“Có nước không? Cho chị xin mấy chai. Bọn trẻ thèm cơm, các em có vào nữa cho chị xin túi gạo…”
“Thối”, ông Hiếu ngửi nắm lúa ngâm trong nước lũ suốt 5 ngày trời rồi khẳng định. Mùi từ đống thóc ướt bốc lên chua loét. Ông nói: “Lúa này xay gạo, cho heo ăn nó còn chê, người thì đói”.
“Có nước không? Cho chị xin mấy chai. Bọn trẻ thèm cơm, các em có vào nữa cho chị xin túi gạo…”
Bạc mặt sau lũ
3 ngày sau khi đỉnh lũ lịch sử rút, toàn huyện Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình) nhuốm một màu vàng đục, bàng bạc. Con đường liên huyện nối từ xã Cam Thuỷ đi quan thị trấn Kiến Giang, xã An Thuỷ, Lộc Thuỷ, Liên Thuỷ, Thanh Thuỷ… đều bị nhuộm vàng bởi bùn đất mà nước lũ để lại.
Rác ở khắp nơi. Nhiều căn nhà xiêu vẹo, tường đổ, mái tốc. Công an, bộ đội, người dân ra sức dọn dẹp.
Nhà anh Nguyễn Văn Đạo (39 tuổi) ở thôn Phú Thọ, xã An Thuỷ. Những ngày mưa như trút nước, anh Đạo kê tài sản lên cao. Hai tấn lúa của gia đình, tài sản quý giá nhất, vừa mới thu hoạch vào cuối tháng 8 được đưa cao hơn 1,5 mét. Nước lên cuồn cuộn, anh Đạo để lại tài sản cùng căn nhà nhỏ, đưa vợ con đi tránh lũ ở trường mầm non.
Nước vừa rút, anh Đạo lần mò dưới nước trở về nhà. Căn nhà tan hoang, tường sập, rác vương vãi khắp nơi. Hai tấn lúa ướt đẫm vì ngâm nước suốt 4 ngày đã bắt đầu mọc mầm.
“Lúa đã kê cao 1,5 mét mà vẫn ngập thì không biết nói gì nữa. Nhà cửa như này cũng chưa biết để vợ con, cha mẹ mấy ngày tới sống ở đâu”, anh Đạo nói.
Nước rút hết, vợ anh đưa con về nhà. Vẻ mặt thất thần, giọt nước mắt nơi khoé mắt không kịp rơi xuống, chị đã xắn tay áo lên dọn dẹp. Nước không có, gạo không có, bếp cũng không. Một đoàn từ thiện ghé qua trao tặng họ 1 phần quà. có mỳ tôm, lương khô, nước mắm, xúc xích.
“Có nước không cho chị xin mấy chai để mấy đứa nhỏ uống. Bọn trẻ thèm cơm, các em có vào nữa cho chị xin túi gạo”, vợ anh Đạo ngỏ lời.
Chai nước suối 1 lít rưỡi đã mở nắp được 1 tình nguyện viên ngại ngùng trao tay vợ anh Đạo cùng lời hứa sẽ quay lại. Trưa hôm đó, vợ chồng, con cái nhà anh Đạo nhai mỳ tôm. Hai đứa trẻ tỏ ra thích thú với thanh lương khô, còn đôi mắt người lớn thì đầy âu lo dõi ra cánh đồng trước nhà vẫn đang bốn bề bao phủ nước.
Hàng xóm nhà anh Đạo, ông Nguyễn Văn Hiếu bơi ghe về nhà sau mấy ngày đi chạy lũ. Ông Hiếu cùng con trai đá đá chân vào những bao lúa được kê lên cao nhưng đã ướt đẫm.
Họ còng lưng chuyển từng bao lúa ra ngoài. Những bao lúa khô khoảng 40 kg trước lũ giờ nặng gấp nhiều lần vì ngấm nước. Nắng nhẹ, họ vội vàng đổ lúa ra sân hong khô. Vị chua loét bốc lên nồng nặc, lan rộng.
