+
Aa
-
like
comment

Có thể buộc FED tạm ngừng tăng lãi suất?

Huy Hoàng - 15/03/2023 16:00

Mặc dù được đánh giá là không quá nghiêm trọng so với sự kiện vào năm 2008. Nhưng cú sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ sẽ gây ra hậu quả không nhỏ đối với nền kinh tế. Tác động ấy có thể đủ lớn để khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cân nhắc tạm ngưng việc tăng lãi suất.

Trụ sở chính của ngân hàng SVB đóng cửa ngày 10/3/2023 tại Santa Clara, California.

Vì sao một ngân hàng lớn như SVB lại sụp đổ quá nhanh?

SVB là tên viết tắt của Silicon Valley Bank, một ngân hàng có các khách hàng chủ yếu là các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như các start-up công nghệ và chăm sóc sức khoẻ. Năm 2021, các khách hàng là statup công nghệ kiếm được nhiều tiền nhờ thị trường bùng nổ, từ đó lượng tiền gửi vào SVB tăng đột biến, với dạng tiền gửi ngắn hạn. Khiến SVB từ đầu năm 2020 chỉ có 60 tỷ đô nhưng đến đầu năm 2022 đã lên đến 190 tỷ đô, trở thành ngân hàng lớn thứ 16 tại nước Mỹ. Vấn đề là ngân hàng SVB sau đó đã dùng tiền gửi của khách hàng đầu tư vào trái phiếu, với kỳ hạn dài. Đây chính là nguyên nhân khiến SVB phá sản khi ngân hàng này đã “bốc ngắn cắn dài” và quên rằng tiền gửi vào ngân hàng là tiền gửi ngắn hạn và khách hàng có thể rút bất cứ lúc nào.

Cuối năm 2022-2023, khi FED ngày càng cứng rắn với lãi suất, các khách hàng là doanh nghiệp của SVB do bị ảnh hưởng nên đã đến ngân hàng để rút tiền trang trải hoạt động. SVB sau đó buộc phải bán trái phiếu đi để trả tiền gửi lại cho khách hàng.

Tuy nhiên, số trái phiếu SVB đang nắm giữ đang rơi vào tình cảnh lỗ nặng. Do giá trái phiếu và lãi suất thị trường có mối quan hệ nghịch chiều nhau. Lãi suất càng cao, giá trái phiếu càng giảm. Thế nên 190 tỷ đô giá trị trái phiếu mà SVB đã đầu tư theo đó mà bốc hơi gần 2 tỷ đô. Ngày 8/3 vừa qua, SVB lên kế hoạch huy động 2.25 tỷ đô để bù lỗ nhưng thất bại. Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ) toàn bộ chi nhánh của SVB bị đóng cửa sau khi khách hàng đến rút tới 42 tỷ USD khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Như vậy một ngân hàng có lịch sử hoạt động 40 năm đã sụp đổ chỉ trong 14 giờ.

Tác động ngắn hạn

Do khách hàng của SVB chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp, thế nên tác động sẽ lan đến túi tiền của rất nhiều người lao động Mỹ. Theo thông báo của FDIC (Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ), tổ chức có nhiệm vụ thanh lý tài sản của ngân hàng SVB để trả lại cho khách hàng, trong đó có cả người gửi tiền và chủ nợ, thì trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền gửi đã gửi tại ngân hàng, chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB không có bảo hiểm và cơ quan này chưa biết tính sao với số tiền khổng lồ đó. Do đó, nhiều lo ngại cho rằng, các công ty gửi tiền ở SVB mà không có bảo hiểm sẽ không thể sớm nhận lại tiền, điều đó khiến họ không thể trả lương trong tháng này, thế nên sẽ kích hoạt làn sóng đóng cửa và sa thải nhân công trên diện rộng trong lĩnh vực công nghệ, gây suy giảm nghiêm trọng thị trường lao động quốc gia này.

Sự kiện SVB cho thấy chính sách tiền tệ của FED đang bắt đầu phát huy tác dụng. Khi việc tăng lãi suất quá nhanh, quá mạnh đã đẩy kinh tế Mỹ đến bờ vực suy thoái thậm chí có thể là khủng hoảng. Thế nên để tránh châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính, và giữ cho nền kinh tế có thể hạ cánh mềm, FED sẽ có thể cân nhắc việc ngừng tăng lãi suất để đánh giá các tác động.

Hàng tỷ đô tiền gửi của các doanh nghiệp Mỹ đang kẹt trong ngân hàng SVB.

Tác động dài hạn

Mặc dù SVB chỉ là một ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ, nổi lên nhờ sự bùng nổ của thị trường công nghệ, thế nên tác động có thể lớn nhưng không quá đáng sợ như những năm 2007-2008. Nhưng sự kiện vừa qua đã cho thấy ngành ngân hàng ở Mỹ dễ bị tổn thương đến mức nào và nếu FED không tạm ngưng tăng lãi suất, thị trường chắc chắn sẽ lo ngại một hoặc nhiều SVB khác tiếp theo. Từ đó hiện tượng “bank run” tức rút tiền gửi ồ ạt tại các ngân hàng Mỹ sẽ diễn ra và đe dọa đến an toàn hệ thống tín dụng tại Mỹ. Chính lo ngại này càng là động lực để FED cân nhắc tạm ngừng tăng lãi suất.

Hiện nay cũng đã có dấu hiệu cho thấy việc này sẽ diễn ra. Vì vào ngày 13/3, FED sẽ tổ chức cuộc họp riêng khẩn cấp của Hội đồng Thống đốc Hệ thống Dự trữ Liên bang để đánh giá và xác định lãi suất ứng trước và chiết khấu lãi suất do Ngân hàng Dự trữ Liên bang quy định. Tỷ lệ chiết khấu là lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang tính cho các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay ngắn hạn từ 24 giờ trở xuống. Việc này giúp các ngân hàng vay tiền từ FED để ngăn ngừa các vấn đề về thanh khoản hoặc để trang trải các khoản thiếu hụt. Các khoản vay đến từ một trong 12 ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực. Điều này cho thấy FED đang bắt đầu có động thái nhẹ tay với lãi suất để đảm bảo tính an toàn hệ thống tín dụng.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều