai cũng vất vả, chúng tôi có mà họ không có sao đành”, bà Khanh một người dân trong thôn đã tâm sự.
Trong cùng một thôn nhưng người có, người không, vậy nên việc một số thôn thu hồi lại toàn bộ số tiền để chia đều cho mọi người, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của đa số hộ dân là hợp lý. Trưởng thôn làm vậy cũng chỉ để bảo đảm tính công bằng chứ không hề vụ lợi gì. Hãy thử nghĩ xem khi lũ vừa mới đi qua, rất nhiều gia đình bị thiệt hại nặng phải dọn dẹp lại nhà của, cây vườn, lại ở xa, không thể đến được khu phát đồ từ thiện. Nhiều đoàn về không liên hệ với chính quyền, chỉ về thôn, ai đến kịp thì phát, sau đó họ đi rất nhanh nên đến muộn là họ đi mất. Người khó khăn lại càng khó khăn hơn, trong khi có nhiều người khác được phát tiền từ thiện, thậm chí có trường hợp được phát 4,5 lần.
Theo tìm hiểu không chỉ ở riêng thôn Ngoạ Cương mà có rất nhiều thôn, làng ở Quảng Bình làm thế và điều này được họ thống nhất, thực hiện từ lâu chứ không phải từ khi đoàn từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên đến mới có sự thống nhất này. Dân có tin tưởng thì họ mới quy ước từ lâu cái quy định nộp lại tiền hỗ trợ từ các đoàn từ thiện. Nhiều đoàn cứu trợ về nhưng họ chỉ hỗ trợ vài chục suất quà, trong khi thôn thường từ 150-250 hộ. Vậy nên cách duy nhất để đảm bảo công bằng là bình xét và chia đều cho các hộ bị ảnh hưởng. Việc làm của thôn tuy rất hay, rất tình nghĩa nhưng vô tình đã tạo ra cơ hội cho một số thành phần lợi dụng đả kích, xuyên tạc chửi bới dẫn dắt dư luận. Và với sức ép của truyền thông của dư luận xã hội mà chính quyền cấp tỉnh ,huyện vào cuộc yêu cầu trưởng thôn trả lại tiền. Có phải là cái cớ cho chúng xuyên tạc tốt nhất không?
Lợi dụng sự việc này mà nhiều kẻ phản động đã lợi dụng đánh lận bản chất vấn đề rằng dân bị ép buộc nộp lại tiền để vu cáo, xuyên tạc bôi nhọ chính quyền, do đó chúng ta cần phải thật sự tỉnh táo, xem xét vấn đề thấu đáo để có cái nhìn chân thật nhất đừng để những lời lẽ của những kẻ chống phá dắt mũi.
Hãy xem cách một người trưởng thôn thật thà, chân thành trả lời báo chí: “Cán bộ thôn cũng vất vả lắm, bởi lập danh sách cũng không thể cho toàn thôn được, số quà về tặng dân cũng ở mức nhất định. Người có người không họ lại trách cán bộ thôn, việc tiếp nhận cứu trợ rất phức tạp. Dân tin tưởng cán bộ thôn mới nộp lại tiền, họ nộp vào thì cũng nhận về thôi, giờ như thế này rồi thì cũng trả lại cho bà con thôi. Chúng tôi làm việc cũng vì tập thể chứ không phải tư lợi gì.”. Nếu ai đã từng ở quê thì đều biết, trưởng thôn có vai trò quan trọng như thế nào. Để làm được trưởng thôn, phải là người có uy tín với người dân trong thôn, được mọi người bầu trực tiếp, và thực tế, họ là những người rất vất vả. Lo bao câu chuyện của người dân, trong khi đó, chế độ chính sách cho họ cũng rất hạn chế, chỉ vài trăm nghìn/1 tháng, thử hỏi, nếu không phải là người nhiệt tình, lo lắng công việc chung thì mấy người lại đăng ký làm trưởng thôn.
Tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau nhất là những lúc thiên tai địch họa là di sản văn hóa ngàn đời của nông thôn Việt Nam mà nhiều người ở thành phố không thể hiểu được, các thôn xóm đều có khế ước chặt chẽ, nhất là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai như ở miền Trung. Vì vậy việc thu lại tiền cứu trợ để sau khi lũ rút công khai đánh giá thiệt hại làm sao cho bảo đảm công bằng đã được nhân dân đồng thuận từ trước chứ không phải trưởng thôn quyết định, không có trưởng thôn nào dám tự ý thu tiền của dân, nếu tự ý dân cũng không nộp cho thôn. Chúng ta phải hiểu các quy ước, khế ước của địa phương do dân xây dựng lên thì ta mới hiểu được việc làm của trưởng thôn trong những trường hợp như thế này… Và chính trưởng thôn kia cũng là người được Thủy Tiên tặng tiền và sau đó, đồng ý san sẻ với mọi người.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả