+
Aa
-
like
comment

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu “tiên tri” về ông Tập và Trung Quốc

03/12/2021 09:15

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã có những tiên đoán rất chuẩn xác về Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc.

Cuốn sách “Ông già nhìn ra thế giới” của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được xuất bản vào tháng 8/2013, hai năm trước khi ông qua đời và gần một năm sau khi ông Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có những đánh giá sắc bén về Trung Quốc và ông Tập.

Trong sách, Lý Quang Diệu có đề cập đến những ấn tượng về lần đầu gặp mặt Tập Cận Bình, lúc đó là Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11/2007.

Lời tiên đoán về Trung Quốc và ông Tập Cận Bình

Theo tiết lộ của Lý Quang Diệu, ông vốn đề nghị gặp một người khác, nhưng phía Trung Quốc đã sắp xếp cho ông gặp Tập Cận Bình với lý do ông Tập ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên. Đó là lần đầu tiên Tập Cận Bình gặp mặt một lãnh đạo nước ngoài sau khi được bổ nhiệm vào Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Đây là động thái rõ ràng để ám chỉ với thế giới rằng ông Tập sẽ tiếp quản vị trí của ông Hồ Cẩm Đào – Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó.

Lý Quang Diệu bắt tay Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào tháng 11/2007. Ảnh: Tân Hoa xã

Ấn tượng đầu tiên của Lý Quang Diệu về Tập Cận Bình là một người cực kỳ phóng khoáng, cũng không hề hẹp hòi. Ông Tập suy nghĩ thấu đáo về nhiều vấn đề và không muốn khoe khoang sự hiểu biết của mình. Ông Tập thiếu sự thân thiện của Giang Trạch Dân (cựu Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc) và cũng không kiểu cách như Hồ Cẩm Đào, nhưng có vẻ trang trọng. Lý Quang Diệu cho rằng Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela là cùng một kiểu người.

Lý Quang Diệu đánh giá, Tập Cận Bình “là một lãnh đạo rất có khả năng. Ông ấy đã trải qua nhiều vấn đề. Cha ông ấy đã bị đưa về nông thôn. Ông ấy cũng thế, bị gửi về nông thôn, và đã lặng lẽ tiến lên, thăng tiến tại tỉnh Phúc Kiến. Rồi khi bí thư đảng ủy Thượng Hải bị phát hiện tham nhũng, người ta đã chuyển ông Tập từ Phúc Kiến đến Thượng Hải. Ở Thượng Hải, ông ấy được công nhận và được chuyển tới Bắc Kinh. Những chuyện này là ngẫu nhiên, nhưng nó cho thấy ông ấy có sức chịu đựng rất tốt để có thể vượt qua khó khăn”.

Ngày 15/11/2012, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 đã tiến hành phiên họp đầu tiên sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 và quyết định bầu Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Ngày 14/3/2013, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Tập Cận Bình đã được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong cuốn sách năm 2013, Lý Quang Diệu nhận định, rất khó đoán về việc Tập Cận Bình sẽ áp dụng những chính sách gì và ông sẽ tìm kiếm di sản chính trị nào cho bản thân.

Ông chỉ ra rằng, “với những thách thức trong nước, Trung Quốc đang ở trong giai đoạn quan trọng, và Tập Cận Bình sẽ tập trung giải quyết những vấn đề này. Nhìn rộng ra, điều này còn phụ thuộc vào những sự việc bất thường bên ngoài cần phải giải quyết trước mắt. Trong trường hợp xảy ra bất trắc, kế hoạch trên sẽ bị ảnh hưởng”.

“Nhưng tôi tin rằng ông ấy sẽ không bị bất ngờ, và có những cách ứng phó phù hợp. Tập Cận Bình có ảnh hưởng rất lớn. Tôi tin rằng ông ấy có thể lãnh đạo tốt ĐCSTQ. Từng là quân nhân nên ông ấy cũng rất có uy tín trong quân đội”, Lý Quang Diệu viết.

Đây cũng có thể coi như lời tiên tri của Lý Quang Diệu về Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như về Trung Quốc, và phần lớn trong số đó đã trở thành hiện thực.

“Đả hổ, diệt ruồi” là tâm điểm

Kể từ khi trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, ông Tập đã ráo riết thúc đẩy hàng loạt nghị trình trong nước, bao gồm cam kết bảo vệ quyền lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện cải cách kinh tế và trấn áp tham nhũng – một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận Trung Quốc lúc bấy giờ. Ông đã sử dụng cụm từ “Giấc mơ Trung Hoa” để truyền cảm hứng cho người dân.

Về mặt văn hóa – xã hội, từ sau khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kiểm duyệt chặt chẽ mọi nội dung được cho là sẽ gây tác động xấu, làm băng hoại văn hóa truyền thống và đạo đức của đất nước.

Sách giáo khoa sử dụng trong các trường học Trung Quốc đã được sửa đổi để đưa Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới vào chương trình học, sau khi tư tưởng này được chính thức hóa trong Điều lệ đảng tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào tháng 10/2017. Đây được coi là một phần “nhiệm vụ lịch sử” của ngành giáo dục Trung Quốc trong thập niên 2020.

