+
Aa
-
like
comment

Cớ sao công kích cầu thủ Quang Hải, hoa hậu H’Hen Niê và NSƯT Xuân Bắc?

Hạnh Văn - 07/08/2020 16:29

Ngày 31/7 vừa qua, trong Hội nghị kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, NSƯT Xuân Bắc – Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam – phát biểu trước báo chí: “Chúng tôi thấy được vai trò, vị trí trách nhiệm của mình để tiếp tục làm tốt hơn, cống hiến nhiều hơn. Đồng thời luôn tự hào là một thành phần không thể thiếu trong công tác tuyên giáo của Đảng.” Ngay sau đó, đối tượng Phạm Minh Vũ liền đăng tải bài viết “Từ những tên hề đến con rối chính trị” nhằm bôi nhọ diễn viên Xuân Bắc, và những gương mặt nổi tiếng khác như cầu thủ Quang Hải, hoa hậu H’Hen Niê.

NSƯT Xuân Bắc, cầu thủ Quang Hải, hoa hậu H’Hen Niê – những người bị “ngòi bút máu” của Phạm Minh Vũ bôi nhọ.

Vịn vào câu nói của nghệ sĩ Xuân Bắc, Phạm Minh Vũ công kích các văn nghệ sĩ là những “con rối chính trị”, phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền. Tồi tệ hơn, Phạm Minh Vũ mạnh miệng phát biểu đây là sự việc “tai hại” bởi “lợi ích của nhà cầm quyền luôn đi ngược lại với lợi ích dân tộc”. Chỉ riêng câu nói này của y đã thể hiện một tư tưởng vô cùng lệch lạc và lố bịch. Bởi nếu theo lập luận đó, tất cả các chính quyền trên thế giới này đều đang đi ngược lại nhân dân của mình, tất cả những chính phủ, từ Hoa Kỳ cho đến Anh, Pháp, Đức, hay các cường quốc châu Á như Singapore, Malaysia, đều là kẻ thù của dân tộc họ. Thật “trớ trêu” khi những “kẻ thù dân tộc” như lời y đều đã tồn tại hàng trăm năm nay, đã và đang đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Điển hình nhất có thể nói là châm ngôn của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Nước Mỹ trước tiên” (“America First”). Trên thực tế, lịch sử đã cho chúng ta thấy những kẻ đứng đầu chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân sẽ mau chóng sụp đổ, mà minh chứng rõ ràng nhất chính là thể chế Việt Nam Cộng Hòa, khi chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm (1955 – 1975).

Sự ấu trĩ và điên rồ trong luận điệu của Phạm Minh Vũ còn thể hiện trong tư tưởng người của công chúng tham gia đoàn thể là “trò hề” của những “con rối”. Đối với Vũ, một nghệ sĩ như danh hài Xuân Bắc làm Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, đóng góp vào công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng là việc làm trái lương tâm, đạo đức. Con mắt mùa quáng của y cho rằng người nổi tiếng chẳng thể đóng góp to tát, không thể làm gì khác ngoài việc mua vui cho thiên hạ, khiến y không thể nhìn thấy mong muốn trong sáng là phục vụ cho đất nước của những người nổi tiếng, thành đạt trong xã hội, chung quy lại, có thể cũng là do sự ganh ghét từ thất bại của chính bản thân.

Đối với các nghệ sĩ, hoa hậu như H’Hen Niê, hay những cầu thủ như Quang Hải, khi năng lực và phẩm chất đã được xã hội công nhận, khi mồ hôi nước mắt của họ đã được đền đáp bằng danh tiếng và sự yêu mến của người hâm mộ, suy nghĩ đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng tiếng nói của mình sẽ đến một cách vô cùng tự nhiên. Liệu một người của công chúng có sai khi muốn làm những điều lớn lao hơn cho xã hội sau khi đã có gần như tất cả? Nếu như vậy, tại sao diễn viên Ronald Reagan không tiếp tục sự nghiệp diễn xuất, mà lại trở thành Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ? Sau hai nhiệm kỳ Tổng thống của mình, Ronald Reagan phục hồi nền kinh tế vốn điêu đứng dưới thời người tiền nhiệm Jimmy Carter, đưa tỉ lệ lạm phát từ mức báo động 12,5% xuống còn 4,4%, GDP cả nước sau tám năm tăng thêm 3,6%. Liệu có ai có thể nói rằng nghệ sĩ Reagan làm điều sai trái khi dấn thân vào chính trị? Ai dám nói rằng, nhà cầm quyền Reagan đã “đi ngược với lợi ích dân tộc”, như lời của những phần tử cực đoan?

Ronald Reagan, Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ, xuất thân là diễn viên điện ảnh Hollywood.

Bên cạnh Tổng thống Reagan, còn rất nhiều chính khách Mỹ có xuất phát điểm từ màn ảnh, như cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger, hay cố đại biểu bang Tennessee Fred Thompson. Ngay cả với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, bước đệm đưa ông vào con chính trường lại bắt đầu từ chương trình truyền hình thực tế “Người Học Việc” (“The Apprentice”), nơi ông làm chủ nhiệm kiêm người dẫn chương trình.

Tổng thống Donald Trump nổi tiếng từ chương trình truyền hình “The Apprentice”.

Điều đó cho thấy, nơi người nổi tiếng thuộc về không chỉ có sân khấu hay màn ảnh. Thực tế, sức ảnh hưởng rộng rãi của họ chính là cầu nối gần gũi nhất giữa người dân, người khán giả, với những đầu tàu của đất nước. Ở bất kỳ quốc gia nào, các cơ quan công luận, các đảng phái chính trị và cả các nguyên thủ, đều đề cao tiếng nói và sức ảnh hưởng từ các văn nghệ sĩ, những người đang phản ánh một cách chính xác nhất về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Thông qua họ, những thông điệp tốt đẹp, quan trọng, cho dân và vì dân, có thể đến được với quảng đại quần chúng. Ngành Tuyên giáo Việt Nam, vì vậy cũng không thể là ngoại lệ. Với vai trò tuyên truyền, thông tin cho nhân dân hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, giàu mạnh, ngành Tuyên giáo luôn đề cao sự cống hiến của những cá nhân, tổ chức hoạt động nghệ thuật, và thông qua họ truyền đạt những thông điệp ý nghĩa đến nhân dân Việt Nam. Dấu mốc 90 năm lịch sử là minh chứng cho tầm quan trọng của ngành Tuyên giáo tại nước ta, mà thành quả gần đây nhất, chính là công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phòng tránh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới. Kết quả đó, nếu không có sự chung tay của những người nổi tiếng, những ca sĩ, diễn viên tên tuổi, những mạnh thường quân đầy nhiệt huyết, sẽ không bao giờ đạt được. Khi người nổi tiếng bị gạt ra bên lề các hoạt động tuyên truyền và giáo dục, đó mới lúc họ trở thành “trò hề” của đất nước.

Những kẻ tung hê luận điệu “con rối chính trị” cho “nhà cầm quyền đi ngược lợi ích dân tộc”, chỉ đang thể diện tư duy ấu trĩ và dấu ấn thù hằn cá nhân. Dùng những luận điệu xuyên tạc để bôi nhọ vai trò của cơ quan Tuyên giáo và các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhìn nhận cho đúng, chỉ là sự cay cú vì khối u nhọt về nhận thức ăn sâu trong đầu.

HẠNH VĂN

Bài mới
Đọc nhiều