Cơ sở dầu khí của Saudi Arabia bị tấn công: Trung Đông lại dậy sóng
Vụ tấn công đã một lần nữa khiến Trung Đông “dậy sóng”. Mỹ và các đồng minh Arab vùng Vịnh ngay lập tức cáo buộc Iran đứng đằng sau.
Sau liên tiếp 3 vụ tấn công bằng máy bay không người lái chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng qua nhằm vào các cơ sở hạ tầng của quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu này, Thái tử Mohammad bin Salman khẳng định, Saudi Arabia có ý chí, cũng như khả năng đối phó và đáp trả vụ tấn công khủng bố này. Thái tử Mohammad bin Salman ngay ngày 14/9 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vụ tấn công đã khiến nước này buộc phải tạm dừng sản xuất tại 2 cơ sở dầu mỏ bị ảnh hưởng, vốn chiếm tới khoảng 50% tổng sản lượng của Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên quốc gia Aramco. Những cơ sở này trung bình sản xuất 5,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức khoảng 5% sản lượng dầu thô toàn cầu.
Trước đó cùng ngày, lực lượng nổi dậy người Houthi tại Yemen thừa nhận thực hiện vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào 2 nhà máy của Aramco ở thành phố Abqaia và Khurais. Đây là một trong những chiến dịch quy mô lớn nhất của lực lượng này khi huy động tới 10 máy bay không người lái. Đại diện Houthi cảnh báo các cuộc tấn công sẽ khiến tình hình tại Saudi Arabia tồi tệ hơn và Riyadh phải chấm dứt cuộc can thiệp quân sự vào Yemen. Chính quyền Saudi Arabia đã mở một cuộc điều tra, đồng thời tăng cường an ninh tại hai cơ sở dầu mỏ bị tấn công.
Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức lên án mạnh mẽ, cho rằng, những hành vi bạo lực nhằm vào dân thường và những cơ sở hạ tầng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ làm trầm trọng hơn những cuộc xung đột và gia tăng các mối hiềm khích.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí còn chỉ đích danh Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào nguồn cung năng lượng toàn cầu này: “Iran đang gây bất ổn cho toàn bộ khu vực khi hỗ trợ phiến quân Huthi ở Yemen, tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, cũng như hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bachar Al Assad”.
Nhiều nước Arab vùng Vịnh và Ai Cập cũng lên án vụ tấn công. Trong một thông cáo, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffiths cho rằng, sự leo thang căng thẳng mới nhất này là cực kỳ đáng lo ngại, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tránh những bước đi có thể gây nguy ngại tới tiến trình đàm phán mà Liên hợp quốc đang thúc đẩy.
Theo các chuyên gia, những vụ tấn công của nhóm nổi dậy người Houthi cho thấy, lực lượng này có trong tay những loại vũ khí tối tân và là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Saudi Arabia, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của nước này.
Hồi tháng trước, Houthi thừa nhận thực hiện một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hóa dầu của Aramco tại Shaybah, gần biên giới với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nhưng không gây thương vong. Nhóm này cũng đã tấn công 2 trạm bơm dầu của đường ống dẫn dầu quan trọng tại Saudi Arabia, khiến 2 trạm này phải dừng hoạt động trong nhiều ngày.
Những vụ tấn công như thế này đang đổ thêm dầu vào những căng thẳng ngày một nghiêm trọng tại vùng Vịnh, sau các vụ tấn công và những hành vi phá hoại nhằm vào các tàu chở dầu hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, mà Mỹ và Saudi Arabia đều quy trách nhiệm cho Iran, bất chấp sự bác bỏ mạnh mẽ của nước này. Đỉnh điểm là vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ mới đây do xâm phạm không phạn Iran đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện. Tổng thống Donald Trump thậm chí khi đó còn định tiến hành các cuộc không kích đáp trả, song sau đó đã hủy vào phút chót.
(Theo Thu Hoài/VOV)