Một trong những cải cách đột phá nhất của Tập Cận Bình là cải tổ quân đội bằng cách thay đổi nhân sự Quân ủy Trung ương Trung Quốc; thay đổi lãnh đạo các chiến khu và các quân binh chủng; đồng thời tổ chức lại quân đội Trung Quốc theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi lễ thăng quân hàm cấp tướng cho 5 sĩ quan quân đội cấp cao vào tháng 9/2021. Ảnh: CGTN

Chủ tịch Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” ngay sau khi nắm quyền. Đây là được coi là tâm điểm trong sự nghiệp chính trị của ông. Theo thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), trong 5 năm, từ 2012 tới 2017, khoảng 1,34 triệu quan chức cấp thấp đã bị trừng phạt, khoảng 200 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên bị bắt giữ trong nỗ lực chống tham nhũng của Tập Cận Bình.

Trong Nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ mới được thông qua ngày 8-11/11/2021 tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19, tám cựu quan chức cấp cao “ngã ngựa” trong gần 10 năm qua đã bị chỉ đích danh như điển hình về tham nhũng, trong đó có các cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên trung ương ĐCSTQ cũng các cựu tướng lĩnh cấp cao của quân đội Trung Quốc như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Phòng Phong Huy và Trương Dương.

Trung Quốc cũng phối hợp với các nước khác để truy bắt nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trong chiến dịch “Lưới trời”. Tính đến tháng 8/2017, Trung Quốc đã bắt được 3.339 nghi phạm lẩn trốn tại hơn 90 nước và khu vực, trong đó 628 người là cựu quan chức.

Về mặt kinh tế, trong năm nay 2021, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện và bắt đầu hướng tới các mục tiêu thế kỷ mà ông Tập Cận Bình đã vạch ra tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19, “đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc bước trên con đường mới để đạt được mục tiêu đấu tranh trong “kỷ nguyên 100 năm thứ hai”.

Nghị quyết lịch sử thứ ba của ĐCSTQ cũng xác lập địa vị của Tập Cận Bình sánh ngang với các lãnh đạo tiền bối Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Thách thức bên ngoài tấn công Trung Quốc

Đúng như nhận định của ông Lý Quang Diệu, những thách thức từ bên ngoài đối với Trung Quốc đã gia tăng dưới thời ông Tập và làm ảnh hướng đáng kể đến hướng đi của Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này đang đóng vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế, từ việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy toàn cầu hóa tới việc sử dụng quyền lực mềm.

Sáng kiến “Vành đai và con đường” đã được Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 9 và tháng 10/2013 nhân chuyến thăm Kazakhstan và Indonesia. Đây là sáng kiến bao gồm nhiều dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, và châu Mĩ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của diễn đàn “Vành đai và con đường” vào tháng 5/2017 có đại diện đến từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ dành khoảng 124 tỷ USD cho các dự án. Cũng trong năm 2017, sáng kiến này đã được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ, nhằm nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của sáng kiến này.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và kế hoạch “Made in China 2025” – nỗ lực nhằm giúp Trung Quốc chiếm thế áp đảo trong các ngành công nghiệp tiên tiến – đều bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích và coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung do Donald Trump phát động vào năm 2018 nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi nước này đang mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, thách thức vị thế siêu cường hàng đầu của Mỹ. Theo các nhà quan sát, đây được coi như một mặt trận quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc trong thế kỷ 21.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung Quốc diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào ngày 15/11/2021. Ảnh: Gzeromedia

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện công cuộc Cải cách và mở cửa vào tháng 12/2018, ông Tập từng nhấn mạnh rằng, “không ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì”.

Sau khi Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ dưới thời Trump, ông Tập cũng kêu gọi Trung Quốc “tự lực”, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của AidData – phòng nghiên cứu thuộc Đại học William và Mary ở Mỹ, sáng kiến thế kỷ “Vành đai và con đường” của ông Tập đang phải đối mặt những thách thức lớn ở nước ngoài. Các dự án trị giá 11,58 tỷ USD ở Malaysia đã bị hủy bỏ trong giai đoạn 2013-2021, trong khi con số này tại Kazakhstan là gần 1,5 tỷ USD và Bolivia là hơn 1 tỷ USD. Làn sóng chỉ trích khiến các nước tham gia dự án khó có thể duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng đang phải chịu sức ép lớn đến từ nhiều cáo buộc bất lợi của Mỹ và phương Tây, từ việc “đổ lỗi cho COVID-19” đến những nỗ lực của Mỹ nhằm thành lập liên minh chống Trung Quốc về các chính sách của nước này ở Tân Cương và Hồng Kông, cũng như những hành động của Mỹ và phương Tây ủng hộ Đài Loan và vấn đề Biển Đông.

Theo tờ New York Times, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng về việc tạo lập “một liên minh các nền dân chủ” để đối phó thách thức đến từ Trung Quốc, ông Tập cũng tìm kiếm các quan hệ đối tác cho riêng mình, nổi bật là với Nga và các nước đang phát triển, nhằm phản bác lại cái mà ông cho là thói “đạo đức giả phương Tây”.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, trong cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 31/5/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải “kết bạn, đoàn kết, thu phục đa số và không ngừng mở rộng tình hữu nghị khi có thể”, “tạo ra một môi trường dư luận bên ngoài thuận lợi” và tăng cường truyền thông trong tình hình mới, để tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển ổn định của Trung Quốc, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại.

Khai Tâm

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều