‘Cô tiên’ 26 tuổi ở đời thường
Được mọi người ví như ‘cô tiên’ vì vừa đẹp người vừa đẹp nết khi tạo nên những câu chuyện đầy cảm xúc trong cộng đồng, đó là Nguyễn Đỗ Trúc Phương ở TP.HCM.
Hai câu chuyện cảm động
Những ngày này, mạng xã hội liên tục chia sẻ hai câu chuyện đầy cảm động. Một là về người đàn ông lái xe ôm ở H.Bình Chánh, TP.HCM. Vì quá nghèo nên ông ăn bánh mì tình thương qua bữa. Có khi đói quá, tay chân run rẩy. Xe ông chạy đã cũ nên cũng ít khách. Sau đó, ông được dân mạng giúp đỡ hàng chục triệu đồng, được mua xe mới, điện thoại mới, được dắt đi mua sắm nhiều vật dụng mà cả đời ông chưa từng mua được.
Có lẽ vì tôi thích làm chuyện bao đồng. Thích được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên khi biết trường hợp của anh Tâm, chú Hải, tôi đã nhủ lòng phải giúp cho bằng được
Câu chuyện thứ hai là chuyện anh Tâm (ở Tây Ninh) ôm con rắn hổ mang chúa vào viện cấp cứu. Hai vợ chồng anh Tâm đều làm thuê làm mướn nuôi hai con ăn học. Sắp đến mùa tựu trường mà anh Tâm bị tai nạn gãy chân không đi làm được đã nhiều tháng nay nên mới liều bắt rắn độc để bán đóng học phí cho con. Trong cơn thập tử nhất sinh, kiệt quệ, tưởng chừng lâm vào bế tắc thì anh Tâm được giúp đỡ cả trăm triệu đồng, có tiền để lo viện phí…
Và người chia sẻ hai câu chuyện xúc động ấy trên mạng xã hội, chính là Trúc Phương.
Phương nhớ lại một đêm giữa tháng 8, Phương lướt mạng và vô tình thấy câu chuyện của chú Hải. “Vậy là tôi viết status xin phép được quyên góp để hỗ trợ mua cho chú chiếc xe. Thật bất ngờ chỉ sau một đêm, nhiều người có lòng tốt đã chuyển tiền hỗ trợ. Tôi đã dắt chú ấy đi mua xe, đăng ký biển số, mua điện thoại và dẫn chú đi siêu thị để mua những đồ dùng cần thiết. Chú vui vô cùng”, Phương kể.
“Chuyện anh Tâm cũng thế. Tôi đọc được thông tin và tôi tự nhủ phải làm gì đó để giúp hoàn cảnh thương tâm của anh ấy. Tôi lại viết bài đăng lên Facebook kêu gọi đóng góp trên trang cá nhân để giúp đỡ anh. May mắn sao, chỉ sau một ngày, tôi đã vận động được hơn 100 triệu đồng. Sau 3 ngày đã có hơn 190 triệu đồng, một phần nào đó đã giúp anh Tâm có tiền trang trải viện phí”, Phương tiếp lời.
Chú Hải – người đàn ông chạy xe ôm kể trên – tâm sự: “Tôi cảm ơn cô Phương rất nhiều. Tôi không nghĩ có một ngày tôi được cô ấy giúp đỡ nhiều đến vậy. Nhờ cô ấy mà tôi đã có cuộc sống tốt hơn. Tôi có xe mới, điện thoại mới để tiếp tục mưu sinh kiếm sống. Tôi có khoản tiền để mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu cho gia đình”.
Còn chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh Tâm) thì chia sẻ: “Nếu không có cô Phương, gia đình tôi không có tiền để đóng viện phí, sẽ không có tiền để trang trải những ngày qua. Và có lẽ sức khỏe chồng tôi sẽ trở nặng hơn. Tôi chịu ơn cô gái ấy rất nhiều. Mấy ngày nay, cô ấy chạy đôn chạy đáo để giúp đỡ tôi, lo cho anh Tâm. Không có cô ấy, tôi cũng chẳng biết sao”.
Thích… lo chuyện “bao đồng”
Từ khi bắt đầu giúp chú Hải đến nay, mỗi ngày Phương chỉ ngủ được 2 – 3 tiếng đồng hồ. Mọi công việc thường ngày, nhất là quản lý khách sạn, Phương đều phải dừng lại. Lý do là Phương bận bịu để cập nhật những thông tin, tình hình mới nhất của anh Tâm, chú Hải; kiểm tra và công khai những khoản tiền mà mọi người gửi đến; trả lời tin nhắn mọi người hỏi thăm về anh Tâm, chú Hải… Những ngày sức khỏe anh Tâm chuyển biến khó lường, Phương túc trực ở Bệnh viện Chợ Rẫy, phụ giúp chị Tuổi lo thủ tục, đóng viện phí…
“Có lẽ vì tôi thích làm chuyện bao đồng. Thích được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thế nên khi biết trường hợp của anh Tâm, chú Hải, tôi đã nhủ lòng phải giúp cho bằng được”, Phương tâm sự.
Thật ra, tính đến nay, sau gần chục năm làm chuyện “bao đồng”, Phương đã giúp được vô số hoàn cảnh khó khăn. Phương trải lòng: “Khi đã biết một hoàn cảnh khốn khó nào đó, bằng cách này hoặc bằng cách khác, có thể tự trích tiền cá nhân, hay rủ rê bạn bè hùn hạp, hoặc kêu gọi mọi người chung tay… chỉ để có những khoản tiền giúp đỡ những mảnh đời cơ cực vượt qua được thời khắc khó khăn”.
Phương nói thêm: “Rất cảm ơn cộng đồng mạng khi đã có sự đồng cảm, sự tin tưởng để chung tay với tôi, cùng quyên góp để tôi có thể giúp đỡ chú Hải, anh Tâm. Nếu sau này, có những hoàn cảnh tương tự, hy vọng những nghĩa cử cao đẹp ấy lại hiển hiện. Đó cũng là cách để những mảnh đời khốn khó ngày càng ít đi hơn”.
Lê Thanh/ TNO