+
Aa
-
like
comment

Việt Nam chống tham nhũng có thua chống dịch?

Hải Anh - 03/03/2021 10:25

Những thành tích mà Việt Nam đã đạt được trong chống dịch Covid-19 là điều không thể phủ nhận. Nó là minh chứng rõ ràng cho sự quyết liệt của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho toàn thể công dân. Tuy nhiên, những kẻ cơ hội, chống phá lại tiến hành lập luận theo kiểu “dây cà ra dây muống”, “chuyện nọ xọ chuyện kia”, bắt đầu từ chuyện phòng, chống Covid-19 để hướng lái, xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Luận điệu và hình ảnh phản cảm của các phần tử "Việt Nam Thời Báo".
Luận điệu và hình ảnh phản cảm của các phần tử “Việt Nam Thời Báo”.

Hiện nay, các phần tử cơ hội chính trị đang tích cực lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội để hình thành các “chiến trường” chống phá Đảng, Nhà nước về mặt thông tin. Có thể nói, không gian mạng đã trở thành một “chiến địa” để các “nhà dân chủ”, “nhà bình loạn” tha hồ múa bút, tung ra các thông tin, luận điệu lệch lạc và độc hại nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội Việt Nam. Gần đây, “Việt Nam Thời Báo” lại rêu rao luận điệu “Từ chống “giặc Covid” nghĩ về chống giặc nội xâm” với nội dung chứa đựng không ít thông tin lệch lạc, sai trái.

Luận điệu xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng

Mở đầu bài viết đậm “phong cách” phá hoại, các đối tượng đưa ra câu hỏi: “Tại sao Việt Nam lại không thể phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả như trong chống dịch và luôn bị quốc tế xếp hạng cao về ‘thành tích’ tham nhũng?”. Từ đây, bằng các chiêu trò “đánh tráo khái niệm” nhiều luận điệu tiêu cực, vu khống liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng đã được đưa ra.

Một cách hết sức trắng trợn, các đối tượng vừa phủ nhận những thành tựu, nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiến hành xuyên tạc thực tiễn, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Bất chấp thực tế là công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, được người dân rất hoan nghênh, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, các “nhà bình loạn” vẫn cố tình không nhìn thẳng vào sự thật, sẵn sàng bẻ cong thực tế. Những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng đang được rêu rao có thể kể đến như “Sự hữu hiệu của bộ máy chuyên chế toàn trị trong việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào việc phòng chống dịch Covid-19 đã mang đến kết quả hiển nhiên khi Việt Nam được quốc tế ca ngợi là một trong số ít những nước trên thế giới có thành tích kiểm soát ngăn chặn được sự bùng phát của đại dịch. Thế nhưng cũng bộ máy chuyên chế toàn trị ấy, tại sao Việt Nam lại không thể phòng chống tham nhũng một cách hiệu quả như trong chống dịch và luôn bị quốc tế xếp hạng cao về “thành tích” tham nhũng?”, “Nếu Đảng, Nhà nước thực tâm xem cán bộ tham nhũng là lũ ‘giặc’ và quyết liệt dẹp trừ như trong chống dịch Covid, thì chỉ qua vài năm thôi Việt Nam ắt hẳn sẽ được quốc tế ngợi ca thành tích chống tham nhũng chẳng khác gì ngợi ca thành tích chống dịch hiện nay”.

Không thể phủ nhận quyết tâm và kết quả thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng

Trước hết, chỉ có thể gọi những giọng điệu vu khống Đảng, Nhà nước không “thực tâm” đấu tranh chống tham nhũng bằng hai chữ: hồ đồ. Thời gian qua, đặc biệt là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2013 đến nay, Đảng, Nhà nước đã vô cùng quyết liệt, mạnh tay trong công tác đấu tranh chống loại “giặc nội xâm” này.

Về mặt chủ trương, Đảng xác định đấu tranh chống tham nhũng nghiêm minh, quyết liệt, đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử lý đến đó, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”. Về mặt thực tế, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ và 22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, có nhiều vụ án liên quan đến quan chức cấp cao, thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận như vụ án Đinh La Thăng và Tập đoàn PVN; vụ án Trịnh Xuân Thanh và Tổng Công ty PVC, PVP Land; Vụ án đánh bạc của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, vụ án Nguyễn Văn Dương tại Phú Thọ…

Thứ hai, về luận điệu cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam “không hiệu quả”, cần thấy rằng các đối tượng tham nhũng, phạm pháp trong các vụ án lớn đã bị xử lý một cách nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. Đi liền với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng được nâng cao,  bình quân giai đoạn 2013 – 2020 đạt 32,04%. Đồng thời, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” về chống tham nhũng đã bị đẩy lùi. Những kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, làm vững mạnh hơn khối đại đoàn kết dân tộc.

Phòng, chống tham nhũng là một chiến dịch lớn của Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu đổ lỗi cho thể chế, xuyên tạc quyết tâm, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng là hết sức phi lý, vô căn cứ.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều