+
Aa
-
like
comment

Có phải TP.HCM đang “nuôi” cả nước?

Trần Anh - 15/04/2021 16:33

Gần đây, xung quanh câu chuyện ngân sách Nhà nước, vấn đề thu chi tại TP.HCM lại một lần nữa gây tranh cãi. Trong đó, có không ít quan điểm cho rằng TP.HCM đang phải “gánh” cho các tỉnh, thành khác, thậm chí có người còn cho rằng “TP.HCM phải nuôi Hà Nội”. Nhưng thực tế thì như thế nào?

TPHCM đóng góp đến 25,48% tổng thu cả nước nhưng tỷ trọng ngân sách được giữ lại chỉ khoảng 18%.
TPHCM đóng góp đến 25,48% tổng thu cả nước nhưng tỷ trọng ngân sách được giữ lại chỉ khoảng 18%.

Một thực tế không thể phủ nhận là thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP.HCM luôn là “top đầu”, chiếm tới 25,48% tổng thu cả nước (số liệu năm 2020), nhưng tỷ trọng ngân sách mà TP.HCM được giữ lại thì luôn ở “top dưới”, chỉ khoảng 18%. Tuy nhiên, cần hiểu rằng khoản thu tại TP.HCM không đồng nghĩa với khoản thu của TP.HCM. Trên thực tế, nguồn thu NSNN tại bất kỳ địa phương nào cũng có 2 loại: thu ngân sách Trung ương và thu ngân sách địa phương. Phần thu ngân sách của địa phương thì địa phương được giữ lại để chi cho phát triển kinh tế, xã hội. Phần thu ngân sách Trung ương thì phải chuyển về để Trung ương chi các khoản mục khác nhau. Và tùy vào đặc điểm kinh tế, địa lý, xã hội, mỗi địa phương sẽ được giữ lại một phần ngân sách Trung ương để chi cho các khoản mục tại địa phương.

Năm 2020, tổng thu ngân sách tại TP.HCM là 371.384 tỷ đồng, trong đó thành phố được hưởng ngân sách theo phân cấp là 65.495 tỷ đồng. Ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương là 84.290 tỷ đồng. Nếu loại trừ khoản thanh toán khối lượng từ nguồn vốn đầu tư của các năm trước chuyển sang là 11.710 tỷ đồng thì tổng chi ngân sách địa phương là 72.579 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp thấp hơn tổng chi đến hơn 7.00 tỷ đồng. Vì thế, Trung ương luôn phải cấp thêm từ nguồn ngân sách Trung ương để bù đắp các khoản chi của thành phố.

Vì TP.HCM là địa phương phát triển nhất cả nước, có tỷ lệ đô thị hóa cao, lại có lợi thế không phải sát nhập nhiều vùng nông thôn, miền núi như tại Hà Nội và các tỉnh, thành khác, nên tỷ lệ được giữ lại trong tổng thu tại địa bàn của TP. HCM thấp hơn. Nhưng không thể vì thế mà “nhận vơ” và lập lờ giữa nguồn thu ngân sách Trung ương tại TP.HCM với nguồn thu của thành phố. Đó vẫn là ngân sách của Trung ương, tùy tình hình kinh tế, Trung ương sẽ cấp ngược lại ngân sách cho địa phương. Đây chính nguồn gốc của con số 18% vẫn hay được nhắc đến khi nói về thu ngân sách tại TP.HCM.

Tất nhiên, nếu các tỉnh, thành khác phát triển mạnh mẽ và đủ sức tự cân đối thu – chi tại địa phương, sẽ đồng nghĩa sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương cũng giảm bớt. Nhờ đó, phân bổ ngân sách Trung ương có thể dành nhiều phần hơn cho các trung tâm kinh tế, hành chính, như TP.HCM, Hà Nội, tạo động lực thúc đẩy tốt hơn các “đầu tàu”, giúp nâng cấp hạ tầng giao thông, môi trường và quy hoạch đô thị.

Để có được điều đó, cần có sự chủ động, vươn lên của từng địa phương, nhưng cũng không thể nói rằng TP.HCM “gồng gánh” hay “nuôi” cả nước.

T.H.

Bài mới
Đọc nhiều