+
Aa
-
like
comment

Cơ quan ‘gác gôn’ nhân sự của Chính phủ không có chuyện gửi gắm

07/01/2020 06:15

Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ với PV về những áp lực của ngành qua 1 năm bộn bề, khi cùng lúc phải sửa đổi 4 luật quan trọng liên quan đến hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2018, 2019 là tập trung nguồn lực để hoàn thiện thể chế, trình QH sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đúng tiến độ, chất lượng.

Trong đó, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực xây dựng 2 luật để sửa 4 luật (Công chức, Viên chức; luật Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương).

Cơ quan ‘gác gôn’ nhân sự của Chính phủ không có chuyện gửi gắm
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Chúng tôi chịu sức ép rất lớn về thời gian

“Chúng tôi chịu sức ép rất lớn về thời gian. Trong khi đó rất nhiều nội dung phức tạp cần có ý kiến của các cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động”, Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.

Ông dẫn chứng chủ trương tách bạch đội ngũ viên chức với cán bộ, công chức, vấn đề thực hiện hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày luật có hiệu lực…

“Đây là những nội dung tác động hết sức sâu rộng đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá nhân cụ thể. Vì vậy cần phải phân tích rất thấu đáo những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để báo cáo tập thể Chính phủ và báo cáo đầy đủ với các ĐBQH”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Các nội dung đều đã được cân nhắc và lựa chọn thấu đáo trên nguyên tắc nâng cao chất lượng đội ngũ đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

“Tôi rất mừng là các nội dung đưa ra biểu quyết đạt được đồng thuận và được QH tán thành với tỉ lệ phiếu rất cao”, Bộ trưởng Nội vụ bày tỏ.

Thực sự công tâm

Để luật đi vào cuộc sống, trong năm 2020, Bộ sẽ hướng dẫn, triển khai thực hiện như thế nào?

Đồng thời với các quy định sửa đổi lần này, Bộ Nội vụ đã báo cáo và được Thủ tướng nhất trí cho phép sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức cũng như một số quy định về tổ chức bộ máy.

Trong đó, Bộ sẽ tập trung các nội dung về đổi mới phương thức tuyển dụng, công tác đánh giá cán bộ, phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Đây là những nội dung đòi hỏi chi tiết, cụ thể, hết sức phức tạp mà không thể quy định trong luật. Bộ Nội vụ đặt mục tiêu trình Chính phủ đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và thời gian có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật.

Đồng thời, Bộ cũng đang trình Chính phủ xem xét ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24 và 37 năm 2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016 quy định số lượng phó chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Song song với đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thực sự công tâm, tận tâm, tận lực trên tinh thần phục vụ người dân, DN, nỗ lực cho công việc chung.

Nội vụ là ngành được xem là khá nhạy cảm vì động chạm trực tiếp đến con người, Bộ trưởng có hay gặp phải những tình huống khó xử như tình trạng gửi gắm, nhờ vả? Bộ trưởng xử lý những tình huống này như thế nào?

Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Hiến pháp cũng đã ghi rõ Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Bộ Nội vụ là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phê duyệt nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.

Đối với nội dung này, Bộ Nội vụ ý thức tuyệt đối việc chấp hành các chủ trương, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tham mưu đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

Và như vậy thì không có chuyện “gửi gắm”, không có chuyện “quyền lợi” hay “sợ mất quyền lợi”. Việc càng khó thì càng phải bảo đảm đúng quy trình.

Còn quy trình đó có thể có những thiếu sót, vướng mắc, chưa hoàn chỉnh cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung. Chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và bản thân việc sửa đổi, bổ sung các đạo luật lần này cũng nhằm mục đích như vậy.

Đã là công chức, không được quyền anh, quyền tôi

Một trong những việc đáng ghi nhận trong năm qua là Bộ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là cắt bớt quyền cũng là cắt đi lợi ích của công chức của Bộ. Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này, ông có gặp phải áp lực từ chính trong nội bộ?

Chủ trương phân cấp, phân quyền là chủ trương lớn của Đảng. Phân cấp, phân quyền không chỉ trong lĩnh vực về cán bộ, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nội dung phân cấp, phân quyền rất rộng và đang được các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ.

Đã là cán bộ, công chức hưởng lương của Nhà nước, từ nguồn thu thuế của nhân dân thì làm việc không được đặt chuyện quyền anh, quyền tôi, không đặt vấn đề là cắt quyền hay cắt lợi ích.

Vấn đề là phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình. Còn việc bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lại là câu chuyện khác.

Có thể trong quá trình thực hiện cũng có ý kiến về tính hiệu lực, hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cũng đang từng bước hoàn thiện, làm sao bảo đảm phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của cấp được phân cấp, phân quyền nhưng đồng thời cũng bảo đảm đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường hướng dẫn, trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Phân cấp, phân quyền là để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương chứ không có nghĩa là buông lỏng quản lý của các cơ quan TƯ.

Thu Hằng/VNN

Bài mới
Đọc nhiều