Ông Hiếu bốc một nắm lúa ngâm trong nước lũ suốt 5 ngày trời đưa lên mũi ngửi. “Thối. Lúa này xay gạo, cho heo ăn nó còn chê, người thì đói chắc rồi. Nhà này, làng này chưa biết làm cách gì qua mùa giáp hạt đây”, ông Hiếu lúc khẳng định, lúc than thở. Đôi mắt nhìn lên bầu trời xem màu nắng bàng bạc đang chiếu xuống sau những ngày âm u mưa lũ.
“Nhà mình còn gì đâu”
Hai đứa trẻ con nhà anh Đạo sau buổi trưa với mỳ tôm, lương khô được chỉ ra góc hông nhà chơi để bố mẹ tiếp tục dọn dẹp. Góc sân chơi của chị em nằm mấp mé bên mép nước lũ, ngổn ngang bùn đất, rác rưởi. Hai đứa dẫm lên đống lúa ẩm ướt. Những hạt thóc trở thành đồ chơi của bọn trẻ con. Chán với đống lúa, cô chị mới 7 tuổi rủ cô em vào nhà tìm đồ thứ khác để chơi.
“Nhà mình còn gì đâu mà tìm. Sách vở của chị em mình ba mẹ đem cất hết rồi. Đồ chơi cũng đem cất rồi, không có đâu”, cô em 4 tuổi vô tư trả lời. “Lúc nào đi học lại ba mẹ mới đẹp sách vở, đồ chơi về”, cô chị tiếp.
Anh Đạo nói sách vở, đồ chơi của 2 con bị nước nhấn chìm. Tường nhà sập, nước vào nhà trống rồi sách vở, đồ chơi cũng bị cuốn theo lũ. Tivi, chiếc xe máy bị nước nhấn cũng không biết khi nào mới có thể sửa được.
Hai vợ chồng anh Đạo làm nông với gần 1 mẫu ruộng. Họ hết sức chăm trồng khi đến vụ thu hoạch trừ đi tiền phân, tiền giống, tiền bảo vệ thật vật… thì còn lãi công. Tiền lãi công đủ nuôi 2 đứa con và chi tiêu tằn tiện. Anh Đạo nói làm nông không dư nhưng không lo đói vì có lúa, có gạo.
“Nhà mình bây giờ không còn gì thật. Giờ cần nhất là có tiền để mua vật liệu về sửa nhà cửa để có nơi trú thân an toàn. Rồi tiền mua lại sách vở, mua áo quần giày dép cho các con đi học.
Mong sao ngân hàng ưu tiên cho người vùng lũ vay vốn để chúng tôi vượt qua gia đoạn khó khăn này”, vợ anh Đạo thổ lộ.
Vợ chồng anh Đạo cho biết đợt lụt vừa qua, nhiều đoàn cứu trợ về nên tạm thời có cái ăn. Chính quyền địa phương cũng thông báo phát gạo để nấu cơm. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn đau đầu tính toán cho những tháng tiếp theo, về lâu dài ít nhất là cho đến vụ mùa mới.
“Đầu tháng 12 mới gieo sạ lúa lại, sớm thì đến cuối tháng 2 mới thu hoạch. Vợ chồng tôi tính là phải đi làm thuê, ai thuê chi làm đó để đong gạo qua ngày chứ biết sao. Ở Lệ Thuỷ này làm thuê thì có đi chặt tràm thuê hoặc là tôi lên phố làm phụ thợ nề. Làm gì cũng làm, mình đói thì được chứ vợ con thì không thể”, anh Đạo chia sẻ.
Một đoàn từ thiện khác đến trước nhà anh Đạo vào chiều muộn. Lần này, phần quà có gạo, mắm muối. Những thành viên trong đoàn chép miệng xót xa trước căn nhà hư hại đổ nát của vợ chồng anh. Ngoài phần quà, họ góp thêm 1 triệu đồng để chung tay với anh vượt qua khó khăn.
Anh Đạo cầm tay đoàn từ thiện nói lời cảm ơn, 2 đứa trẻ vẫn chơi bên hông nhà với món đồ chơi làm bằng nhựa mới được mẹ tìm thấy trong bùn đất. Tiếng loa từ chiếc radio vẫn đều đều vang lên thông báo tin bão xa, cơn bão số 8, dự báo đổ bộ vào khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, tâm bão có thể vào tỉnh Quảng Bình.