Có thể xử kịch khung việc ông Quyết ‘bán chui’ cổ phiếu
Hành động bán ‘chui’ gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết cần phải được xử lý nghiêm khắc để lấy lại tính minh bạch cho thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC – bán gần 75 triệu cổ phiếu sai quy định, chiều 12/1, trả lời PV, ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính – cho biết việc này Bộ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý nhanh và kịp thời, đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường.
“Về việc xử phạt ông Trịnh Văn Quyết, thẩm quyền xử lý thuộc về Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sẽ ra quyết định xử lý. Bộ Tài chính đã chỉ đạo xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc này có thể sẽ xử lý ở mức cao nhất, kịch khung” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Trong khi đó, sáng 12/1, thông tin với PV, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện cơ quan này đang xem xét để đưa ra mức xử phạt đối với hành vi bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin của ông Trịnh Văn Quyết. “Khi có quyết định cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin sau”, vị này nói.
Hôm qua (11/1), Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 19/QD-UBCK về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC, HoSE).
Theo đó, thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa đối với tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết kể từ ngày 11/1/2022 cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) có quyết định thay thế.
Nguyên nhân hủy giao dịch do ông Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch.
SSC yêu cầu các công ty chứng khoán nơi có tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết có trách nhiệm phong tỏa chứng khoán trên các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết kể từ ngày 11/1/2022, dừng toàn bộ giao dịch chứng khoán trên tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết cũng từ thời điểm này.
Cũng trong hôm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo hủy giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết “bán chui” cổ phiếu, năm 2017, ông Quyết cũng từng thực hiện hành vi tương tự nhưng chỉ bị phạt 65 triệu đồng. Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc “bán chui” cổ phiếu của Chủ tịch FLC đã tác động sâu rộng, để lại hậu quả nghiêm trọng vì làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc làm này còn ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung.
Hiện các tổ chức/cá nhân mua bán “chui” cổ phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 128/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 quy định nếu giá trị giao dịch “chui” theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đến dưới 10 tỉ đồng thì bị phạt 5-250 triệu đồng. Trường hợp giá trị giao dịch theo mệnh giá từ 10 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế.
Trong trường hợp này, ông Trịnh Văn Quyết vào ngày 10/1 đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, giả sử khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu (chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng), thì ông Quyết có thể thu về khoảng 1.580 tỉ đồng. Tuy nhiên mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỉ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung 3-5%, ông Quyết chỉ bị phạt 22,4-37,4 tỉ đồng.
“So với lợi nhuận đem lại thì mức xử phạt hiện nay không đủ sức răn đe và phòng ngừa chung”, ông Bình khẳng định.
“Chúng ta không thể để sai phạm xảy ra rồi cơ quan chức năng mới đi theo xử phạt. Trong tương lai, hệ thống sẽ không cho phép những người bị hạn chế giao dịch được tự do giao dịch bình thường. Như vậy những sai phạm bán chui cổ phiếu sẽ được giải quyết căn bản, không phát sinh. Do đó, về mặt luật, chúng ta phải tăng nặng mức xử phạt hành chính cũng như hình sự để có tác dụng răn đe. Với ông Trịnh Văn Quyết, hành vi này của ông Quyết là tái phạm nên không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính được. Thậm chí, có thể xem xét tính chất là lũng đoạn thị trường chứng khoán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư lẫn thị trường tài chính. Vì vậy có thể các cơ quan chức năng cũng nên xem xét truy tố về tội hình sự”, ông Bình nói.
Theo báo cáo của Tập đoàn FLC gửi SSC và HoSE, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC để cơ cấu tài sản. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10 – 17/1. Trước giao dịch, ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Hiện FLC có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy, riêng lượng giao dịch trong phiên 10/1 lên tới 19% tổng lường cổ phiếu của công ty. Không những vậy, thanh khoản FLC còn chiếm tới gần 10% thanh khoản sàn HoSE.
Ngọc Hoa