+
Aa
-
like
comment

Có thể biến chủng Omicron đã lây lan ra cộng đồng ở Việt Nam

22/02/2022 15:45

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định biến chủng Omicron nhiều khả năng đã có, thậm chí lây lan rộng, trong cộng đồng Việt Nam.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam đang ghi nhận tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 rất nhanh. Trung bình tuần qua, toàn quốc phát hiện tới khoảng 40.000 ca nhiễm nCoV mỗi ngày.

Thực tế này khiến nhiều ý kiến cho rằng biến chủng Omicron đã xuất hiện phổ biến trong cộng đồng. Thực tế, đến nay, Bộ Y tế mới xác định 205 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 biến chủng Omicron. Trong số này, chủ yếu vẫn là các ca nhập cảnh từ nước ngoài.

Biến chủng Omicron có thể đã lây lan ra cộng đồng ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

F0 nhiễm Omicron có thể nhiều hơn số lượng công bố

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhận định biến chủng Omicron nhiều khả năng đã có, thậm chí lây lan rộng, trong cộng đồng Việt Nam.

Bác sĩ này lý giải: “Qua thực tế điều trị và quan sát tình hình dịch trong thời gian qua, tôi nhận thấy có 3 điểm đáng lưu ý. Đây đều là các đặc điểm tiêu biểu của biến chủng Omicron đang xuất hiện nhiều trên thế giới”.

Đầu tiên, tốc độ lây lan SARS-CoV-2 trong cộng đồng thời gian qua rất cao. Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã tăng từ mức 8.000 lên tới 40.000 trường hợp mỗi ngày chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (từ 2/2 đến 22/2).

Đây là điều chưa từng xảy ra ở tất cả làn sóng dịch Covid-19 trước đó tại Việt Nam, gồm cả thời gian khốc liệt nhất như TP.HCM hồi tháng 8.

giai trinh tu gene tim bien chung omicron anh 1
Nhiều người dân tham dự các lễ hội sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 tạo điều kiện để SARS-CoV-2 lây lan rộng.  

Thứ hai, bác sĩ Phúc nhận thấy số người tái nhiễm SARS-CoV-2 đang xuất hiện khá nhiều trong cộng đồng. Theo ông, các F0 sau khi khỏi bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến chủng mới.

Vị chuyên gia lấy ví dụ một trường hợp từng nhiễm biến chủng Alpha và khỏi bệnh, sau đó có thể tiếp tục nhiễm biến chủng Delta. Điều tương tự cũng xảy ra với Omicron.

Liên quan vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 với biến chủng Omicron của người từng nhiễm biến chủng Delta cao hơn nhóm từng nhiễm Alpha.

Yếu tố cuối cùng khiến bác sĩ Phúc cho rằng Omicron đang xuất hiện phổ biến trong cộng đồng Việt Nam là việc số lượng trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng nhiều.

Theo các nghiên cứu trên thế giới, biến chủng Omicron dường như lây lan ở trẻ em nhiều hơn so với các chủng ban đầu.

Các báo cáo từ Nam Phi, nơi lần đầu tiên xác định được biến chủng này, cũng cho thấy tỷ lệ nhập viện của trẻ em bị nhiễm Omicron cao hơn so với các đợt trước. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn với Omicron.

Việt Nam bắt đầu giải trình tự gene F0 trong cộng đồng

Sáng 22/2, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), cho biết theo yêu cầu của Cục Y tế Dự phòng, viện hiện chỉ giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ những ca nhập cảnh.

“Với các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chúng tôi cũng vừa bắt đầu triển khai giải trình tự gene những mẫu này theo chỉ đạo mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng. Trong thời gian tới, các địa phương cũng sẽ được yêu cầu gửi mẫu bệnh phẩm hàng ngày về NIHE”, vị lãnh đạo thông tin.

giai trinh tu gene tim bien chung omicron anh 2
Kỹ thuật viên làm việc trong phòng Xét nghiệm Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.  

Mới đây, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) lấy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên các F0 tại địa phương này để giải trình tự gene, xác định biến chủng.

“Người nhiễm Omicron đa số triệu chứng nhẹ, do đó, dùng phương pháp giải trình tự gene mới xác định được biến chủng này có đang xuất hiện tại cộng đồng hay không. Chúng tôi cho lấy mẫu tại các bệnh viện, cả ca bệnh diễn biến nặng lẫn nhẹ, trường học để giải mã gene xem có bao nhiêu phần trăm, tôi nghĩ có thể sẽ tăng dần theo tỷ lệ”, vị này nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc giải mã trình tự gene để giám sát sự lưu hành của biến chủng Omicron trong giai đoạn này là quan trọng.

“Mặc dù biến chủng này được thế giới cho rằng có mức độ gây bệnh nhẹ, nhưng với khả năng lây lan nhanh hơn so với Delta, chúng ta vẫn nên thận trọng và giám sát động học của dịch. Với Omicron, chúng ta sẽ có những khuyến cáo đầy đủ, rõ ràng hơn”, ông nói.

PGS Dũng lý giải nếu xác định được sự lưu hành của biến chủng Omicron, chúng ta có thể hiểu được sự gia tăng số ca nhiễm và chuẩn bị trong tình huống số ca nhiễm tăng cao hơn.

Ông cũng khuyến cáo trong thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tiêm đủ liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 nhiều nhất có thể.

Nguyên nhân là với biến chủng Delta, việc tiêm đủ liều cơ bản của vaccine phòng Covid-19 có thể yên tâm. Tuy nhiên, với Omicron, mũi 2 hầu như chỉ còn hiệu lực khoảng 10-20%.

“Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa thể tự tin là rất cao được. Bởi theo thống kê của chúng tôi, vẫn còn khoảng 600.000 người ở các địa phương, bao gồm người lớn và trẻ từ 12 tuổi, chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine”, ông nói thêm và cho rằng trong khi Omicron vẫn còn khiến thế giới lo ngại, Việt Nam chưa thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Quốc Anh 

Bài mới
Đọc nhiều